Không quản ngại khó khăn, vất vả và với tình yêu nghề, hơn 31 năm qua, cô Phan Thị Bình, giáo viên lớp 2 ở Phân hiệu Cây Sung, Trường TH-THCS Mã Đà (đóng tại ấp 3, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) vẫn kiên trì bám trường, bám lớp để “gieo chữ”, mang ánh sáng tri thức đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Cô Phan Thị Bình hướng dẫn học sinh học bài. Ảnh: A.Nhơn |
Phân hiệu Cây Sung của Trường TH-THCS Mã Đà nằm lọt thỏm trong rừng già và cách điểm trường chính (ấp 1, xã Mã Đà) khoảng 20km. Điểm trường này chỉ nhận dạy hết bậc tiểu học, học sinh muốn học lên cấp cao hơn phải ra trường học ở trung tâm H.Vĩnh Cửu cách đó vài cây số.
* Bám rừng “gieo chữ”
Dẫn chúng tôi đi tham quan điểm trường Cây Sung, cô Bình cho biết, qua nhiều lần tu sửa, nâng cấp thì điểm trường đã kiên cố, khang trang hơn; thiết bị, dụng cụ, máy móc được trang bị tương đối đầy đủ, đặc biệt là điện lưới quốc gia đã kéo về tận nơi, giúp cho việc dạy và học tốt hơn.
Hiện điểm trường Cây Sung có 3 phòng học và bố trí cho học sinh lớp 1, 2, 3 học buổi sáng; học sinh lớp 4, 5 học buổi chiều. Ngoài ra, điểm trường còn có thêm 1 phòng máy vi tính. Điểm trường hiện được phân bổ 5 giáo viên phụ trách dạy khoảng 100 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS Mã Đà LÊ THỊ ÁI LIÊN nhận xét, cô Phan Thị Bình là giáo viên nhiệt tình, không ngại khó, không ngại khổ và sẵn sàng nhận nhiệm vụ vào các điểm trường ở trong rừng để dạy chữ cho học sinh. Cô Bình còn tận tình hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. |
Khi đề cập đến cơ duyên bám rừng “gieo chữ”, cô Bình kể, ngay từ nhỏ, cô có ước mơ trở thành giáo viên. Khi cô tốt nghiệp THPT thì gia đình có những lý do riêng khiến con đường theo đuổi ước mơ bị gián đoạn. Năm 1990, cô quyết định vào xã Mã Đà lập nghiệp. Trong 2 năm đầu, cô Bình xin vào làm công nhân cho Lâm trường Mã Đà với công việc trồng rừng; phát dọn dây leo, bụi rậm, phòng, chống cháy rừng; cưa củi, đốt than; trồng dâu, nuôi tằm… Dù công việc nhiều cực nhọc nhưng cô vẫn quyết tâm bám trụ nơi vùng đất mới.
Tháng 8-1992, cơ duyên trở thành giáo viên đã đến với cô Bình. Một lần cô đạp xe chở đồ về lâm trường thì chẳng may bị trượt ngã, dẫn đến bị viêm cơ bắp và phải lên Trạm xá Bà Hào điều trị.
“Tại đây, tôi đã gặp một vị lãnh đạo phụ trách khối y tế - giáo dục của Lâm trường Mã Đà. Qua trò chuyện, biết tôi có ước mơ làm cô giáo, người này sau đó đã tạo điều kiện cho tôi đi học nâng cao nghiệp vụ sư phạm để về dạy chữ cho con em công nhân lâm trường” - cô Bình kể lại.
Trường TH-THCS Mã Đà có 4 phân hiệu: Cây Sung (ấp 3), C.3, Suối Tượng (ấp 4) và Bà Hào (ấp 5). Tất cả các điểm trường đều nằm sâu trong rừng và cách trường chính từ 20-30km. Suốt hơn 31 năm qua, cô Bình đã được nhà trường điều động đến công tác tại các điểm trường trên, thậm chí cô còn tình nguyện xung phong đến những nơi đang thiếu giáo viên để dạy chữ cho học sinh vùng sâu, vùng xa.
“Nếu học sinh ở đây không được đến trường, các em sẽ mù chữ và không thể vươn xa. Hơn nữa, nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Do vậy, tôi đã tình nguyện bám rừng gieo chữ để giúp các em có tương lai tươi sáng” - cô Bình bộc bạch.
* Những tháng ngày gian khó
Thời gian đầu bước chân vào nghề, cô Bình đã gặp không ít khó khăn, thử thách, bởi các điểm trường nằm heo hút trong rừng sâu và gắn liền với nhiều cái không: không đường, không điện, không nước sạch… Các điểm trường chưa được xây dựng kiên cố mà chủ yếu mượn tạm nhà dân, nhà của lâm trường làm nơi dạy chữ cho con em công nhân.
