Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp ý xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật

06:10, 22/10/2022

Bộ Tư pháp vừa tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo đề xuất chính sách xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật (THPL) tại Đồng Nai.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo đề xuất chính sách xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật (THPL) tại Đồng Nai.

Quang cảnh buổi tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo đề xuất chính sách xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật
Quang cảnh buổi tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo đề xuất chính sách xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật. Ảnh: T.Nhân

Tọa đàm nhằm để các cán bộ hoạt động thực tiễn ở địa phương cùng nhau phân tích, đánh giá toàn diện về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai công tác tổ chức và theo dõi tình hình THPL. Đồng thời, những luận giải, kiến nghị của đại biểu là căn cứ quan trọng để Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai nghiên cứu, đề xuất chính sách trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Tổ chức THPL.

* Thực trạng hoạt động tổ chức THPL

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn cho biết, xây dựng và tổ chức THPL là 2 nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đóng vai trò then chốt trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vai trò của công tác THPL ngày càng trở nên quan trọng, góp phần đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh, hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và theo dõi THPL thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: một số văn bản quy phạm pháp luật chưa được tổ chức thi hành kịp thời, đầy đủ; nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ tính khả thi hoặc còn mâu thuẫn, chồng chéo và tạo ra “khe hở” pháp luật. Bên cạnh đó, thể chế về tổ chức, theo dõi THPL vẫn còn thiếu, hiệu lực của văn bản chưa cao; hiệu quả công tác theo dõi, tổ chức THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành chưa rõ nét; phản ứng chính sách thông qua hoạt động theo dõi THPL còn chậm…

Do vậy, ngày 26-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg về phê duyệt đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn 2018-2022. Triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai nghiên cứu, thực hiện nhiều hoạt động làm cơ sở xây dựng, đề xuất hoàn thiện thể chế về công tác theo dõi THPL.

“Việc tổ chức tọa đàm nhằm giúp chúng tôi nắm thông tin thực tiễn tại các địa phương, tập trung đánh giá khái quát thực trạng công tác tổ chức THPL. Từ đó, đề xuất những định hướng phát triển và hoàn thiện, đề xuất chính sách đối với hoạt động tổ chức THPL ở Việt Nam, phục vụ việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tổ chức THPL” - ông Sơn cho hay.

* Sự cần thiết phải có Luật Tổ chức THPL

Tại buổi tọa đàm, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đều đồng tình cao về sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Tổ chức THPL. Bên cạnh đó, các đại biểu còn tích cực phát biểu ý kiến đề cập đến tình hình thực trạng THPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng thời góp ý bổ sung cho dự thảo đề cương Luật Tổ chức THPL.

Ông ĐẶNG THANH SƠN đánh giá cao chất lượng buổi làm việc tại Đồng Nai, những ý kiến, kiến nghị của đại diện các sở, ban, ngành, địa phương là nguồn tư liệu để đoàn nghiên cứu, chọn lọc và bổ sung vào hồ sơ xây dựng Luật Tổ chức THPL. Dự kiến hồ sơ xây dựng Luật Tổ chức THPL sẽ được hoàn thiện để Bộ Tư pháp trình lên Chính phủ vào đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Tấn Khương, đại diện Sở Tư pháp cho rằng, nghiên cứu, xây dựng Luật Tổ chức THPL trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Qua đó nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đồng thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Luật Tổ chức THPL được ban hành sẽ khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế trong thực tiễn tổ chức THPL trong thời gian qua. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý thực hiện hoạt động tổ chức THPL của các cơ quan hành chính nhà nước một cách đồng bộ, huy động được sự tham gia đông đảo và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội vào công tác tổ chức THPL, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Dự thảo Luật Tổ chức THPL (6 chương, 23 điều) đã quy định rõ các hoạt động tổ chức THPL, các điều kiện bảo đảm cho THPL, mối quan hệ phối hợp trong tổ chức THPL. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong tổ chức thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, Sở Tư pháp có ý kiến góp ý thêm để một số nội dung của dự thảo Luật được rõ hơn. Trong đó, kiến nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm đến biện pháp nâng cao năng lực thực thi pháp luật thông qua những quy định cụ thể về trách nhiệm đánh giá chính sách của các chủ thể tổ chức thực thi. Luật cũng cần quy định rõ về quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình THPL, bởi đây là cơ chế rất quan trọng giúp thực hiện quyền hiến định của nhân dân và là cơ chế để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước...

Đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tham gia phát biểu, kiến nghị, góp ý tại buổi tọa đàm
Đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tham gia phát biểu, kiến nghị, góp ý tại buổi tọa đàm

Theo ông Phạm Ngọc Hưng (Ban Pháp chế HĐND tỉnh), việc xây dựng Luật Tổ chức THPL với mục đích tạo khung pháp lý đầy đủ, có hiệu lực pháp lý cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác tổ chức THPL, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong quá trình tổ chức THPL. Dự thảo luật đã xây dựng cụ thể phạm vi điều chỉnh cơ bản đã quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung tổ chức THPL, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức THPL.

Tuy nhiên, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng có góp ý thêm một số nội dung trong dự thảo đề cương Luật Tổ chức THPL. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm trong tổ chức THPL quy định: lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, trục lợi cá nhân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quy định này trùng với quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…

Tại tọa đàm, đại diện Sở Nội Vụ cũng đề xuất 5 giải pháp xây dựng Luật Tổ chức THPL trong xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công lập. Trong đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật và tiếp tục cụ thể hóa bằng các quy định, hướng dẫn xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công lập; đổi mới quy định về cơ chế tài chính với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao, tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động; tiếp tục rà soát, thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện theo quy định pháp luật về cổ phần hóa…

Thành Nhân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích