Đang oải với cái nóng giữa mùa khô Biên Hòa, lướt web thấy cư dân mạng ca ngợi là đi Sihanoukville tắm biển giá rẻ mà lại không có nạn “chặt chém”, tôi liền cùng vợ rủ thêm một “cặp đôi hoàn… cảnh” (tuổi trên 80 mà tiền cũng ít) khăn gói lên đường.
Đang oải với cái nóng giữa mùa khô Biên Hòa, lướt web thấy cư dân mạng ca ngợi là đi Sihanoukville tắm biển giá rẻ mà lại không có nạn “chặt chém”, tôi liền cùng vợ rủ thêm một “cặp đôi hoàn… cảnh” (tuổi trên 80 mà tiền cũng ít) khăn gói lên đường.
Chúng tôi khởi đầu từ cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) nhập cảnh vào Campuchia, đi thẳng đến thủ đô Phnom Penh ở, chơi, tham quan 2 ngày; tiếp đến xuống vùng biển Sihanoukville và Kampot. Mỗi nơi ở chơi cũng 2 ngày rồi trở về Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên. Chuyến du lịch bụi 6 ngày đêm thật trọn vẹn trên xứ Chùa Tháp tính đúng tính đủ mọi chi phí, mỗi người tốn chưa đến 3 triệu đồng!
* Đi đường ngắn tốn hơn đường dài
Đi du lịch tự túc ở Campuchia có lẽ khoản chi phí tốn kém nhiều nhất là… tiền xe. Nhưng thực ra là giá vé xe đường dài lại khá rẻ. Đi từ TP.Hồ Chí Minh (lên xe ở “phố Tây” Phạm Ngũ Lão, quận 1) đến Phnom Penh bằng xe Limousine bus khá sang trọng chỉ với giá 13 USD (tương đương 280 ngàn đồng). Từ Phnom Penh đi Sihanoukville trên lộ trình dài đến 230km bằng xe Express bus lộng lẫy, mát rượi chỉ có 7 USD/người. Vé này chỉ cần đặt trước tại quầy tiếp tân nhà khách là đến giờ có mini bus đến tận nơi đón chở ra bến xe G.S.T. xác nhận vé lên xe Express đi Sihanoukville. Từ thành phố biển Sihanoukville đang là điểm đến mới thu hút khách du lịch nhiều nhì Campuchia (sau Siem Reap) hiện nay đến Kampot - một tỉnh cũng vùng biển nhưng được xem là “vương quốc trái cây” của đất nước Chùa Tháp chỉ cách nhau 110km, tôi nhờ tiếp tân của nhà khách đặt vé đi xe mini bus với giá 7 USD/người. Nói chung giá vé xe đường dài là khá rẻ.
Bên bãi biển đẹp ở Sihanoukville. |
Thế nhưng, tốn đến không ngờ đối với dân du lịch tự túc lại là những cuốc xe đường ngắn, từ bến xe vào nhà nghỉ, từ nhà nghỉ đến các điểm tham quan… Dân lái xe tuk tuk, taxi hoặc honda ôm rất mê du khách Việt, nhất là gặp được đoàn khách chúng tôi có cả bô lão (ông anh vợ tôi đã 85 tuổi), nhi đồng (đứa cháu ngoại tôi mới 4 tuổi) rất ngại đi bộ. Trong khi đó, “Tây ba lô” thường rất… vô tư lội bộ giữa trời nắng nóng như thiêu như đốt trên đất Chùa Tháp, nhờ đó giảm được khoản chi rất đáng kể. Cũng may, đoàn chúng tôi có 4 người lớn và 1 đứa bé đi kèm, ngồi vừa đủ trên một xe tuk tuk nên mắc mà chia ra cũng thành rẻ.
Và vào một buổi chiều ở Kampot, chúng tôi còn kêu tuk tuk chở đến vùng cao nguyên Tek Chhou để chỉ ngồi bên bờ suối hoang sơ thưởng thức món gà đồi nướng, lẩu gà cùng cơm nương của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Chuyến xe đi ăn này tốn đến 12 USD.