“Gọi là lớp học chứ thực tế nó như cái chòi làm bằng mái tranh vách đất, mùa khô nóng nực, còn mùa mưa tối tăm, nhiều muỗi. Hồi đó, ít ai chịu xung phong vào những vùng “khỉ ho cò gáy” như thế này nên mình tôi phải chia ra dạy 3 ca/ngày, ca sáng là lớp 1, ca trưa là lớp 3 và ca chiều là lớp 2” - cô Bình chia sẻ.
Nhiều trẻ em theo gia đình vào vùng đất Mã Đà mà không có giấy tờ “lận lưng”. Cô Bình vừa dạy chữ, vừa tranh thủ đi thu thập thông tin để đăng ký giấy khai sinh nhằm giúp các em được đến lớp học chữ. Ngoài ra, cô Bình còn tham gia vận động phụ huynh cho con đến trường học.
Cô Bình kể: “Nhiều phụ huynh chỉ muốn con em biết đọc, biết viết chứ không cần học cao hiểu rộng nên nhiều em sau khi học đến lớp 5 là ở nhà phụ giúp gia đình. Do vậy, nhà trường thường phối hợp với ban ấp đến tận nhà vận động học sinh ra lớp”.
Thêm khó khăn nữa là vấn đề đi lại, bởi đường sá ở xã Mã Đà hơn 30 năm trước chỉ là những lối mòn quanh co, lắm đồi, nhiều dốc và thường xảy ra tình trạng “nắng bụi, mưa lầy”. “Hồi đó, chúng tôi phải ở nhà tập thể và tranh thủ ngày cuối tuần về thăm gia đình, người thân. Chúng tôi phải xin đi nhờ những chiếc xe chở gỗ hoặc đi xe ôm, xe đò, thậm chí có những hôm không còn xe thì phải đi bộ hàng giờ. Khi chúng tôi về đến nhà thì quần áo nhuộm toàn màu đất đỏ” - cô Bình cho hay.
Cô PHAN THỊ BÌNH chia sẻ: “Trong suốt hơn 31 năm “gieo chữ” trong rừng, tôi đã trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc viết đơn xin chuyển công tác hay bỏ nghề. Chính tình yêu nghề và tình yêu trò vùng sâu, vùng xa đã níu giữ chân tôi”. |
Nhiều năm công tác ở trong rừng, cô Bình đã bị bệnh sốt rét hoành hành kéo dài. “Cứ khoảng 3 ngày là tôi lên cơn sốt 1 lần, thậm chí khi đang giảng bài trên lớp thì người lạnh cóng, môi run lập bập... Có thời điểm tôi cân nặng chỉ còn 41kg, gầy ốm, da tái vì bệnh. Cha của tôi vào thăm, thấy con gái như vậy đã không cầm lòng được nên cứ khuyên tôi về quê. Tuy nhiên, tôi đã xem vùng đất Mã Đà là quê hương thứ hai và bao nhiêu tâm huyết đã dành cho nơi đây thì không thể bỏ được” - cô Bình tâm sự.
* Tình yêu nghề cháy bỏng
Thời gian qua, cô Bình còn tận tình quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp, đặc biệt là những giáo viên trẻ mới vào nghề. Nhiều người không chịu nổi cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nơi rừng sâu nên nhiều lần có ý định xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Những lúc đó, cô Bình đã kịp thời thăm hỏi, động viên để đồng nghiệp tiếp tục bám trụ và sống tốt với nghề.
Cô Phan Thị Bình dành nhiều thời gian quan tâm, gần gũi với học trò |
Cô Bình cho biết, năm 2001, cô đã dùng số tiền dành dụm để mua chiếc xe máy cánh én dùng làm phương tiện đi lại cho thuận tiện. Cô thường lấy xe chở các đồng nghiệp (quê ở xa) về nhà mình ăn ở, nghỉ ngơi vào những ngày cuối tuần.
“Vào dịp lễ, Tết, một số đồng nghiệp ở xa, không có điều kiện về quê, tôi đã mời họ đến nhà chung vui cùng gia đình” - cô Bình bộc bạch.
Cô Bình chia sẻ, việc cô gắn bó hơn 31 năm gieo chữ trong rừng đã mang lại nhiều niềm vui hơn nỗi buồn. Vui vì đã đem những kiến thức có được để dạy cho học trò, giúp các em không vì hoàn cảnh khó khăn mà bỏ học giữa chừng.
“Mỗi năm, tôi đều nhận thông tin về các trò của mình, nhiều em giờ đã trưởng thành và làm chủ doanh nghiệp. Điều này khiến tôi rất vui và hạnh phúc” - cô Bình nói.
Còn hơn 1 năm nữa là cô Bình về hưu theo quy định, nhưng tình yêu nghề trong cô vẫn cháy bỏng.
“Lúc về hưu mà sức khỏe còn tốt và nhà trường vẫn cần đến thì tôi vẫn tình nguyện vào những điểm trường trong rừng sâu để gieo chữ cho trò” - cô Bình bộc bạch.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin