Quá trình điều trị hiếm muộn trải qua nhiều giai đoạn, thời gian điều trị kéo dài, đòi hỏi người bệnh phải có đủ niềm tin và lòng quyết tâm. Và, trong suốt quá trình điều trị ấy, họ đã không đơn độc, khi có những người đồng hành là những bác sĩ tậm tâm với nghề.
Quá trình điều trị hiếm muộn trải qua nhiều giai đoạn, thời gian điều trị kéo dài, đòi hỏi người bệnh phải có đủ niềm tin và lòng quyết tâm. Và, trong suốt quá trình điều trị ấy, họ đã không đơn độc, khi có những người đồng hành là những bác sĩ tậm tâm với nghề.
Khác với những căn phòng khác của khoa sản, phòng tư vấn và điều trị hiếm muộn của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khá yên tĩnh và thưa người lui tới bởi câu chuyện khó nói của những người trong cuộc.
* Chia sẻ với những người hiếm muộn
Đầu giờ sáng, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản I, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai lại ngồi vào chiếc bàn nhỏ để bắt đầu một ngày làm việc. Nơi đây, ông và các cộng sự đã đồng hành cùng biết bao cặp vợ chồng trong hành trình điều trị hiếm muộn. Ông cho biết: “Những áp lực từ cuộc sống, công việc cùng với những yếu tố, như: chế độ ăn uống, sinh hoạt, môi trường sống…, đã khiến nhiều cặp vợ chồng bị trục trặc đường. Vì vậy, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng còn trẻ đã bị hiếm muộn”. Theo lời bác sĩ Hoan, ngoài những nguyên nhân thường gặp về bệnh lý, cấu tạo cơ quan sinh dục…, nguy cơ hiếm muộn chiếm tỷ lệ cao nhất bây giờ là do các bệnh nhân có tiền sử nạo phá thai. Để dẫn chứng điều mình nói, ông kể về trường hợp những cô gái trẻ “trót dại” trước hôn nhân. Đến khi biết tin mình có thai ngoài ý muốn, họ đã tìm đến các phòng khám tư nhân không đảm bảo an toàn. Để rồi, khi họ kết hôn và muốn sinh con thì không thể, gây ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.
Có được đứa con là niềm hạnh phúc to lớn của những cặp vợ chồng hiếm muộn. (ảnh mang tính chất minh họa). |
“Trung bình mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận từ 5-7 ca đến tư vấn và điều trị hiếm muộn. Họ không chỉ đến ngày một, ngày hai là được. Có người phải mất vài tháng, thậm chí cả năm dài để chờ đợi. Trong đó, có nhiều chị em phải “đơn thân độc mã”, khi chồng không chịu tới phòng khám” - bác sĩ Hoan tâm sự. Ông bảo rằng, nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn chừng 1 năm mà không có con thì áp lực nặng nhất vẫn là người vợ. Vì vậy, khi tìm đến khoa sản tư vấn và điều trị, thì vẫn là phụ nữ đi một mình. Sau đó, họ mới về thúc giục chồng đến khám, nhằm tìm giải pháp điều trị hiệu quả hơn. Với nhiều ông chồng, nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn bắt nguồn từ vợ mình.[links(right)]
Quá trình điều trị hiếm muộn không phải ngày một ngày hai nên rất cần sự kiên nhẫn và đồng thuận của cả vợ chồng. Có nhiều trường hợp vợ (chồng) đổ lỗi cho nhau, nảy sinh mâu thuẫn trong suốt quá trình điều trị và bất mãn vì kết quả không như mong muốn. Nói đoạn, bác sĩ Hoan kể chuyện một cặp vợ chồng ngoài 40 tuổi muốn có thêm đứa con thứ 2, nhưng nhiều năm nay không được như ý, dù họ dùng nhiều biện pháp can thiệp và chạy chữa khắp nơi.
Với các bác sĩ trực tiếp điều trị cho những người hiếm muộn, lúc phải thông báo kết quả không như ý muốn, ai cũng buồn và cảm thấy áy náy. Nhưng niềm vui to lớn của những cặp vợ chồng “tìm con” thành công càng thúc giục họ phải cố gắng hơn nữa để giúp đỡ những bệnh nhân của mình. Những bệnh nhân tìm đến đây thường là những người có kinh tế khó khăn và họ xem nơi này như cứu cánh cuối cùng để tìm kiếm “mụn” con. Hiểu được điều đó, bác sĩ Hoan cùng các cộng sự luôn dốc lòng cùng họ trên suốt quãng đường điều trị hiếm muộn. Ông cho hay: “Vì kinh tế còn eo hẹp nên họ phải bươn chải mưu sinh. Có hôm, chúng tôi hẹn ngày đến khám thì lại nghe họ hẹn hôm sau. Nghĩ cũng giận lắm, nhưng cũng phải thông cảm thôi, bởi nếu không đi làm thì họ lấy đâu ra kinh phí để điều trị?”.
