Báo Đồng Nai điện tử
En

Về “xứ” làm đùng

09:07, 01/07/2012

Khu rừng Sác (thuộc hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch) lâu nay được biết đến là “nơi của những người làm đùng”. Gần 100 đùng tôm, cá rộng từ một đến vài chục hécta đang được người dân chăm sóc và bảo vệ cẩn thận.

Khu rừng Sác (thuộc hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch) lâu nay được biết đến là “nơi của những người làm đùng”. Gần 100 đùng tôm, cá rộng từ một đến vài chục hécta đang được người dân chăm sóc và bảo vệ cẩn thận.

Quanh năm suốt tháng ăn, ở như “người rừng”, nhưng các hộ dân làm đùng cá, tôm vẫn vui vẻ chấp nhận công việc của mình. Tại đây, những đùng cá, tôm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng không còn là điều xa lạ nữa. Một cuộc sống ấm no, trù phú đang hiện hữu khi cách làm giàu hài hòa với thiên nhiên được mọi người hoàn toàn ủng hộ.

* Hài hòa lợi ích

Năm 1995, được sự đồng ý của Lâm trường Long Thành (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành), các hộ dân đã được ký hợp đồng giao khoán mặt nước để tăng gia sản xuất. Từ đó đến nay, tình trạng khai thác rừng trái phép và tận thu khoáng sản đã được hạn chế rất nhiều.

Những con cá, con tôm được nuôi hoàn toàn bằng tự nhiên đã giúp bà con có cuộc sống no đủ.
Hài hòa lợi ích giữa con người và tự nhiên là cách sản xuất bền vững tại những đùng cá khu rừng Sác.

Chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi đi tham quan những đùng cá đang ẩn mình sau những rừng đước, rặng mắm xanh rì. Cách đất liền chừng nửa giờ chạy, chúng tôi đến đùng cá của anh Đinh Văn Hồng. Cách đây hai ngày, anh Hồng vừa đắp xong cống dẫn nước với giá hơn 150 triệu đồng. Anh Hồng giải thích: “Làm cống ở ngoài này không như ở trong đất liền, giá cả cái gì cũng đắt gấp 3 lần. Nước lên xuống lại nhanh xói đất nên phải làm bờ kè trong, kè ngoài…”.Chủ đùng cá 12 hécta này tâm sự: “Từ khi nhận được quyết định giao khoán đất, chúng tôi cố gắng đầu tư để nâng cao thu nhập. Chúng tôi xác định, phải có rừng thì mới có tôm, cá để mà đánh bắt. Vì vậy, chuyện chặt phá rừng hầu như không có ở những nơi chúng tôi quản lý, mà chỉ có một việc sống hài hòa với thiên nhiên thôi”.

Trò chuyện một hồi, anh Hồng lại chở chúng tôi chạy men theo sông quan sát. Thời tiết mùa hè nóng bức, nhưng cái hương phù sa và cây cối xanh tươi nơi đây làm mọi người quên đi cái nắng trên đầu. Sau một hồi luồn lách dưới tán rừng đước, chúng tôi ghé vào đùng cá của anh Trần Xuân Đà, ở khu Cắm Sào. Đây được coi là lõi của rừng Sác, nằm xa nhất so với những đùng khác. Đùng cá của anh Đà rộng 13 hécta, với nhiều loại tôm, cá. Anh Đà nói: “Hôm nay nghỉ một bữa cho khỏe, vì tối qua bận... xem bóng đá". Với giá tôm sú khoảng 200 ngàn đồng/kg, cá rô, cá dứa, cá đối... trung bình gần 100 ngàn đồng/kg, chỉ cần một buổi quăng lưới. anh có không dưới hai triệu đồng.

Thấy có khách, anh Đà chèo chiếc thuyền con con ra đùng. Mấy anh em làm đùng khác trò chuyện: “Đùng cá này làm ăn được nhất, vì xa đất liền, nguồn nước còn sạch. Thấy rộng vậy chứ anh Đà biết cá, tôm nó núp chỗ nào, nhiều hay ít đó”. Quả không ngoa cho kinh nghiệm làm đùng hàng chục năm của anh Đà, chỉ sau một lần quăng lưới, những con cá to bằng bắp chân, những con tôm chắc nịch được anh đưa lên bờ làm mồi đãi khách.

Những người làm đùng sống xa nhà lâu ngày chỉ có hàng xóm là người bạn thân lúc tối lửa tắt đèn. Nên khi gặp sự cố, ai cũng có thể nhờ hàng xóm của mình đưa vỏ lãi tới giúp đỡ. “Lỡ khi đau ốm thì anh tính thế nào?” - chúng tôi hỏi. “Làm không vất vả nhiều, lại ăn toàn đồ hải sản tươi ngon, sạch và ở thoáng mát với thiên nhiên nên người làm đùng tụi tui ít khi ốm lắm” - anh Đà cho biết.

