Hiện nay, tình trạng án tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai tại tòa án các cấp diễn ra khá phổ biến và tăng theo từng năm. Trong số đó, một phần nguyên nhân được xác định là do một số cơ quan quản lý nhà nước đất đai làm sai quy định dẫn đến việc cấp nhầm hoặc sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là "sổ đỏ").
Hiện nay, tình trạng án tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai tại tòa án các cấp diễn ra khá phổ biến và tăng theo từng năm. Trong số đó, một phần nguyên nhân được xác định là do một số cơ quan quản lý nhà nước đất đai làm sai quy định dẫn đến việc cấp nhầm hoặc sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là “sổ đỏ”).
TAND tỉnh xét xử một vụ án dân sự yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Ảnh: T.Tâm |
Điển hình như tình trạng đất người này nhưng cấp nhầm “sổ đỏ” cho người khác do không kiểm tra hiện trạng đất; đất đang tranh chấp nhưng vẫn cấp “sổ đỏ” cho người khác; một thửa đất cấp cho nhiều người…
* Mua đất trên “sổ đỏ”
Hiện nay, nhiều người có tiền mua đất để đó mà không quản lý, sử dụng và thậm chí không biết đất mình mua ở đâu, dẫn đến việc khi đất đã sang tên nhiều đời chủ rồi thì mới phát hiện “sổ đỏ” bị cấp nhầm, cấp sai dẫn đến tranh chấp.
Điển hình như trường hợp ông N.N. (51 tuổi, ngụ H.Thống Nhất) sau khi mua đất mới biết bản thân mua đất trên giấy tờ nhưng đất thực tế lại của người khác đã được cấp sổ và đang sử dụng, quản lý. Cụ thể là vào tháng 7-2018, sau khi nhận chuyển nhượng thửa đất tại xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) từ ông Đ.C. (60 tuổi, ngụ H.Thống Nhất), ông N. cho người đến đóng cọc làm ranh giới xác định thửa đất đã mua. Thế nhưng, chưa kịp đóng cọc thì ông bị chủ đất là ông N.T. (72 tuổi, ngụ TP.HCM) bắt ngưng lại và cho biết đất đã được cấp “sổ đỏ” cho ông N.T. từ năm 2003.
Trong 8 tháng của năm 2022, TAND 2 cấp tại Đồng Nai đã giải quyết 702 vụ/hơn 2,9 ngàn vụ thụ lý về các vụ án dân sự liên quan đến đất đai (giải quyết tăng gần 250 vụ so với cùng kỳ năm 2021). |
Vụ việc sau đó được khởi kiện tại TAND tỉnh, ông N.N. mới biết đất của mình đã bị cấp nhầm thửa lâu nay nhưng qua 3 đời chủ trước vẫn không biết được thửa đất bị cấp nhầm. Các chủ sở hữu trước chỉ biết đến đất trên “sổ đỏ” nhưng lại không biết đất trên thực tế. Từ vụ tranh chấp này kéo theo hàng loạt tranh chấp, khiếu kiện khác liên quan đến thửa đất trên vì xảy ra tình trạng đất của người này lại do người khác đứng tên.
Ngoài ra, trong một số vụ án tranh chấp đất diễn ra tại tòa án còn xảy ra tình trạng một thửa đất nhưng cơ quan chức năng cấp “sổ đỏ” cho nhiều người.
Điển hình như trường hợp bà K.H. (62 tuổi, ngụ H.Nhơn Trạch) vừa nộp đơn khởi kiện lên TAND tỉnh về việc thửa đất của bà được cấp “sổ đỏ” cho người khác. Theo trình bày của bà H., từ năm 1995, vợ chồng bà có một thửa đất khai hoang tại xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) diện tích gần 670m2. Thửa đất này bà có cho em và mẹ ruột ở nhờ. Trong năm 2008, bà H. đến chính quyền địa phương lập giấy cam kết cho mẹ và em ở nhờ rồi ra nước ngoài sinh sống.
Đến năm 2013, cơ quan nhà nước cấp “sổ đỏ” đứng tên của bà N.T.B. (mẹ bà H.). Dù chưa hủy “sổ đỏ” do bà B. đứng tên nhưng vào năm 2015, cùng thửa đất này, cơ quan nhà nước lại tiếp tục cấp “sổ đỏ” cho bà H. Sau khi phát hiện sự việc, bà H. đã làm đơn khởi kiện yêu cầu hủy “sổ đỏ” đứng tên bà B. và vụ việc đang được TAND tỉnh giải quyết.
* Tranh chấp do sai phạm trong việc cấp “sổ đỏ”
Theo một thẩm phán TAND tỉnh, hiện nay tình trạng khiếu kiện, tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai diễn ra ngày càng tăng một phần là do sai phạm từ một số cơ quan nhà nước quản lý về đất đai. Trong đó, tình trạng xảy ra chủ yếu như: cùng một thửa đất cấp “sổ đỏ” cho nhiều người, cấp “sổ đỏ” cho chủ sở hữu nhưng lại không có đất thực tế, đất của người này nhưng cấp nhầm “sổ đỏ” cho người khác… Nguyên nhân được xác định là do quá trình làm các thủ tục cấp sổ, cơ quan chức năng không kiểm tra, xác minh đầy đủ dẫn đến làm sai quy định pháp luật.
Hơn nữa, để xảy ra tình trạng trên một phần lỗi là từ các đương sự. Một số người dân khi mua đất để đầu cơ, chỉ nhìn vào “sổ đỏ” nhưng lại không biết đất thực tế ở đâu, hiện trạng như thế nào. Đến khi giấy tờ đã sang tay cho nhiều đời chủ mới phát hiện ra có “sổ đỏ” nhưng không có đất, dẫn đến các bên tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.
“Để xảy ra tình trạng này một phần lớn là do các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai không xem xét, kiểm tra hiện trạng thực tế sử dụng đất khi cấp “sổ đỏ” hoặc không rà soát lại tất cả các thông tin về thửa đất đầy đủ dẫn đến cấp sai, cấp nhầm… Đây là hoạt động trái quy định của pháp luật. Điều này khiến cho án tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai tăng cao; quá trình giải quyết vụ án bị kéo dài, khó giải quyết do đất đai đã được chuyển qua nhiều người, nhiều đời” - vị thẩm phán này cho hay.
Ngoài ra, trong trường hợp “sổ đỏ” do cơ quan quản lý nhà nước cấp và khi phát hiện cấp sai, cấp nhầm cần thu hồi điều chỉnh. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 5, Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ thì “sổ đỏ” cấp sai nhưng đã chuyển nhượng cho người thứ 3 thì thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp các cơ quan quản lý về đất đai biết đã làm sai nhưng cố tình không thu hồi giấy đã cấp sai dẫn đến đương sự phải làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết để có căn cứ.
Do đó, ngành Tòa án đề nghị các cơ quan chức năng ngoài việc tăng cường tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu, tránh những tranh chấp không đáng có thì cũng cần nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai. Từ đó giảm tình trạng sai phạm trong việc cấp giấy tờ, “sổ đỏ”, góp phần kéo giảm những tranh chấp tại tòa án.
Tố Tâm