* Vui cùng niềm vui của bệnh nhân
Trong tà áo blouse trắng, bác sĩ Võ Tuyết Loan nhẹ nhàng ngồi vào chiếc bàn tư vấn - nơi mà chị vẫn thường trò chuyện cùng những bệnh nhân của mình. Chị bảo rằng, ai cũng mong có được đứa con để giữ trọn hơi ấm trong gia đình, nhưng sự đời nào phải muốn là được. “Phần lớn những bệnh nhân khi đến các phòng khám hiếm muộn đều tiên liệu được mức độ tốn kém về chi phí điều trị, lẫn thời gian, công sức bỏ ra. Nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo đến tận cùng” - bác sĩ Loan cho hay.
Đó là trường hợp của những cặp vợ chồng công nhân nghèo, dù đã kết hôn lâu năm mà vẫn bặt tin về đường sinh nở. Lúc đến đây, họ như trút hết được những u buồn dồn nén bao năm. Có không ít người, vì xúc động quá đã khóc nức nở khi nói về nỗi khát khao làm mẹ của mình. Gặp những trường hợp như thế, ngoài vai trò người bác sĩ điều trị, chị còn làm người bạn để lắng nghe và xoa dịu bớt đi nỗi buồn của bệnh nhân. Bác sĩ Loan nhẹ giọng: “Có những trường hợp, chúng tôi sử dụng biện pháp can thiệp nhiều lần, nhưng bất thành. Vì vậy, việc điều trị đôi lúc cũng thiên về xoa dịu, để họ có chút gì đó hy vọng, dù lắm mong manh”.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản I, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh nhưng phổ biến nhất vẫn là 3 loại: cấu tạo cơ quan sinh dục bất thường, nhiễm trùng cổ tử cung và do các bệnh lý gây ra. Từ 6 tháng đến 1 năm sau khi cưới, nếu chưa thấy có thai, hai vợ chồng cần đi khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Xác định sớm nguyên nhân hiếm muộn là yếu tố quan trọng nhất trong việc khắc phục “sự cố”. Nguyên nhân gây hiếm muộn càng sớm được phát hiện, càng có nhiều cơ hội có con. |
Nhớ lại trường hợp tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm thành công đầu tiên tại bệnh viện vào năm 2004, bác sĩ Hoan không giấu được niềm vui. Ông cho biết: “Đó là niềm hạnh phúc không gì diễn tả nổi. Khi họ tìm đến đây điều trị, cả hai vợ chồng đều buồn bã, vì đã chữa trị nhiều nơi mà không có kết quả. Hơn 3 tháng ròng rã theo dõi và tư vấn, cuối cùng cũng thành công. Lúc nhận được tin cô ấy sinh mẹ tròn con vuông, tôi cảm thấy như chính mình vừa trải qua một giai đoạn thử thách vô cùng khó khăn”.
Vui là thế, nhưng nhiều lúc gặp những ca khó, cả vợ và chồng đều hiếm muộn thì tỷ lệ thành công chỉ còn trông cậy vào sự may mắn. Nhiều người đã bỏ cuộc giữa chừng, dù rằng các bác sĩ vẫn không muốn đầu hàng trước thử thách cam go của chứng vô sinh. Bác sĩ Loan bảo rằng, đâu phải ai cũng có đủ kinh tế, thời gian để theo suốt quá trình điều trị hiếm muộn. Vậy nên, nhiều lần nghe bệnh nhân kể về hoàn cảnh, chị lại thấy chạnh lòng và tự nhủ với mình, bằng mọi cách phải giúp họ có được đứa con. Và có những trường hợp, sau thời gian dồn tâm sức để chữa trị, bệnh nhân đón nhận tin vui trong niềm sung sướng tột cùng, chị cũng nghẹn ngào nước mắt vì hạnh phúc.
Câu chuyện giữa chúng tôi còn kéo dài, nhưng do bận rộn với bệnh nhân nên các bác sĩ đành hẹn lại dịp khác. Khi chúng tôi chưa ra khỏi cửa vẫn còn nghe rõ giọng các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại. Hành trình đi tìm đứa con của những người hiếm muộn vô cùng khó khăn, nhưng có lẽ họ đã phần nào vơi được những áp lực, vì đã có những người bạn đồng hành cùng họ đi suốt chặng đường điều trị gian nan. Trên chặng đường ấy là biết bao giọt nước mắt của bệnh nhân và những trăn trở của người bác sĩ.
Tùng Minh - Thanh Hải