* Chuyện ở, chuyện ăn
Đã có dịp lang thang một vài nơi trên đất Thái, Singapore, Malaysia, Lào... nên việc chọn chỗ nghỉ trọ của tôi bao giờ cũng “ưu tiên” là… nhà khách (guesthouse), chứ không phải là khách sạn (hotel), vì khách sạn từ 3 sao trở lên quá mắc tiền, còn dưới tiêu chuẩn đó thì phòng ốc cũ kỹ, giường nệm tồi tàn. Tôi khoái ở nhà khách vì giá rẻ, hợp với túi tiền dân đi du lịch bụi và vì sự thân thiện, cởi mở của những chàng trai, cô gái Tây, Nhật, Phi, Hàn… ăn mặc thoải mái, đứng xếp hàng tán gẫu với nhau để chờ đến lượt bước vào... phòng vệ sinh, nhà tắm chung một cách thoải mái, vui vẻ. Còn gặp nhau ngoài đường, trên xe bus thì những người ở chung nhà khách thường vẫy tay chào hỏi, gọi nhau í ới.
Đông đảo du khách đến với Sihanoukville. |
Dân ba lô thường thuê loại phòng có tên là Dorm Room khá phổ biến ở các khu phố Tây ở Phnom Penh, Siem Reap, Sihanoukville, Kampot, Kep... chỉ có giá 3 USD. Loại phòng 1 giường có máy lạnh cho 2 khách chia sẻ nhau cũng chỉ có giá 4-6 USD. Cạnh các bãi biển ở Sihanoukville còn có nhiều loại Bungalow có giá 6 - 11 USD.
Do đi cả bầu đoàn, nên ở Phnom Penh, chúng tôi chọn một phòng máy lạnh 2 giường đôi, có phòng vệ sinh riêng của một nhà khách có tiếng ở ngay chợ mà thả bộ ra bờ sông cũng gần với giá 18 USD/ngày đêm.
Ở Sihanoukville, chúng tôi cũng thuê được căn phòng tương tự trong ngôi nhà gỗ có cây xanh rất đẹp mắt của một nhà khách có vị trí giữa 2 bãi biển đông khách Tây nhất là Serendipity và Ochheuteal với giá 20 USD/ngày đêm. Ở Kampot, chúng tôi thuê phòng có 2 giường to đùng trong một villa gỗ gần chợ Samaki và cách quảng trường có biểu tượng trái sầu riêng không xa lắm với giá 8 USD (không máy lạnh).
Đổi tiền riel xài có lợi hơn! Đối với du khách nước ngoài, tiền được sử dụng phổ biến nhất ở Campuchia là... USD. Nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy là để tiết kiệm, ngoài một số tiền USD cần phải “thủ” để chi trả trong khu vực dành cho người nước ngoài, du khách nên đổi lấy tiền riel để sử dụng, có lợi hơn rất nhiều. 1 USD bằng 4 ngàn riel. |
Còn chuyện ăn thì hầu như mọi nhà khách ở Campuchia đều có mini restaurant. Và đầu bếp của các nhà hàng nhỏ này chế biến các món ăn Âu, Tây đều ngon với giá rẻ. Đặc biệt, hải sản như: tôm, mực, sò huyết… được chế biến theo kiểu Tây có giá chỉ 2,5 - 3 USD. Những món này uống với bia Angkor thì rất ngon. Ngoài bờ biển còn có các quầy nướng hải sản thơm lừng, mấy xe bán nhện, bò cạp, dế… chiên giòn cũng khá hút khách. Nhưng nhiều du khách lại thích món mực nướng xiên que do mấy người phụ nữ Campuchia gánh đến tận nơi, nướng tại chỗ với giá 2 USD cho xâu 10 con mực nướng. Bia Angkor ngon có tiếng, giá trong quán bar, nhà hàng thường 1,5-2 USD/lon. Được một người mới quen ở Kampot chỉ, tôi hay mua bia ở các đại lý của người địa phương chỉ có 2 ngàn riel (bằng 0,5 USD)/lon. Những nhà hàng ở đây thấy khách xách bia bên ngoài vào uống chẳng than phiền gì cả!
Chỉ sau mấy bữa đầu khen lấy khen để món ăn Tây, vợ chồng người anh và vợ tôi đã thấy nhớ cơm, thèm... hủ tiếu. Thế là chúng tôi lê la ra mấy quán ăn ở lề đường. Ở đây cơm, cháo, hủ tiếu, mì, hột vịt lộn, chè, xôi, chim, gà nướng… thứ gì cũng có mà bán với giá rẻ rề, trong đó tôi nhớ hủ tiếu Nam Vang chỉ có 4 - 5 ngàn riel/tô...
Bùi Thuận