Báo Đồng Nai điện tử
En

Tai nạn giao thông nhìn từ bệnh viện (Bài 2)

08:11, 15/11/2012

Không cần phải chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng nơi hiện trường tai nạn, chỉ qua nỗi đau thể xác và tinh thần mà các nạn nhân, người thân của họ gánh chịu cũng đã khiến người ta cảm nhận được hậu quả khủng khiếp do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra.

Không cần phải chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng nơi hiện trường tai nạn, chỉ qua nỗi đau thể xác và tinh thần mà các nạn nhân, người thân của họ gánh chịu cũng đã khiến người ta cảm nhận được hậu quả khủng khiếp do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra.

* Tuổi xuân nằm trên giường bệnh

Vật lộn với mớ ống truyền dịch dẫn bắt đầy trên người cô con gái, bà Hòa cố gắng chăm sóc nhẹ nhàng để không làm đau con thêm nữa. 23 tuổi, đang làm nhân viên kinh doanh của một công ty ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng sau khi bị TNGT, Phạm Vân Anh (ngụ ở huyện Định Quán, con bà Hòa) đã phải nằm bất động một chỗ suốt 5 tháng qua.

Bà Hòa bên con gái nằm bất động vì tai nạn giao thông đã hơn 5 tháng.
Bà Hòa bên con gái nằm bất động vì tai nạn giao thông đã hơn 5 tháng.

Nhìn khuôn mặt đờ đẫn đang ú ớ một điều gì nhưng không thể nói được của Vân Anh, bà Hòa cho biết, con gái bà bị TNGT trong lúc đi du lịch. Sau đó, Vân Anh được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) để điều trị vì chấn thương sọ não. Tại đây, sau một tháng rưỡi điều trị, chị Vân Anh được làm các phẫu thuật để nuôi sống bộ não. Tiếp đó, chị được chuyển sang Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh điều trị các triệu chứng tê liệt do ảnh hưởng của não. Sau gần 3 tháng nằm viện, tình trạng sức khỏe và các chức năng hoạt động của chị vẫn chưa có tiến triển đáng kể. Một phần khối não của chị được tách rời và nuôi dưỡng trong ổ bụng. Mọi hoạt động của cô gái 23 tuổi này vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của người thân khi các chức năng của cơ thể chưa thể hoạt động bình thường trở lại thì Vân Anh lại tiếp tục chống chọi với những di chứng khác. Do đó, bà Hòa phải đưa con vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để tiếp tục điều trị.[links(right)]

Thẫn thờ bên đứa con gái nằm bất động, bà Hòa cho biết, cách đây 3 năm, chồng bà cũng bị TNGT làm chấn thương não, hiện đầu óc không bình thường. “Họa vô đơn chí”, nỗi đau lại đè lên lưng bà khi đứa con gái phải nằm liệt một chỗ vì TNGT. Quệt ngang dòng nước mắt lăn dài trên má, bà Hòa cho biết: “Cuộc sống hiện giờ của tôi và đứa con nằm viện chỉ biết trông nhờ vào những bữa cơm từ thiện ở bệnh viện. Gia đình đã vay mượn và bán hết tài sản trong nhà để chữa trị, nhưng đã 5 tháng rồi mà mẹ con tôi vẫn chưa biết ngày về”.

“Người nhà bệnh nhân giường số 20 có mặt không ạ?” - bác sĩ vừa dứt câu hỏi, thì đã thấy ông Dũng - bà Linh (cha, mẹ của bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Ánh, 23 tuổi, ngụ ở TP.Biên Hòa) vội vàng chạy đến bên giường cô con gái với vẻ mặt đầy lo âu. Thấy cha mẹ đứng bên cạnh, hai khóe mắt còn sót lại dưới lớp băng kín mặt của chị Ánh chảy dài hai dòng lệ. Nghẹn ngào nhìn đứa con bị chấn thương sọ não đang nằm bất động, ông Dũng cho biết: “Cháu nó đã đỡ hơn rồi đó. Mỗi khi thấy người quen vào là khóc. Lúc mới nhập viện (đã 10 ngày), cháu mê man không biết gì”. Vừa nói, ông Dũng vừa cầm bàn tay của con nắn, bóp rồi lại co duỗi liên tục. Phía dưới chân, bà Linh cũng liên tục nâng lên, hạ xuống cho máu dưới chân con được lưu thông.

