"Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có la bàn để mà chỉ hướng" - nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của nền tảng tư tưởng.
“Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có la bàn để mà chỉ hướng” - nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của nền tảng tư tưởng. Thực tiễn quá trình lãnh đạo của Đảng 92 năm qua đã chứng minh kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam đã đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn |
Trong bối cảnh các thế lực thù địch không ngừng đưa ra các quan điểm, luận điệu sai trái chống phá, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng được xác định là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, bởi ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh “phải giữ chủ nghĩa cho vững”.
* Lĩnh vực trọng yếu
Trên thực tế, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới, trong đó có chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, là con đường ngắn nhất dẫn tới sự xói mòn về niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó là lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, Đảng ta xác định công tác tư tưởng, lý luận là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đảng đã khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đánh dấu một bước tiến về đổi mới nhận thức và tư duy lý luận của Đảng.
Đến Đại hội XIII của Đảng, nội dung của công tác tư tưởng được đề cập trong Văn kiện đại hội đặc biệt nhấn mạnh đến xây dựng niềm tin và sự đồng thuận xã hội. Văn kiện đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên cũng liên quan đến công tác tư tưởng: “Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.
Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương trong bài viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” thì bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng thì tự nó đã có đủ sức mạnh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch để giữ vững niềm tin, củng cố đức tin, thúc đẩy hành động sáng tạo vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đấu tranh có hiệu quả để vạch trần và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là thái độ và hành động tích cực, chủ động để khẳng định giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
* Đấu tranh kết hợp với giáo dục, tuyên truyền
Tại hội thảo Ph.Ăngghen bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác và bài học cho hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta giai đoạn hiện nay do Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, bên cạnh đề cập quá trình bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác của Ăngghen, các ý kiến tham luận đã đề ra nhiều giải pháp vận dụng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Qua đó làm rõ thêm những luận chứng, luận cứ để đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phủ nhận chủ nghĩa Mác; đồng thời, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đi sâu phân tích về quan điểm khoa học của Ph.Ăngghen về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, TS Phạm Thị Minh Nguyệt, Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai cho rằng, là người đồng lý tưởng, đồng chí hướng, đồng hành, đồng sáng lập trong xây dựng và phát triển hệ thống lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác, Ph.Ăngghen luôn trung thành với sự nghiệp của Mác, đấu tranh không khoan nhượng chống lại sự giáo điều, sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác, đồng thời không ngừng phát trển lý luận mác-xít, hoàn thiện học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, trong đó quan điểm về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là điểm nhấn sáng tạo.
Vận dụng trong sự nghiệp đổi mới của nước ta hiện nay cho thấy, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ra ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. “Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”- TS Phạm Thị Minh Nguyệt nhấn mạnh.
Theo ThS Võ Thái Hòa, Phó chủ nhiệm bộ môn Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường đại học Nguyễn Huệ thì cần kết hợp đa dạng, mở rộng các hình thức đấu tranh với giáo dục, tuyên truyền rộng khắp trong quần chúng nhân dân, làm cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của hệ thống chính trị mà còn là hành động tự giác của nhân dân. Do đó, phải huy động hết thảy những người dân có tinh thần yêu nước chân chính, có năng lực và dũng khí tham gia đấu tranh trở thành phong trào toàn dân đấu tranh, áp đảo các tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên, người dân là một chiến sĩ đấu tranh ngay từ cơ sở, tổ chức nhiều “vệt” đấu tranh tư tưởng, lý luận phục vụ kịp thời cho các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh và đối ngoại quan trọng của đất nước.
Còn theo ThS Vũ Thị Hồng, Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, để bảo vệ thành công nền tảng tư tưởng của Đảng, cần kết hợp cùng lúc cả 2 quá trình. Một mặt tiếp tục khẳng định, lan tỏa những giá trị cốt lõi, trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, mặt khác không ngừng bổ sung, phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với thực tiễn. Quá trình đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng cần có những nội dung, phương thức phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn nhất định. Đặc biệt, việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên cơ sở khoa học phù hợp với thực tiễn hiện nay là tất yếu khách quan, góp phần hạn chế sự lạc hậu, yếu kém về mặt lý luận của cán bộ, đảng viên, không còn điều kiện cho chủ nghĩa cơ hội và các phần tử cơ hội lợi dụng để xuyên tạc, phê phán, tầm thường hóa chủ nghĩa Mác - Lênin…
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng được xác định là nội dung cơ bản, hệ trọng Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì phải nghiên cứu, nắm vững, làm chủ lý luận tiên phong, chống bệnh chủ quan, máy móc, giáo điều, hẹp hòi, biệt phái, chống chủ nghĩa kinh nghiệm; đổi mới tư duy lý luận, nắm vững thực chất, tinh thần và phương pháp Mác - Lênin như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói để độc lập tìm ra những vấn đề của chính mình và giải quyết nó trong thực tiễn bằng quan điểm và giải pháp khoa học. |
Nhật Hạ