Thời gian qua, tình trạng người dân tranh chấp lối đi chung khá nhiều. Đây được xem là một trong những vấn đề phức tạp bởi không chỉ liên quan đến nguồn gốc, ranh giới đất mà còn ảnh hưởng đến tình nghĩa giữa những người thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm.
Thời gian qua, tình trạng người dân tranh chấp lối đi chung khá nhiều. Đây được xem là một trong những vấn đề phức tạp bởi không chỉ liên quan đến nguồn gốc, ranh giới đất mà còn ảnh hưởng đến tình nghĩa giữa những người thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm.
Một vụ tranh chấp lối đi chung được TAND tỉnh giải quyết. Ảnh: T.Tâm |
Trong đó, có những vụ tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài không thể hòa giải, xâm phạm đến quyền và lợi ích của nhau nên nhiều người chọn cách khởi kiện ra tòa để được giải quyết dứt điểm.
* Tranh chấp lối đi chung
Có những mâu thuẫn, tranh chấp lối đi chung kéo dài dù đã được chính quyền địa phương hòa giải nhưng các bên vẫn kiện tụng nhau ra tòa, gây sứt mẻ tình nghĩa đôi bên. Có nhiều vụ tranh chấp lối đi chỉ vì đương sự cho rằng đường đi nhờ lâu năm trở thành lối mòn là lối đi chung.
Đơn cử, vào tháng 8-2022, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử dân sự phúc thẩm liên quan đến tranh chấp lối đi chung giữa bà P.T.D. (59 tuổi) và ông N.T.X. (44 tuổi), cả 2 cùng ngụ tại H.Trảng Bom. Theo trình bày của bà D. (nguyên đơn), từ trước đến nay, gia đình bà sử dụng lối đi chung với gia đình ông X. Đến năm 2020, bà D. đổ đất, san lấp con đường thì bị ông X. ngăn cản và dựng trụ bê tông để chắn lối đi chung.
Tuy nhiên, ông X. cho biết, lối đi này thuộc thửa đất của vợ chồng ông. Khi thấy bà D. đổ đất làm đường, ông ngăn cản và dựng trụ bê tông để giữ đất.
Quá trình xét xử sơ thẩm tại TAND H.Trảng Bom và cấp phúc thẩm TAND tỉnh đều không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà D., bởi lối đi chung bà D. đang sử dụng thuộc thửa đất của ông X. Sau khi trích lục bản đồ và tiến hành đo vẽ thửa đất đã không thể hiện có con đường đi trên thửa đất này. Con đường bà D. đang đi vốn thuộc đất của ông X. Trước đây, bà D. có thỏa thuận miệng với chủ đất cũ xin đi nhờ lối đi hơn 1m vào đất canh tác và lâu dần trở thành đường mòn (nay thuộc thửa đất của ông X.) chứ không phải lối đi chung.
Cũng có những vụ tranh chấp giữa anh, chị, em ruột với nhau chỉ vì một lối đi chung đã khiến người thân trở mặt thành thù ghét.
Vào tháng 4-2022, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm về tranh chấp quyền sử dụng đất là lối đi chung giữa bà L.T.C. (43 tuổi) và bà L.T.H. (51 tuổi), cả 2 đều ngụ ở H.Thống Nhất.
Cụ thể, bà H. và bà C. là 2 chị em và được cha mẹ để lại diện tích đất tương đương hơn 500m2 và hơn 200m2 tại H.Thống Nhất. Do phần đất của bà H. tiếp giáp với đường công cộng, đất bà C. nằm phía trong nên khi chia đất cho con, cha mẹ của họ có chừa đường đi 3m để các con có lối đi chung. Vào năm 2018, do mâu thuẫn nên bà H. không cho gia đình bà C. sử dụng lối đi chung, vì cho rằng lối đi thuộc phần đất của mình. Sau đó, 2 chị em kiện nhau ra tòa.
Quá trình thu thập chứng cứ và nghiên cứu hồ sơ, TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều buộc bà H. phải mở lối đi có diện tích hơn 77m2 cho gia đình bà C., vì đây là con đường cha mẹ của họ đã để lại trước khi phân chia đất thừa kế.
* Đừng đánh mất tình hàng xóm chỉ vì một lối đi
Lối đi chung thường được hình thành từ lối mòn, sử dụng lâu năm; được các bên thỏa thuận tặng cho hoặc giao dịch mua bán trước đó. Lối đi chung được xem là diện tích đất đã cắt ra để các chủ sử dụng đất làm lối ra đường giao thông công cộng.
Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, để xác định con đường có phải là lối đi chung hay không cần xem xét các tài liệu, chứng cứ và thể hiện ý chí giữa các bên. Phải làm rõ lối đi chung được hình thành từ bao giờ, có sẵn trên bản đồ hay chỉ là lối cho đi nhờ lâu dần thành đường mòn.
Cũng theo luật sư Vũ Văn Tăng, có những trường hợp trước đây đã có giao dịch mua bán, tặng, cho… lối đi chung nhưng quá trình sinh sống phát sinh mâu thuẫn nên giữa hàng xóm đã xảy ra tranh chấp.
Theo một thẩm phán TAND tỉnh, tình trạng tranh chấp lối đi chung đang ngày càng phổ biến, bởi giá đất tăng cao khiến một số người nổi lòng tham muốn chiếm dụng lối đi chung làm của riêng. Do mâu thuẫn mà một trong các bên chặn lối đi không cho những người khác sử dụng. Tuy nhiên, việc tranh chấp lối đi chung thường có diện tích không lớn nên đa phần chỉ vì những mâu thuẫn khác trước đó đã kéo theo các bên tranh chấp lối đi chung.
Theo vị thẩm phán này, để giải quyết các tranh chấp liên quan đến lối đi chung, các bên cần tự thương lượng hoặc yêu cầu được hòa giải tại UBND cấp xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013. Trong trường hợp hòa giải không thành, các bên mới có đủ điều kiện khởi kiện ra tòa án.
Cũng theo Luật Đất đai năm 2013, trường hợp chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Những chủ sở hữu bất động sản lân cận phải có nghĩa vụ tạo lối đi cho người có bất động sản bị vây bọc.
“Trường hợp xảy ra tranh chấp, chính quyền địa phương cần có sự can thiệp sớm, giúp đôi bên hòa giải êm đẹp, tránh tình trạng kiện tụng ra tòa án. Điều này không chỉ khiến các đương sự tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mà còn đánh mất nghĩa tình hàng xóm” - vị thẩm phán này khuyến cáo.
“Nhiều người tranh chấp lối đi chung không phải vì lòng tham mà bởi mâu thuẫn, ganh ghét nhau nên muốn chặn lối đi để tránh phiền hà, gặp gỡ nhau. Do đó, mỗi người dân đã là hàng xóm thì cần biết sống chan hòa, nghĩa tình với nhau. Tránh những mâu thuẫn không đáng có, để rồi kéo nhau ra tòa sẽ bất tiện cho đôi bên” - luật sư VŨ VĂN TĂNG cho hay. |
Tố Tâm