Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2022, thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành, Công an tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch với trọng tâm là công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ).
Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2022, thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành, Công an tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch với trọng tâm là công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ).
Cán bộ, chiến sĩ Công an H.Xuân Lộc tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh trên địa bàn huyện. Ảnh: T.Danh |
Quyết tâm của lực lượng công an đưa phong trào ngày càng thiết thực đối với đời sống của người dân, qua đó mang lại hiệu quả trong công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.
* Đẩy mạnh phong trào ở tất cả các mặt trận
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, để nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa các loại tội phạm cho mỗi cán bộ, công nhân lao động, người dân, việc trước hết vẫn là công tác tuyên truyền, phát động phong trào một cách sâu rộng, cụ thể và thiết thực. Thời gian qua, các hoạt động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được tổ chức triển khai trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, đối tượng... nhằm giúp cho phong trào ở tất cả các mặt trận được phát triển mạnh mẽ.
Thượng tá Nguyễn Văn Quảng, Trưởng phòng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ (PV05) Công an tỉnh cho biết, việc phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong đời sống xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Hoạt động phong trào càng lớn mạnh, càng đi vào thực chất sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn ANTT, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.
Qua công tác tuyên truyền, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an gần 2,3 ngàn nguồn tin liên quan ANTT (trong đó có gần 1,4 ngàn nguồn tin có giá trị giúp công an điều tra xử lý 717 vụ, hơn 1,4 ngàn đối tượng phạm pháp). Đã vận động nhân dân giao nộp 95 khẩu súng các loại, 669 viên đạn, 795 vũ khí thô sơ, 260 dao lê, mã tấu... |
Theo lãnh đạo PV05 Công an tỉnh, để việc phát động phong trào mang lại kết quả thiết thực, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền bằng nhiều nội dung, biện pháp phong phú trên các lĩnh vực, địa bàn như: trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học và cụm dân cư; tại các địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh, địa bàn có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo...
Đặc biệt, để việc tuyên truyền mang lại hiệu quả, giúp người dân dễ dàng nắm bắt, lực lượng công an đã dùng nhiều biện pháp, dưới nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức tập trung, tuyên truyền cá biệt, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp.
Tại các địa bàn thành phố, trung tâm đô thị, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được gắn với các nội dung thiết thực, phù hợp như: tuyên truyền về công tác phòng ngừa tội phạm “nóng”: trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Đặc biệt, trong giới công nhân lao động ở các doanh nghiệp, công tác phong trào gắn với với các nội dung phù hợp với đối tượng công nhân như: cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm hoạt động “tín dụng đen” trong công nhân, trộm cắp tài sản trong doanh nghiệp...
Đại úy Nguyễn Tấn Hiền, Trưởng đồn Công an khu công nghiệp Biên Hòa cho biết, hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng ngừa các loại tội phạm cho đội ngũ quản lý các doanh nghiệp, lực lượng công nhân, người lao động luôn được lực lượng công an đặc biệt quan tâm.
Theo đó, hằng tháng, hằng quý, các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phối hợp với quản lý các công ty để phổ biến, trao đổi về những phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm. Thông qua các buổi tuyên truyền, lực lượng công an đưa ra các giải pháp phòng ngừa và đồng thời vận động công nhân lao động tham gia các hoạt động phong trào, tố giác các loại tội phạm góp phần đảm bảo ANTT tại nơi ở và nơi làm việc.
Đối với những địa bàn vùng nông thôn, vùng xa, các hoạt động phong trào cũng gắn với các nội dung thiết thực nhằm giúp người dân nêu cao tinh thần, phát huy ý thức trách nhiệm để cùng chung tay giữ gìn ANTT.
Trung tá Huỳnh Văn Thủy, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an H.Xuân Lộc cho biết, với đặc thù địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, người dân chủ yếu là lao động tại các vùng nông thôn nên các hoạt động phong trào của lực lượng công an được thực thiện linh hoạt, gắn với điều kiện, cuộc sống của người dân.
Thời gian qua, Đội Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an H.Xuân Lộc thường xuyên tổ chức các đợt phát động phong trào trong vùng đồng bào dân tộc, khu dân cư, trường học... Trong đó, đối với vùng đồng bào dân tộc, lực lượng công an phối hợp với các già làng, trưởng bản tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao ý thức tham gia tích cực vào hoạt động đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, giữ gìn ANTT địa bàn.
* Chú trọng xây dựng tiêu chí ANTT trong xây dựng nông thôn mới
Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động phong trào trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn và đối tượng, thời gian qua, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ của Công an tỉnh còn gắn với các nội dung cụ thể như: xây dựng tiêu chí về ANTT trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Công an tỉnh, thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành, Công an tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của Bộ trưởng Công an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Công an tỉnh, trong năm 2022, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh được PV05 Công an tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai được hơn 1,7 ngàn buổi với hơn 231 ngàn lượt người tham dự; tổ chức sinh hoạt hơn 12 ngàn tổ nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh với 384 ngàn lượt người tham dự. |
Đặc biệt, đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, lực lượng công an cùng chính quyền các địa phương tập trung xây dựng và thực hiện tốt các tiêu chí về ANTT, góp phần vào thành công của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ do Bộ Công an tổ chức mới đây, thừa ủy quyền của Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết, Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam bộ - vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, trung tâm đầu mối giao thông nối Tây nguyên, Nam Trung bộ với toàn bộ vùng Đông Nam bộ. Với những lợi thế nói trên, trong 5 năm qua (2016-2020), chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu, tạo được sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: đời sống của người nông dân tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng. Trong các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về ANTT được xem là nền tảng, động lực để thực hiện các mục tiêu khác. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí về ANTT ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính bền vững, khó duy trì lâu dài qua nhiều năm, nhất là ở các địa bàn có khu công nghiệp tập trung, các khu vực dịch vụ phát triển, khu vực dọc các tuyến quốc lộ.
Công an H.Xuân Lộc tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, người dân xã Suối Cát |
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quán triệt quan điểm phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh là 2 nhiệm vụ trọng tâm, không thể tách rời của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ thực hiện có hiệu quả tiêu chí ANTT trong xây dựng nông thôn mới.
Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ nhằm thực hiện và giữ vững tiêu chí ANTT trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của các cấp, các ngành về phát động trong trào trong xây dựng nông thôn mới.
Các ngành, đoàn thể, tổ chức phối hợp với lực lượng công an các cấp tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, người dân. Lực lượng công an cùng với chính quyền các địa phương thực hiện hiệu quả các mô hình, điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn nông thôn. Các hoạt động phong trào phải được đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong tình hình mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa bàn, từng lĩnh vực cụ thể.
Trần Danh