* Mong được ở với rừng

Những người làm đùng ở Nhơn Trạch, Long Thành đều phải chấp nhận sống thiếu thốn nhiều thứ. Từ điện, ánh sáng, cơ sở vật chất, đi lại khó khăn…, nhất là thiếu hàng xóm. Mỗi tháng, có người chỉ vào bờ một lần để mua những thứ cần thiết rồi ra lại, khi có việc gì thì gọi điện nhờ các chủ đùng khác mua hộ. Đồ vật hiện đại nhất của người làm đùng là cái điện thoại, sau là chiếc tivi dùng ắc-quy. Người dân biết sống “hơi khổ”, nhưng trong ánh mắt ai cũng lấp lánh niềm vui, khi những cố gắng của họ sẽ được trả lại.

Canh tác hơn 30 hécta nên ngoài công sức hai vợ chồng, anh Lê Duy Thành phải thuê hai nhân công để liên tục túc trực trông coi đùng. Tiền chi phí mỗi tháng cho đùng cá không dưới 50 triệu đồng. Bù lại, anh kiếm được không dưới 80 triệu đồng mỗi tháng. Anh hồ hởi nói: “Làm đùng chỉ khổ là phải luôn sẵn sàng đắp sửa lại bờ bao mọi lúc, không kể giờ giấc. Chỉ cần để một con nước tràn qua, coi như công cả tháng trời đổ ra biển”.

Điều mà anh Thành và những người làm đùng nơi đây tâm đắc nhất chính là nguồn con giống luôn có sẵn từ thiên nhiên. Mỗi lần con nước lên, các chủ đùng lại mở cống để cá, tôm vào đùng của mình. Khi nước hạ, họ đóng miệng cống để giữ cá lại. Để thêm nguồn thu, người làm đùng bỏ thêm hàng chục triệu đồng để thả tôm giống, vì tôm tự nhiên không nhiều. Anh Thành nói: “Những sản vật của người làm đùng đều rất sạch, vì đều được nuôi tự nhiên. Chúng tôi chỉ có mỗi việc xây bờ kè và trông coi cống nước, đến ngày lại thu hoạch. Nói chung là sống được với nghề này”.

Hài hòa lợi ích giữa con người và tự nhiên là cách sản xuất bền vững tại những đùng cá khu rừng Sác.
Những con cá, con tôm được nuôi hoàn toàn bằng tự nhiên đã giúp bà con có cuộc sống no đủ.

Khí hậu thuận lợi nên phần lớn các đùng tôm, cá nơi đây đều ăn nên làm ra. Tuy nhiên, cũng có một số đùng cá ở gần bờ và các khu công nghiệp nên năng suất không cao. Đùng cá của anh Hà Duy Thanh đầu tư hơn nửa tỷ đồng nhưng vẫn chưa sinh lời được bao nhiêu. Anh ước tính phải mất 4 năm nữa đùng mới thật sự có lãi. Cái mốc thời gian đó đang khiến anh và những người làm đùng khác lo lắng. Bởi vì, nhiều người trong số đó đến năm 2013 hết hạn nhận hợp đồng giao khoán và sẽ không được giao khoán mới.

Thông tin này khiến ai nấy tiếc rẻ, vì những công sức và tâm huyết đổ ra hàng chục năm của mình giờ gần như sẽ bỏ đi. Anh Hồng tâm sự: “Ban quản lý rừng nói khi hết hợp đồng trước một tháng người dân sẽ tự thu hồi lại những thứ mà chúng tôi đã đầu tư và trả lại hết cho lâm trường. Nhưng tâm huyết, tình cảm mà chúng tôi đã dành cho đất, cho rừng bao năm qua thì tính sao. Chúng tôi chỉ mong được tiếp tục làm đùng để vừa làm giàu cho bản thân, vừa bảo vệ được tài nguyên của đất nước”.

Lúc chúng tôi ra về, chiếc vỏ lãi chạy đến đâu là những con cá mình lấp lánh ánh bạc phóng mình vun vút ra hai hướng. Một cảnh tượng đẹp mắt khiến ai cũng ngỡ ngàng. Trong lúc mải ngắm những đàn cá lao mình trên sóng nước, chúng tôi thoáng nghe tiếng thở dài của một số người làm đùng. Họ tiếc về những chiếc đùng mà họ gắn bó bao năm giờ sắp phải rời xa. Ai cũng nói, dù có khổ hay khó khăn đi lại thế nào, họ cũng chấp nhận được, chỉ cần được tiếp tục làm đùng. Họ nhờ chúng tôi nhắn nhủ những trăn trở này với Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành. “Chúng tôi không sợ phải đầu tư, chỉ sợ không được cơ hội để làm thôi” - tiếng anh Thanh văng vẳng bên tai chúng tôi như lời nhắn nhủ của những người làm đùng nơi đây.

Minh Trung

 

 

 

Tin xem nhiều