Đã 10 ngày nay, ông Dũng không rời bệnh viện. Cứ xong giờ cơm là ông lại có mặt để chờ lúc bác sĩ gọi vào mà “vận động” con. Giọng ông Dũng buồn buồn nói: “Vợ chồng tôi chỉ có một mình nó. Đang trong giờ làm, cả hai nhận được tin cháu bị tai nạn, đang được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện…”. Nói trong lo âu, ông Dũng cho biết, với tình trạng này, Ánh còn phải nằm viện cả tháng mới có thể tạm ổn định. Còn việc điều trị để bình thường trở lại thì còn phải mất rất nhiều thời gian.

* “Trụ cột” mất chân

Do hoàn cảnh khó khăn nên sau khi cưới nhau vài hôm, anh Trương Văn Thông (23 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An) cùng vợ dắt díu nhau vào Đồng Nai làm công nhân. Được vài tháng, vợ ốm phải về quê thì anh Thông bị TNGT tàu hỏa. Sau vụ tai nạn, chân phải của anh đã phải cắt bỏ đến đầu gối. Vẫn chưa hết đau đớn sau hơn một tuần nằm viện, anh Thông cho biết, cảnh gia đình khó khăn neo người nên sau khi anh bị tai nạn, vợ ốm không đi được, chỉ có một mình chị gái ở quê vào chăm sóc. Nỗi đau thể xác có thể qua đi, nhưng đôi chân không còn được lành lặn là điều khiến anh ân hận, nhất là khi anh lại là lao động chính trong gia đình.

Nói về những mất mát của bệnh nhân do TNGT, bác sĩ Hoàng Anh Thuấn (Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) cho biết, những trường hợp bị TNGT vào khoa này, hầu hết đều bị gãy tay, chân hoặc vùng xương chậu. Đa số nạn nhân bị TNGT đều là lao động chính trong gia đình, nên những ảnh hưởng đối với cuộc sống của họ rất lớn. Mỗi ngày, tại Khoa Chấn thương chỉnh hình có khoảng 50 bệnh nhân, trong đó có đến 70% bệnh nhân bị TNGT. Còn tại Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai), bác sĩ Nguyễn Đăng Minh cũng cho biết, số bệnh nhân bị TNGT chiếm 70-80% và đa số ở lứa tuổi từ 20-30, là những lao động trụ cột trong gia đình.

Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bác sĩ Trưởng khoa Khám bệnh Lê Văn Lương cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 120-150 ca cấp cứu, 1/3 trong số đó có liên quan đến TNGT. Đối với những ngày cuối tuần hay lễ, tết, số bệnh nhân bị TNGT chiếm khoảng ½ số ca nhập viện. Số bệnh nhân bị TNGT nhập viện ngoài những trường hợp tử vong, hầu hết đều để lại di chứng, từ: xây xước, gãy tay, chân đến chấn thương sọ não. Trong số đó, nhiều trường hợp phải mang di chứng suốt đời, sống hoàn toàn nhờ vào sự chăm sóc của người khác.

Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, trong 10 tháng của năm 2012, bệnh viện đã tiếp nhận 5.509 trường hợp bị TNGT. Trong số đó, 22 ca đã tử vong, 326 trường hợp có sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Sau khi tiến hành đo nồng độ cồn, bệnh viện xác định có 161 trường hợp vượt mức cho phép. Trong số 5.509 trường hợp nhập viện, có đến 4.394 bệnh nhân ở độ tuổi từ 20-59; lứa tuổi từ 15-19 tuổi có 740 trường hợp, trên 60 tuổi 304 người, số còn lại dưới 14 tuổi.

Theo bác sĩ Lương, hậu quả từ những vụ TNGT để lại rất lớn. Ngoài những tác động về tiền của, sức khỏe, nó còn làm chấn thương đời sống tâm lý của nhiều người. Đối với những trường hợp nặng, chi phí và thời gian điều trị rất lớn, khiến nhiều gia đình rơi vào tình trạng “phá sản”. Không những thế, quá trình tiếp nhận và chăm sóc các trường hợp bị TNGT, các bác sĩ cũng gặp không ít những khó khăn. Nhiều trường hợp, người thân nạn nhân do quá lo lắng, hoặc đã uống rượu, bia nên đã tìm cách gây áp lực với đội ngũ y, bác sĩ trong quá trình cấp cứu. Bác sĩ Lương cho biết, để có cơ sở xác định nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT, sau mỗi lần tiếp nhận các ca nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành đo nồng độ cồn đối với bệnh nhân. Đối với những trường hợp bệnh nhân có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, sẽ không được chi trả các khoản bảo hiểm theo quy định. Đây cũng là cơ sở để xác định mức độ bồi thường cho những người có liên quan đến các vụ tai nạn do bênh nhân đó gây ra. Theo bác sĩ Lương, đây chỉ mới là những biện pháp nhỏ góp phần vào việc giảm thiểu TNGT như hiện nay.

Danh Trường

 

 

 

Tin xem nhiều