Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) năm 2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2023) có nhiều điểm mới đáng chú ý về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ; việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ của CSCĐ; quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của CSCĐ...
Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) năm 2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2023) có nhiều điểm mới đáng chú ý về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ; việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ của CSCĐ; quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của CSCĐ...
Lực lượng cảnh sát cơ động tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Danh |
Theo Phòng CSCĐ Công an tỉnh (PK02), đây là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để lực lượng CSCĐ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), phòng chống các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật hiệu quả hơn.
* Những điểm mới nổi bật
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật CSCĐ năm 2022 là quy định rõ 9 nhiệm vụ, 7 quyền hạn của CSCĐ. Cụ thể, về nhiệm vụ của CSCĐ là tham mưu với bộ trưởng công an về biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố. Thực hiện nghi lễ trong công an nhân dân và các sự kiện quan trọng theo quy định...
Về quyền hạn của CSCĐ: sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 Luật CSCĐ năm 2022. Được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ theo quy định của Luật CSCĐ năm 2022. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính...
Điều 15 Luật CSCĐ năm 2022 quy định, khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của CSCĐ phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp...
So với Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, Luật CSCĐ năm 2022 đã cụ thể hóa các hành vi bị cấm liên quan đến CSCĐ. Cụ thể, Điều 8 Luật CSCĐ năm 2022 quy định bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với CSCĐ như sau: chống đối, cản trở hoạt động của CSCĐ; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ CSCĐ trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.
Điều 8 Luật CSCĐ năm 2022 cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm khác như: chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSCĐ. Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ CSCĐ làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cán bộ, chiến sĩ CSCĐ lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
* Để luật đi vào cuộc sống
Để Luật CSCĐ năm 2022 được áp dụng vào thực tế có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật CSCĐ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan chủ động phương án tuyên truyền các nội dung của luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Về phía Công an tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật CSCĐ năm 2022 đến cán bộ, chiến sĩ.
Thượng tá Vũ Văn Dũng, Trưởng PK02 cho biết, đơn vị đã tham mưu cho Ban giám đốc Công an tỉnh trong việc xây dựng các biện pháp tuyên truyền hiệu quả. Trong đó, Công an tỉnh sẽ tổ chức in, cấp phát các tài liệu để tuyên truyền các nội dung về Luật CSCĐ năm 2022 cho từng cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an tỉnh. Nhất là các điểm mới về nhiệm vụ và quyền hạn của CSCĐ; quyền sử dụng vũ khí, vật liệu nổ của CSCĐ; cách phối hợp thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ; các hành vi bị cấm liên quan đến CSCĐ… Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng xây dựng và triển khai các kênh tuyên truyền trên hệ thống thông tin trực tuyến như: website Công an tỉnh, Zalo…
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà cho biết, thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có Luật CSCĐ năm 2022 đến từng tổ chức thành viên trên địa bàn để triển khai thực hiện.
Để việc tuyên truyền Luật CSCĐ đạt hiệu quả, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh LƯU THỊ HÀ lưu ý, cần thường xuyên đổi mới các nội dung, hình thức tuyên truyền một cách sinh động, thiết thực để mọi người hiểu được các quy định mới của luật mà chấp hành. |
Trần Danh