Gần đây, nhiều vi phạm liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực ở Đồng Nai bị phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Qua đó cho thấy sự quyết liệt của ngành chức năng trong việc lập lại trật tự trong hoạt động công chứng, chứng thực.
Gần đây, nhiều vi phạm liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực ở Đồng Nai bị phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Qua đó cho thấy sự quyết liệt của ngành chức năng trong việc lập lại trật tự trong hoạt động công chứng, chứng thực; hạn chế các vi phạm liên quan lĩnh vực này; ngăn doanh nghiệp “lấn sân” sang lĩnh vực công chứng, chứng thực để trục lợi; góp phần bảo vệ lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Chi nhánh Công ty TNHH Công chứng Nguyễn Tân Yên tại TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) lúc còn hoạt động bình thường. Ảnh: A.Nhân |
Thời gian qua, không thể phủ nhận vai trò của các văn phòng công chứng (VPCC) trong giúp thực hiện các giao dịch của các cá nhân và tổ chức trở nên nhanh chóng, thuận lợi, đúng pháp luật. Từ đó, quyền và lợi ích hợp pháp của họ được đảm bảo một cách tối ưu. Đồng thời giảm bớt gánh nặng về số lượng công việc phải xử lý của cơ quan nhà nước liên quan đến lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu công chứng, chứng thực tăng cao dẫn đến một số tổ chức hành nghề công chứng hoạt động không lành mạnh, thậm chí vi phạm các quy định của Luật Công chứng năm 2014.
Một số lỗi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực công chứng hiện nay như: thực hiện công chứng, chứng thực ngoài trụ sở không đúng theo quy định; ký công chứng hợp đồng ủy quyền, giấy cam kết… nhằm hợp thức hóa các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất không đủ điều kiện. Công chứng viên thông đồng với người yêu cầu công chứng trong việc công chứng các “hợp đồng giả cách” nhằm che giấu, ngụy tạo cho mục đích giao dịch khác. Một số văn phòng công chứng tự ý mở chi nhánh, các điểm giao dịch dưới danh nghĩa “Công ty TNHH…”.
Những vi phạm nêu trên nếu không được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng, chứng thực; dễ dẫn đến tranh chấp, khiếu nại về sau; ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Để hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn hoạt động đúng theo quy định pháp luật, ngoài sự tăng cường thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các VPCP, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cùng các văn bản liên quan.
Đặc biệt, mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần tự giác, mạnh dạn báo tin những VPCC nào cố tình lách luật trong hoạt động công chứng, chứng thực để các ngành chức năng có chấn chỉnh kịp thời, không để hoạt động công chứng, chứng thực “biến tướng” và khó kiểm soát.
Đặng Ngọc