Phải mất từ 4 đến 6 năm ròng rã “khổ luyện”, tốn bao mồ hôi, công sức, cố chịu đựng bao đớn đau uốn nắn “gân cốt, cơ bắp”, các vũ công mới có đủ trình độ để phục vụ cho nghệ thuật!
Phải mất từ 4 đến 6 năm ròng rã “khổ luyện”, tốn bao mồ hôi, công sức, cố chịu đựng bao đớn đau uốn nắn “gân cốt, cơ bắp”, các vũ công mới có đủ trình độ để phục vụ cho nghệ thuật!
* Vũ điệu tuổi xuân
Khoa múa hầu như không thể thiếu tại các trường “cung ứng” nhân lực cho ngành văn hóa - nghệ thuật. Riêng tại Đồng Nai (ĐN), mỗi năm, khoa múa của trường Trung học Văn hóa-Nghệ thuật( VHNTĐN) thu nhận từ 10-15 vũ sinh nam và nữ trong độ tuổi từ 12-14, học lực từ lớp 6 đến lớp 9. Thường thì nữ luôn nhiều hơn nam. Vũ sinh 12 tuổi học 6 năm, 16 tuổi học 4 năm.
Các vũ công đang múa phục vụ cho tuyên truyền. Ảnh: P.Dẫu
Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, số học viên… rơi rụng, bỏ cuộc không phải là ít ! Chị Phạm Thị Thu Bình, có gần 10 năm là giáo viên khoa múa trường Trung học VHNTĐN cho rằng: “Học múa đòi hỏi đến sự kiên trì và đam mê. Nếu không, các vũ sinh rất dễ nản lòng khi các em có sự ngộ nhận việc “khổ luyện” như là kiểu... “hành xác”! Lứa tuổi phù hợp để học múa là từ 12-15 tuổi, thể lực mới phát triển nên dễ uốn nắn. Thường thì các năm đầu, việc tập luyện rất khắt khe, nên các em không tránh được sự đau đớn do giãn cơ, nhức khớp qua các bài tập uốn nắn, xoạc, duỗi… Nhưng nếu các thầy cô biết cách động viên thì sẽ hạn chế việc các em bỏ cuộc!”. Chị Nguyễn Việt Bắc, 31 tuổi, tốt nghiệp trung cấp khoa múa Trường múa Việt Nam (quận Cầu Giấy - Hà Nội), hiện là biên đạo múa của đoàn Ca Múa - Kịch ĐN bộc bạch: “Khi biết em thi vào trường múa Việt Nam, hầu hết các thành viên trong gia đình em đều phản ứng, cho rằng em chọn chi cái nghề “xướng ca, vô loại”, một nghề bấp bênh, lại có thu nhập thấp! Em cố gắng thuyết phục gia đình bằng cách kiên trì học tập. Và, khi ra trường, chính đoàn Ca Múa - kịch ĐN đã ra tận nơi thu nhận em về đoàn”. Sau thời gian hơn 10 năm là vũ công cho đoàn Ca Múa - Kịch ĐN, nhờ có sự đam mê học hỏi, tận tâm với công việc, giờ đây chị Bắc đã làm cho gia đình hài lòng về sự thành đạt của chị. Chị hiện là đội trưởng đội múa của đoàn Ca Múa - Kịch ĐN. Ngoài chị Bắc, trong làng múa ĐN, hiện cũng có không ít vũ công thành đạt như anh Lâm Bảo Thịnh, Lâm Đại… Riêng anh Thịnh được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú, hiện là giảng viên khoa múa Trường trung học VHNTĐN…
* Vũ điệu cuộc sống…
Chúng tôi đã có sự ngộ nhận khi cứ ngỡ rằng hiện nay “nghề múa”rất khó có chỗ đứng vững chắc trong các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật! Nhưng… gần như đến ba lần, bảy lượt, phải hẹn trước, chúng tôi mới được “diện kiến” một số vũ công của đoàn Ca Múa - Kịch ĐN! Bởi họ luôn tất bật… múa cho nhiệm vụ tuyên truyền hay tham gia các chương trình hoạt động văn hóa, văn nghệ và… múa sô! Anh Đức Huệ, Trưởng đoàn Ca Múa-Kịch ĐN, phấn khởi nói : “Vài năm trở lại đây, nghệ thuật múa ở ĐN đã có bước phát triển, nhu cầu loại hình múa ngày càng nhiều. Đội múa của đoàn có 12 thành viên, gồm 2 nam và 10 nữ. Đa số đều được đào tạo bài bản từ trường lớp ra. Trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. Thu nhập cũng khá, trên dưới 2 triệu 5 trăm ngàn đồng mỗi tháng. Ngoài ra, Ban lãnh đạo đoàn cũng cố gắng tạo điều kiện cho vũ công kiếm thêm thu nhập ngoài nhiệm vụ. Thứ bảy, chủ nhật vũ công được nghỉ để… chạy sô!”.
Các vũ công đoàn Ca Múa - Kịch ĐN đang chờ làm nhiệm vụ. Ảnh: L.Hoàng
Dù đã có hẹn với vũ công Nguyễn Thị Xinh và Nguyễn Việt Bắc khoảng 16 giờ, nhưng khi chúng tôi đến đoàn Ca Múa - Kịch ĐN để tìm hiểu thì chị Bắc và các thành viên đội múa của đoàn đang… khẩn trương chuẩn bị hành trang để kịp đến xã Phú Bình (huyện Tân Phú) biểu diễn! Thế là chúng tôi phải “tranh thủ” trao đổi với vũ công Xinh . Xinh cởi mở cho biết: “29 tuổi đời, có 8 tuổi nghề… múa. 8 năm cũng đủ cho em có được bao vui buồn trong công việc phục vụ nghệ thuật. Chồng em là nhạc công của đoàn. Bây giờ thu nhập của hai vợ chồng cũng tương đối nên đỡ vất vả. Ngoài công việc làm nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, em còn tham gia vào các nhóm múa… sô, phục vụ cho tiệc cưới, liên hoan hay các sô văn nghệ chuyên nghiệp”. Được biết, hiện nay, đội múa của đoàn Ca Múa - Kịch ĐN có thành lập các nhóm múa… kiếm thêm thu nhập như các nhóm : Hương Xuân, Bình Minh, Pha Lê… Và, xem ra các nhóm múa này ít nhiều cũng mang tính chuyên nghiệp nên hoạt động khá mạnh, nhất là vào mùa cưới, lễ hội, có khi nhóm phải từ chối nhiều sô! Một thành viên “có tuổi” của nhóm múa Pha Lê có nhận xét và so sánh rất thật: “Đời nghệ sĩ nói chung, múa nói riêng đều không thể tránh được những nỗi buồn vui. Múa cho nhiệm vụ, mỗi vũ công được hưởng tiền bồi dưỡng 60.000 đồng mỗi suất diễn. Múa… ở ngoài… tùy theo yêu cầu, mỗi suất diễn, mỗi đứa tụi em có thể kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng! Nhưng nghĩ lại, nếu mình cứ châm bẩm vào “lợi lộc” thì còn gì là tình nghĩa nơi đang cưu mang mình?! Lãnh đạo đoàn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm múa tụi em hoạt động. Do vậy, trong thâm tâm tụi em không khi nào có suy nghĩ bỏ đoàn hay bỏ nghề!”
* Vũ điệu trong… bóng chiều!
Với nghệ thuật múa, “sắc” và “thể” luôn đi kèm, nhất là với giới nữ, hai yếu tố này thường là nỗi lo của chị em vũ công khi mà theo thời gian “sắc” đã tàn, “thể” đã mỏi, thì nỗi đam mê chỉ còn là cách “tự an ủi” của họ! Tuổi đời của vũ công trên 30 tuổi đã bị xem là… già! Do vậy, so với các nghề khác, khoảng thời gian phục vụ cho nghệ thuật múa chỉ… có nét từ 8-10 năm. Sau đó, các vũ công thường có tâm trạng như “già trước tuổi”và khi múa hết đẹp, hết… nổi, thì liệu họ sẽ làm nghề gì để sống?! Như trường hợp vũ công Trần Thị Xinh, giờ đã 29 tuổi, do… chưa muốn bỏ nghề nên chị đang “tìm đường” tiếp nối cho “nghiệp múa”. Chị đã chuẩn bị theo học khoa biên đạo múa ở trường Cao Đẳng VH-NT tại TP Hồ Chí Minh. Còn vũ công Việt Bắc cũng sắp hoàn thành chương trình biên đạo múa. Tóm lại, để tiếp nối “nghiệp múa”, tự thân các vũ công phải cố gắng vươn lên bằng nỗi đam mê của mình. Anh Đức Huệ khẳng định: “Riêng tại ĐN, nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu nghệ thuật múa là rất lớn, nhất là các vũ công có trình độ chuyên môn, đẳng cấp lại càng thiếu hụt. Do vậy, lãnh đạo ngành văn hóa của tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các vũ công… có tuổi theo học các trường cao đẳng, đại học VHNT nhằm bổ sung nguồn nhân lực. Nếu vũ công nào không có điều kiện theo học các lớp nâng cao, thì họ cũng có thể rời đoàn tham gia vào các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở, tại địa phương”.
Đoàn Ca Múa - Kịch ĐN chuẩn bị lên đường phục vụ quần chúng.Ảnh: P.Dẫu
Có lẽ từ nhu cầu thực tế và chủ trương của ngành văn hóa ĐN, các vũ công… “có tuổi”sẽ bớt đắn đo hơn. Họ vẫn có thể “múa” ở tuổi xuân, tuổi trung niên, thậm chí cả tuổi… xế chiều nếu họ xem múa không phải là “nghiệp”, mà chính là “nghề”. Bởi “nghiệp”chỉ là hình thức xuôi tay cho công việc mà mình… lỡ đam mê!
Lê Hoàng