Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện

07:12, 24/12/2022

Theo đánh giá của Sở LĐ-TBXH, mô hình CLB Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (gọi tắt là CLB Hỗ trợ) đã tạo được sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền cũng như chủ cơ sở.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TBXH, mô hình CLB Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (gọi tắt là CLB Hỗ trợ) đã tạo được sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền cũng như chủ cơ sở. Từ đó góp phần kéo giảm tình trạng hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nông Văn Dũng (thứ 2 từ phải qua) trao đổi với thành viên các CLB hỗ trợ ở các địa phương về công tác hỗ trợ người lao động trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Ảnh: T.Tâm
Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nông Văn Dũng (thứ 2 từ phải qua) trao đổi với thành viên các CLB hỗ trợ ở các địa phương về công tác hỗ trợ người lao động trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Ảnh: T.Tâm

11 mô hình này được triển khai ở các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương trong việc quản lý cũng như ngăn chặn tệ nạn mại dâm trên địa bàn.

* Góp phần phòng, chống tệ nạn mại dâm

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, tình trạng mại dâm đang có chiều hướng giảm về bề nổi, ít lộ liễu so với trước đây. Tuy nhiên, hoạt động mại dâm trong các cơ sở dịch vụ: karaoke, massage, quán cà phê… có xu hướng gia tăng. Do đó, tại các địa phương đã xây dựng nhiều CLB nhằm ngăn chặn, kéo giảm tệ nạn mại dâm.

Phó trưởng Công an P.Xuân Hòa (TP.Long Khánh), Phó chủ nhiệm CLB Hỗ trợ P.Xuân Hòa Trịnh Ngọc Thuận cho hay, sau khi có quyết định thành lập CLB, các thành viên đã tiến hành rà soát lại tất cả các cơ sở lưu trú, quán cà phê, massage trên địa bàn. Sau đó, tiến hành gặp gỡ, tiếp cận người lao động trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện có nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm để hướng dẫn, tuyên truyền cho họ biết quy định pháp luật liên quan đến pháp luật lao động, cư trú. Đối với cơ sở có nguy cơ hoạt động mại dâm, CLB sẽ phối hợp với các đơn vị khác yêu cầu chủ sử dụng đất không ký hợp đồng cho thuê đối với các cơ sở kinh doanh không chấp hành đúng quy định.

Tại xã Phú Lập (H.Tân Phú) có 38 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và các cơ sở này đang sử dụng hơn 150 lao động làm việc. Nắm bắt được nguy cơ dễ phát sinh tình trạng mua bán dâm trên địa bàn, các thành viên của CLB hỗ trợ xã Phú Lập thường xuyên tổ chức tuyên truyền về nhiều nội dung như: tác hại của tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em… Đồng thời, in ấn tờ rơi, treo băng-rôn và photocopy các tài liệu liên quan để cấp đến từng hộ dân, nhất là người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

 Anh Lê Quốc Việt, thành viên CLB Hỗ trợ xã Phú Lập cho biết: “Chúng tôi xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân nói chung và người lao động có nguy cơ hoạt động mại dâm. Từ đó có nhiều sự thay đổi trong công tác và cách thức tiếp cận để đạt được hiệu quả cao nhất và đến với đúng đối tượng cần tuyên truyền”.

Ông Ngô Văn Tường, thành viên CLB Hỗ trợ xã Phú Hòa (H.Định Quán) cho hay, ngoài công tác tuyên truyền, CLB xã Phú Hòa còn buộc chủ các cơ sở ký cam kết thực hiện đầy đủ quyền lợi của người lao động, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động kinh doanh, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định pháp luật hiện hành.

* Nhân rộng mô hình

Theo Sở LĐ-TBXH, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có gần 15 ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, nước giải khát. Tổng số người lao động trong các cơ sở này là hơn 8,7 ngàn người, trong đó có hơn 3,4 ngàn người không có hợp đồng lao động.

Tình hình tệ nạn mại dâm thời gian qua được đánh giá có xu hướng giảm về bề nổi nhưng hoạt động ngày càng tinh vi, trá hình. Do đó, cơ quan chức năng rất khó đấu tranh, phát hiện, xử lý. Mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: karaoke, massage, quán cà phê… tăng nhưng chưa có giải pháp giải quyết triệt để.

Trước thực trạng trên, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động thiết thực để phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm. Trong đó, từ đầu năm 2022, Sở LĐ-TBXH đã xây dựng và nhân rộng mô hình CLB hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và mang lại hiệu quả cao.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nông Văn Dũng cho biết, tính từ đầu năm 2022, 11 CLB hỗ trợ ở các huyện, thành phố đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn pháp lý cho người lao động tại gần 220 cơ sở kinh doanh như: các quán cà phê, karaoke, massage…; tổ chức khám sức khỏe, hỗ trợ học nghề, tư vấn tâm lý, vay vốn, cấp thẻ bảo hiểm y tế… cho người lao động tại các cơ sở này; hỗ trợ chủ cơ sở và người lao động tại các cơ sở tiếp cận các kiến thức pháp luật liên quan đến đảm bảo quyền lao động, hợp đồng, lương, bảo hiểm y tế…

Ngoài ra, các CLB hỗ trợ cũng thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, tư vấn, giải đáp và hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện khi có nhu cầu được giúp đỡ; giới thiệu các điểm khám, chữa bệnh miễn phí và hướng dẫn cách phòng, tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…

Tuy nhiên, hoạt động của các CLB hỗ trợ còn gặp rất nhiều khó khăn nhất định như: thành viên của CLB hỗ trợ chủ yếu là kiêm nhiệm nên kỹ năng tiếp cận, tư vấn đối với người lao động tại các cơ sở này còn nhiều hạn chế; số lượng người hoạt động trong các cơ sở này tăng cao, trong khi công tác rà soát, thống kê chưa đầy đủ do chủ cơ sở không khai báo lao động hoặc khai báo không đầy đủ. Bên cạnh đó, do rào cản về tâm lý và kỳ thị nên khó tiếp cận người lao động tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh hoạt đồng mại dâm.

Do đó, theo ông Nông Văn Dũng, trong năm tới, Sở LĐ-TBXH đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả của 11 mô hình CLB hỗ trợ tại các huyện, thành phố và nhân rộng mô hình trên các địa bàn xã, phường, thị trấn; nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật; rà soát, cập nhật thông tin về các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện để ngăn chặn hành vi phạm pháp về phòng, chống mại dâm.

Tố Tâm

Tin xem nhiều