Báo Đồng Nai điện tử
En

Những đội cứu hộ tự nguyện (Bài cuối)

09:11, 19/11/2012

Không thờ ơ với nỗi đau do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra, nhiều đội cấp cứu tai nạn tự nguyện đã được các địa phương thành lập để kịp thời cứu giúp người bị nạn, báo cơ quan chức năng đến xử lý… Những việc làm tuy nhỏ, nhưng kịp thời ấy đã góp phần giảm thiểu tác hại do các vụ TNGT gây ra, làm ấm lòng những người bị nạn.

 

Không thờ ơ với nỗi đau do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra, nhiều đội cấp cứu tai nạn tự nguyện đã được các địa phương thành lập để kịp thời cứu giúp người bị nạn, báo cơ quan chức năng đến xử lý… Những việc làm tuy nhỏ, nhưng kịp thời ấy đã góp phần giảm thiểu tác hại do các vụ TNGT gây ra, làm ấm lòng những người bị nạn.

Trong lúc vội vã điều khiển xe máy từ TP.Hồ Chí Minh về huyện Long Thành thăm nhà, anh Huỳnh Tư sơ suất va quẹt với một xe máy chạy cùng chiều nên loạng choạng tay lái và ngã nhào bất tỉnh. Nghe tin báo có vụ TNGT, Đội cấp cứu tự nguyện xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) đã kịp thời có mặt để đưa anh Tư đến bệnh viện cấp cứu.

* Nghĩa hiệp

Anh Lưu Tiến Dũng, Đội trưởng Đội cấp cứu tự nguyện xã Phước Tân, cho biết, tiền thân của đội là các nhóm lẻ tẻ do những người hành nghề xe ôm, ba gác máy, xe tải đang chốt đậu tại các tuyến đường qua địa bàn xã thấy chuyện thương tâm xảy ra mà cứu giúp. “Khi thấy TNGT xảy ra, các thành viên trong đội sẽ nhanh chóng sơ cấp cứu nạn nhân, đưa họ đi bệnh viện, đồng thời bố trí người giữ gìn tài sản cho họ, kịp thời điện báo cho công an, người nhà hay tin. Tuy hành động tự phát, nhưng anh em đều thể hiện tinh thần nghĩa hiệp giúp người không đòi thù lao” - anh Dũng cho biết.

Tập huấn cho các tài xế xe ôm về công tác sơ cấp cứu.
Tập huấn cho các tài xế xe ôm về công tác sơ cấp cứu.

Sau nhiều năm hành hiệp giúp người gặp nạn, tháng 8-2012, Đội cấp cứu tự nguyện Phước Tân gồm những người chạy xe ba gác máy, tài xế xe ôm, xe tải nhỏ đã được UBND xã ra quyết định thành lập, có quy chế hoạt động rõ ràng và trực thuộc Hội Chữ thập đỏ xã. “Do bức xúc trước sự vô cảm, thờ ơ của người đi đường với nạn nhân, thậm chí có kẻ lợi dụng tai nạn để hôi của, tôi đã rủ một số anh em làm nhiệm vụ này để giúp những người bị nạn. Từ chỗ chỉ có vài anh em xe ôm, ba gác máy tình nguyện tham gia, Đội cấp cứu tự nguyện hiện đã có 19 thành viên, chia thành 2 nhóm, nhóm 1 do tài xế xe tải nhẹ Phương phụ trách, nhóm 2 do Thành xe ôm phụ trách” - anh Dũng cho hay.[links(left)]

Tại TP.Biên Hòa, Hội Chữ thập đỏ phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) cũng có chi hội xe ôm sơ cấp cứu. Chi hội này có 25 thành viên, anh Phạm Đình Tụ (một tài xế xe ôm kỳ cựu) được bầu làm Chi hội trưởng. Anh Tụ cho biết, tài xế xe ôm có mặt khắp các địa bàn, nhất là tại các điểm "đen” về TNGT nên ngoài việc mưu sinh, mọi người thường xuyên giúp đỡ người bị TNGT trong việc sơ cấp cứu, thông báo cho cơ quan công an kịp thời có mặt tại hiện trường và hướng dẫn người nhà chở người bị nạn đến trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu. Anh Tụ chia sẻ: “Chúng tôi từng gặp nhiều phiền phức, hiểu nhầm, như: bị nghi trộm cắp tài sản, lợi dụng bắt chẹt người bị nạn để đòi tiền thù lao, là kẻ xấu… Do đó, để “chính danh” trong lúc cứu giúp người, chúng tôi được Hội Chữ thập đỏ phường tập hợp lại thành tổ chức và mở rộng thêm các nhiệm vụ, như: cứu người bị đuối nước, tai nạn lao động, hỏa hoạn…”. Cũng theo anh Tụ, khi vào tổ chức, các thành viên trong Chi hội xe ôm sơ cấp cứu được chính quyền và các ban, ngành ở địa phương tập huấn các công tác về phòng, chống tội phạm, sơ cấp cứu, cứu hộ - cứu nạn, công tác dân vận…

* Cấp cứu thiện nguyện

Ông Phạm Văn Hùng, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Biên Hòa, cho biết, Hội Chữ thập đỏ các phường, xã trên địa bàn TP.Biên Hòa đã củng cố và xây dựng được 112 chốt cấp cứu tình nguyện. Tùy đặc thù của xã, phường mà Hội tổ chức các điểm, chốt cấp cứu tai nạn giao thông, cứu nạn phù hợp. Mỗi tháng, các điểm, chốt, đội sơ cấp cứu trên địa bàn TP.Biên Hòa đã kịp thời cứu giúp hàng chục trường hợp bị nạn. “Thành viên của các chốt, điểm, đội hay chi hội phần lớn là những người hành nghề xe ôm, ba gác, người sinh sống dọc theo tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Trong số đó, có cả lương y và cán bộ xã, phường, đoàn viên thanh niên” - ông Hùng nói.

Còn ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) cho biết, phường Tân Vạn có 2 chốt cấp cứu với trên 20 thành viên. Chốt thứ nhất được bố trí ở KP1, do Trưởng khu phố Phạm Hồng Son phụ trách. Chốt thứ hai đặt tại nhà lương y Nguyễn Đăng Khoa và do lương y Khoa phụ trách. Ngoài nhiệm vụ cứu giúp người bị TNGT, các thành viên trong chốt còn có nhiệm vụ vớt xác người bị đuối nước trôi dạt vào địa bàn phường. “Bất kể giờ giấc, khi hay tin có người chết đuối hay bị TNGT trên địa bàn, anh em trong các chốt đều triển khai lực lượng cứu giúp. Có những xác chết vô chủ, sau khi được cơ quan công an khám nghiệm tử thi xong giao lại cho địa phương quản lý và chúng tôi tiếp tục làm thêm công việc chôn cất họ” - ông Tài kể.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hùng, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Biên Hòa, bày tỏ: “Mỗi đội, chi hội, chốt, điểm đều có những cách làm hay trong quá trình cứu hộ, cứu nạn theo đúng tôn chỉ, mục đích mà Hội đề ra. Tuy nhiên, đa số các thành viên tham gia công tác thiện nguyện đều là lao động nghèo, khó khăn, nên ngoài việc động viên, khen thưởng, các cấp Hội và chính quyền cũng cần có khoản quỹ dùng để hỗ trợ chi phí xăng, bồi dưỡng lực lượng thiện nguyện này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Son cho biết, các thành viên trong chốt của ông là những người dân địa phương thạo sông nước, hành nghề dọc theo các tuyến đường giao thông. Khi có người bị nạn, họ nhanh chóng sơ cấp cứu rồi đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất và không bao giờ đòi hỏi thù lao, sự trả công. Ông Son khẳng khái nói: “Đã làm công tác thiện nguyện thì không ngại phiền phức, sợ người khác hiểu nhầm động cơ của mình. Họ chưa hiểu việc mình làm ngay lúc đó, nhưng về sau sẽ hiểu đúng. Chứ làm thiện nguyện mà chần chừ, tính toán, vô cảm thì sao cứu nạn kịp thời được”.

Xuất phát từ tấm lòng của người thiện nguyện, anh Lưu Tiến Dũng (Đội trưởng Đội cấp cứu tự nguyện xã Phước Tân) đã bỏ tiền túi sắm chiếc ô tô 7 chỗ ngồi, cùng chi phí xăng và tự mình cầm lái chuyển người bị TNGT đi cấp cứu miễn phí. Còn Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bình Đa Nguyễn Hồng Anh thì góp sức với các thành viên trong Chi hội xe ôm sơ cấp cứu bằng chiếc ô tô 7 chỗ ngồi “hoành tráng” của gia đình để chở người bị nạn miễn phí 24/24 giờ. Anh còn liên hệ với các cơ sở cho thuê xe dịch vụ trên địa bàn phường hỗ trợ những chuyến xe với giá rẻ để chở các nạn nhân TNGT đi cấp cứu theo yêu cầu của họ. Riêng ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Vạn thì gắn kết chặt chẽ với các mạnh thường quân, vận động họ hỗ trợ chi phí để lo các khoản mai táng, viện phí đối với những người gặp nạn không có thân nhân, khách vãng lai gặp nạn khi đi qua địa bàn…

“Chúng tôi hành động giúp người gặp nạn để người khác hiểu được trái tim của những người hành nghề xe ôm, ba gác…, dù kinh tế khó khăn vẫn có trách nhiệm với cộng đồng. Chúng tôi cũng muốn những người đi đường xóa dần hành vi lãnh cảm, bàng quang với những người gặp nạn và ngăn chặn cảnh kẻ xấu lợi dụng người bị nạn trục lợi” - ông Phạm Văn Đông, thành viên của Chi hội xe ôm sơ cấp cứu phường Bình Đa, bộc bạch.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều