Báo Đồng Nai điện tử
En

Lũ lụt đi qua, khó khăn chồng chất!

09:08, 25/08/2006

Cơn lũ vừa qua đã khiến cho hàng ngàn ngôi nhà ở vùng lũ thuộc huyện Tân Phú bị ngập lụt, hàng trăm hộ gia đình buộc phải di dời tránh lũ. Bao nhiêu công sức của bà con nông dân vùng lũ đối với việc sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều trở thành công cốc chỉ sau 1 đêm.

Cảnh tang hoang tại một cánh đồng ở xã Phú Điền.

Cơn lũ vừa qua đã khiến cho hàng ngàn ngôi nhà ở vùng lũ thuộc huyện Tân Phú bị ngập lụt, hàng trăm hộ gia đình buộc phải di dời tránh lũ. Bao nhiêu công sức của bà con nông dân vùng lũ đối với việc sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều trở thành công cốc chỉ sau 1 đêm.

 

Bí thư Đảng ủy xã Phú Thanh Đinh Văn Án không khỏi xúc động khi nói về nước lũ hoành hành tại địa phương mình. Ông Án cho biết, khoảng 2 giờ sáng ngày 12-8, nước từ mọi phía đổ về xã Phú Thanh. Lúc ấy, do quá bất ngờ nên mọi người trong vùng ngập chỉ biết đứng nhìn dòng nước dữ cuồn cuộn dâng lên từng giây. Đến 7 giờ sáng, tất cả các cánh đồng trên địa bàn xã đều chìm trong biển nước. Toàn bộ 375 hécta lúa hè thu muộn chuẩn bị thu hoạch bị nước nhấn chìm; cá thịt, cá giống ở 433 hécta ao cá đã theo con nước ra đi; 122 ngôi nhà ở ấp Giang Điền và ấp Bàu Mây bị ngập từ 20 - 50 cm; 1 vách tường của hộ dân tộc Điểu Mây bị sụp; hai đoạn đường đi ấp Giang Điền bị vỡ (cho đến nay việc đi lại trên con đường này vẫn còn rất khó khăn...). Ước tính thiệt hại do lũ lụt ở xã Phú Thanh lên đến 12 tỷ đồng. Riêng số hộ nuôi cá bị thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên đã có đến vài chục hộ. Trong số này có gia đình ông Lê Thành Công ở ấp Thọ Lâm 3 nuôi cá giống trên diện tích 20 hécta đã mất đứt khoảng 600 triệu đồng. Ngay trong những ngày lũ, chính quyền địa phương đã phải hỗ trợ cho 62 hộ/305 nhân khẩu số tiền trên 9 triệu đồng.

Ông Án cho rằng, để có thể lấy lại những gì đã mất do nước lũ gây ra, xã Phú Thanh cần phải có thời gian từ 5 năm trở lên. Trước mắt, để tạo điều kiện cho nông dân sản xuất trở lại, UBND xã đang kiến nghị Trung tâm nuôi trồng thủy sản và Trung tâm Khuyến nông của tỉnh về giúp người dân tăng gia sản xuất, cụ thể là hỗ trợ vệ sinh ao, ruộng và giống; đề nghị ngân hàng cho khoanh nợ và tiếp tục cho người dân vay vốn...

