Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý đối tượng cai nghiện ma túy: Còn nhiều bất cập

09:07, 15/07/2011

Trong 6 tháng đầu năm 2011, việc triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành số 178 về vận động toàn dân tham gia hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng kết hợp áp dụng nhiều biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy, nỗ lực kéo giảm đối tượng nghiện trên địa bàn tỉnh... đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, việc triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành số 178 về vận động toàn dân tham gia hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng kết hợp áp dụng nhiều biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy, nỗ lực kéo giảm đối tượng nghiện trên địa bàn tỉnh... đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do công tác quản lý địa bàn và đối tượng còn hạn chế nên tình hình buôn bán, sử dụng trái phép ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ người nghiện mới và tái nghiện cao...

* Tỷ lệ nghiện mới tăng cao

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) cho biết, nhờ có sự hỗ trợ của các đơn vị theo kế hoạch liên ngành và các chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã giúp những người cai nghiện được hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống. Sáu tháng qua, Trung tâm Giáo dục lao động - xã hội Đồng Nai (còn gọi là Trung tâm Xuân Phú, ở huyện Xuân Lộc) giải quyết hòa nhập cộng đồng cho 177 đối tượng cai nghiện (trong đó có 144 đối tượng cai nghiện bắt buộc, 33 đối tượng cai nghiện tự nguyện), tổ chức dạy nghề cho 60 người. Trung tâm cũng quy hoạch lại khu sản xuất chăn nuôi, thay đổi cách sản xuất gia công cho phù hợp với điều kiện thực tế để vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa nâng cao mức ăn cho học viên. Qua đó, giúp học viên phục hồi sức khỏe, hành vi, nhân cách trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ cho 16 người vay vốn làm ăn tổng cộng 74,5 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 175 đối tượng…

Các học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm Xuân Phú đang tham gia học nghề.  Ảnh: T.Minh
Các học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm Xuân Phú đang tham gia học nghề. Ảnh: T.Minh

Để công tác cai nghiện đạt hiệu quả, bên cạnh việc hỗ trợ người nghiện cắt cơn nghiện, phục hồi sức khỏe, học nghề…, vấn đề chăm lo đời sống tinh thần cũng được chú trọng. Mặt khác, nhằm kéo giảm tỷ lệ người nghiện trong cộng đồng thông qua việc nâng cao nhận thức, Sở Lao động  thương binh và xã hội (LĐTB&XH) đã phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ tỉnh đến huyện, xã,… bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Kết quả, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức 2.531 đợt tuyên truyền phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và người dân các địa phương, thu hút trên 300 ngàn lượt người tham dự. Đồng thời, phát hành 36 ngàn tờ rơi, gần 150 ngàn cuốn tài liệu với nội dung phòng, chống ma túy; tổ chức 91 buổi biểu diễn văn nghệ lồng ghép tuyên truyền…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác quản lý người cai nghiện hiện vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến tái nghiện tăng cao. Ông Nguyễn Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH, cho biết: “Số đối tượng cai nghiện tại Trung tâm Xuân Phú luôn gia tăng. Cuối năm 2010, trung tâm quản lý 754 đối tượng, thì hiện tại con số này đã lên 826 người. 72 người tăng thêm là do số học viên mới vào trung tâm cai nghiện đến 350 người, trong khi trung tâm tổ chức cai nghiện thành công và cho tái hòa nhập cộng đồng 278 người”.

 * Còn nhiều bất cập trong quản lý

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hải, do nhiều địa phương, nhất là tuyến xã, phường còn buông lỏng quản lý khiến tình hình mua bán, sử dụng trái phép ma túy diễn biến phức tạp, số người nghiện và tái nghiện cao. Mặt khác, công tác tuyên truyền chỉ mới thực hiện theo bề rộng, chứ chưa có chiều sâu, nên các gia đình có người nghiện chưa hợp tác tốt trong việc phối hợp, giúp đỡ đối tượng cai nghiện đạt hiệu quả. Một điểm hạn chế nữa là công tác quản lý nhóm đối tượng có nguy cơ cao vẫn chưa được chú trọng đúng mức, dù đây là nhóm có tỷ lệ nghiện và mua bán, tàng trữ chất ma túy rất cao trong xã hội. Vai trò của Đoàn thanh niên vẫn còn hạn chế trong quản lý và phát hiện nguy cơ ở nhóm đối tượng này. Hơn nữa, để làm tốt được công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy trong cộng đồng, phải nắm rõ số lượng cơ sở dịch vụ và lực lượng lao động, người tạm trú trên địa bàn. Thế nhưng, việc thống kê, nắm bắt cụ thể con số những lực lượng này hiện vẫn chưa làm được.

Ngoài những hạn chế và bất cập nêu trên, theo ông Tạ Văn Kỉnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đáng lo nhất vẫn là số đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng. Theo ông Kỉnh, đây là những đối tượng rất phức tạp, khó quản lý nhưng rất dễ tham gia mua bán, sử dụng ma túy. Nhiều đối tượng còn được gia đình bao che, tiếp tay vì thương con. Trong khi các nhà quản lý còn đang lúng túng thì hoạt động tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, dù việc mua bán ma túy trên địa bàn tỉnh chỉ là mua bán nhỏ, lẻ. Ông Kỉnh cho rằng, nếu trước kia đối tượng sử dụng ma túy chỉ tập trung ở những nơi đông dân cư, đời sống khấm khá, thì hiện nay, ma túy đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, thậm chí xâm nhập đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Một số nơi, trước kia không có ma túy thì hiện nay, tình trạng nghiện ma túy đã trở nên phổ biến, như một số vùng sâu của huyện Vĩnh Cửu. Đặc biệt, ông Kỉnh còn cho biết, có đến 80% đối tượng mua bán ma túy trong độ tuổi thanh thiếu niên; đối tượng nghiện cũng ngày càng trẻ hóa về độ tuổi, ngay từ 11 - 12 tuổi đã sử dụng ma túy. Vì vậy, ông Kỉnh cũng đặt vấn đề về vai trò của tổ chức Đoàn trong việc tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên hiện nay ở các địa phương.

Học viên cai nghiện ma túy ở Trung tâm Xuân Phú đang tăng gia sản xuất.  Ảnh: T.Minh
Học viên cai nghiện ma túy ở Trung tâm Xuân Phú đang tăng gia sản xuất. Ảnh: T.Minh

Một trong những bất cập được những người làm công tác phòng, chống ma túy nhắc đến là công tác quản lý sau cai nghiện vẫn còn bị bỏ ngỏ. Hiện vẫn còn tình trạng sau khi tái nghiện, đối tượng không được quay lại trung tâm điều trị do vướng mắc từ quy định của Nhà nước. “Nếu không giải quyết căn cơ vấn đề này, cả quá trình hỗ trợ đối tượng cai nghiện kéo dài sẽ trở thành uổng phí, chưa kể do không nằm trong vòng quản lý nên đối tượng rất dễ bị lôi kéo tái nghiện, tình trạng này đang rất phổ biến” - ông Kỉnh nói.

Còn ông Châu Văn Nguyện, Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Công an huyện Xuân Lộc, thì bộc bạch: “Việc giúp đối tượng nghiện may túy cắt cơn nghiện là điều đơn giản, vấn đề quan trọng là làm sao để đối tượng sau khi tái hòa nhập cộng đồng sống có ích mà không tái nghiện. Vì vậy, bên cạnh việc siết chặt công tác quản lý, cần phải tăng cường hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phối hợp với cơ quan chức năng đẩy lùi tệ nạn ma túy”.

Ngoài những bất cập trong quản lý, việc tổ chức nâng cao đời sống tinh thần cho đối tượng cai nghiện... cũng làm giảm hiệu quả hoạt động cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng nghiện ma túy. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và TNXH tỉnh, cho rằng: “Do tính chất phức tạp của TNXH, nhất thiết phải có sự tham gia, vào cuộc của nhiều ban, ngành, đoàn thể,… thì mới có thể nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy, kéo giảm đối tượng cai nghiện và tái nghiện trên địa bàn tỉnh”.

N.Lê

  

Tin xem nhiều