Ở xã Phú Điền, một địa bàn khác của huyện Tân Phú, cũng bị ngập lụt nặng, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Theo Phó chủ tịch UBND xã Ngô Thị Huệ, ước tính sơ bộ, 208,71 hécta lúa chuẩn bị thu hoạch bị mất trắng; 122,49 hécta ao nuôi cá các loại bị mất hoàn toàn. Tổng cộng người dân thiệt hại gần 4 tỷ đồng. Riêng hạ tầng cơ sở ở xã Phú Điền bị hư hại nặng, đáng kể là nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng và đê điều bị vỡ. Ngày 24-8, chúng tôi có mặt tại đây thì thấy, nước vẫn còn ngập trắng đồng. Nhiều nông dân phải đi lưới hoặc câu cá để kiếm sống qua ngày. Trong số những người phải đi câu cá kiếm sống, có anh Võ Văn Vũ, ngụ ở ấp 4, xã Phú Điền. Anh Vũ cùng cha là ông Võ Văn Nghiêm, chị là Võ Thị Kim Phương và em là Võ Văn Phước đầu tư  vào 8 hécta ao cá. Do không có vốn, cả 4 cha con đều phải vay ngân hàng và vay ở bên ngoài với lãi suất cao. Ngay trong đêm 12-8, khi con nước hung hãn đổ về Phú Điền, vợ ông Nghiêm đã lên ngất xuống vì tiếc của. Tính ra, 4 cha con ông Nghiêm mất hơn 500 triệu đồng tiền cá. Sau những ngày lụt, chủ nợ liên tục đến đòi tiền cả gốc lẫn lãi. Những ngày gần đây, anh Vũ cùng một số lao động chính phải đi câu cá kiếm mỗi ngày từ 30-50 ngàn đồng để nuôi 11 nhân khẩu trong 4 gia đình. Anh Vũ ngậm ngùi: "Gia đình chúng tôi đã trắng tay, chẳng biết lấy gì trả nợ. Cho nên, mỗi lần thấy chủ nợ, má tôi lại ngất, vì vừa sợ vừa tiếc khoản tài sản khổng lồ đã mất. Nông dân chúng tôi không ngại một nắng hai sương, cốt để làm giàu, song bị trời hại coi như đi đứt. Chẳng biết mai này, vốn đâu để chúng tôi có thể làm lại từ đầu?". Phó chủ tịch UBND xã còn cho biết, không kể cha con ông Nghiêm, ở Phú Điền còn có ông Nguyễn Thanh Sơn, mất trắng 10 hécta nuôi cá giống, trị giá trên 500 triệu đồng. Ngoài ra còn có vài chục hộ sinh sống bằng nghề nuôi cá cũng bị thiệt hại từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Phó chủ tịch UBND xã bức xúc: "7 năm rồi lũ mới về. Chính vì không được cảnh báo trước nên bà con trở tay không kịp khi lũ ào ào ập đến. Hậu quả của cơn lũ đã khiến người nông dân ở Phú Điền vốn đã khó khăn trong cuộc sống giờ lại phải đối mặt với nghèo đói, túng thiếu. Nếu không được sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và các ban ngành, đoàn thể trong việc khắc phục hậu quả cơn lũ, chắc còn lâu lắm Phú Điền mới vực dậy được nền sản xuất trên cơ sở phát triển tập trung và có hiệu quả...".

Người dân xã Phú Điền phải kiếm sống bằng việc lưới cá tại đập Đồng Hiệp .

Nói về những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho 12 xã bị lũ lụt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tân Phú Trần Bá Đạt khẳng định, các ban ngành, đoàn thể của huyện đều đang tập trung nỗ lực cho đồng bào vùng lũ. Chỉ tính riêng việc cứu trợ, tính đến ngày 23-8, các xã tổ chức cấp 3.100 gói mì cho bà con 2 xã Phú Bình, Phú Thịnh gặp khó khăn; đưa 1 tấn gạo, 4 tạ rau xanh, 4.500 gói mì, 10 thùng nước tương, 30 cơ số thuốc, 82 kg thuốc khử trùng nước, 100 kg phèn chua, 3.000 lọ thuốc ngoài da và 3.000 lọ thuốc nhỏ mắt đến xã Đắc Lua; ứng 2 tấn gạo giúp người dân xã Phú Điền. Ngoài ra, huyện đã tiếp nhận và cấp phát đến tận tay đồng bào bị lũ lụt các phần tiền quà do nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh gửi tặng... Ông Đạt cho biết: "Với phương châm 3 không (không để dịch bệnh phát triển, không để dân đói, không để mất an ninh trật tự), những ngày qua, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện thường xuyên có mặt tại những vùng ngập lụt và bị thiệt hại nặng để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh. Tuy nhiên, cơn lũ đã gây thiệt hại cho huyện Tân Phú số tiền khoảng 150 tỷ đồng, cho nên mọi cố gắng của chính quyền địa phương cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thiết yếu của người dân. Chính vì vậy, huyện Tân Phú rất cần những tấm lòng vàng từ khắp nơi gửi đến bà con vùng lũ để người dân có thể vực dậy sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn".

Tạ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều