Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong nhiều năm qua, tình trạng ly hôn năm sau luôn cao hơn năm trước và ngày càng trẻ hóa. Thực trạng "yêu nhanh, cưới vội, sớm ra tòa" đã gây ra nhiều hệ lụy và đau khổ cho người trong cuộc. Trong đó, hệ lụy lớn nhất vẫn là gây tổn thương cho con trẻ.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong nhiều năm qua, tình trạng ly hôn năm sau luôn cao hơn năm trước và ngày càng trẻ hóa. Thực trạng “yêu nhanh, cưới vội, sớm ra tòa” đã gây ra nhiều hệ lụy và đau khổ cho người trong cuộc. Trong đó, hệ lụy lớn nhất vẫn là gây tổn thương cho con trẻ.
Hội thẩm nhân dân TAND TP.Biên Hòa tiến hành hòa giải, giải quyết một vụ ly hôn. Ảnh: T.Tâm |
Do đó, để đảm bảo trẻ phát triển về mặt thể chất cũng như tâm lý sau khi cha mẹ ly hôn, các cặp vợ chồng cần chọn cho mình cách ứng xử văn minh, hài hòa và phải có trách nhiệm với con sau khi ly hôn để tránh gây tổn thương cho mình và các con.
* Hệ lụy sau ly hôn
Nhiều người vì có cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc đã chọn cách ly hôn trong êm đẹp và văn minh. Nhưng cũng có không ít cuộc ly hôn xảy ra tranh chấp kéo dài khiến cho ai nấy đều rất mệt mỏi.
Ôm 3 con nhỏ ngồi phía ngoài sân TAND tỉnh sau phiên xét xử phúc thẩm vào tháng 5-2022, chị T.T. (32 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) nước mắt trực trào vì quá xúc động khi tòa xử y án sơ thẩm, cho chị quyền nuôi 3 con. Chị T.T. kể, vợ chồng chị kết hôn, chung sống với nhau được gần 10 năm và có 3 con chung (9 tuổi, 6 tuổi và gần 3 tuổi). Thời gian đầu, cuộc sống rất hạnh phúc, nhưng khi sinh con thứ 3, chị phát hiện chồng ngoại tình và có con riêng với người phụ nữ khác. Dù chị T.T. đã cố gắng níu kéo nhưng không thể giữ chân người chồng bội bạc nên chị đành làm đơn ly hôn.
Xét hoàn cảnh của đôi bên, cuối năm 2021, TAND TP.Biên Hòa đã chấp thuận cho chị T. nuôi 3 con nhỏ theo như mong muốn của các con và xét điều kiện nuôi con của đôi bên. Không đồng ý với kết quả ly hôn nên người chồng đã làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm để giành quyền nuôi con.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, TAND 2 cấp đã giải quyết gần 5 ngàn vụ/7 ngàn vụ ly hôn (5 tháng đầu năm 2021, TAND 2 cấp đã giải quyết hơn 4 ngàn vụ/hơn 6,2 ngàn vụ ly hôn). |
“Tôi không hề muốn tranh giành gì với người chồng bội bạc đó, tôi chỉ mong các con được sống với nhau và ít chịu sự tổn thương, mất mát nhất. Trước nay chồng tôi cũng ít quan tâm đến các con nên tôi biết con mình sẽ không hạnh phúc khi sống với người cha đã có gia đình mới. Tôi rất vui vì cuối cùng 4 mẹ con lại có thể đoàn tụ” - chị T. cho hay.
Không chỉ bị tổn thương vì những tranh chấp của cha mẹ sau khi ly hôn, một số người trẻ vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ đã sớm rơi vào tệ nạn xã hội như sử dụng, tàng trữ ma túy. Như trường hợp của anh Đ.P.T. (22 tuổi, ngụ TP.HCM), đang cai nghiện ma túy tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (đóng tại xã Suối Cao, H.Xuân Lộc). Nhìn vào tấm ảnh duy nhất chụp chung của cả gia đình, anh T. bật khóc cho biết, nếu bản thân có cha mẹ quan tâm và yêu thương có lẽ anh đã không trượt dài vào ma túy.
Anh T. kể, lúc anh học lớp 10, cha mẹ của anh bắt đầu rạn nứt tình cảm và thường xuyên cãi nhau. Khi anh học lớp 12, cha mẹ anh ra tòa ly dị. Sau đó, anh T. sống chung với mẹ và thỉnh thoảng cha cũng qua thăm. Vài năm sau, cha có vợ mới, mẹ đi bước nữa, anh T. sống với ông bà nội. Nghĩ bản thân bị bỏ rơi nên anh buồn, bỏ nhà ra đi, vướng vào ma túy và trở thành con nghiện.
“Tôi đã sai khi tự đẩy mình vào vòng xoáy của ma túy, đánh mất tương lai. Nhưng giá như tôi được sống hạnh phúc, có cha mẹ hoặc cha mẹ quan tâm, yêu thương thì có lẽ cuộc đời tôi không như bây giờ” - anh T. tâm sự.
* Nâng cao trách nhiệm của cha mẹ
Thẩm phán Phan Thị Thu Hương, Phó chánh Tòa gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh, nhận định tình trạng ly hôn hiện nay có xu hướng tăng lên theo từng năm và ngày càng trẻ hóa. Nhiều người dễ dàng ly hôn bởi những nguyên nhân đơn giản như: tính tình không hợp, chồng vô tâm, vợ lười làm việc nhà… mà ít nghĩ đến hậu quả và những tổn thương mà con cái sẽ phải chịu đựng khi cha mẹ tan vỡ.
Thực tế có những cặp vợ chồng ly hôn nhưng chỉ muốn tranh giành phần thắng về bản thân mình mà không nghĩ đến cuộc sống về mặt vật chất và tinh thần của con cái. Trong số đó, có nhiều cặp vợ chồng lại hành hạ, đánh chửi nhau bằng những lời nói cay nghiệt để rồi con cái phải sống giữa “2 làn đạn”. Từ đó, con trẻ vừa chịu ảnh hưởng bởi cuộc sống gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”, vừa thiếu hụt về mặt tình cảm sẽ tác động lớn đến tâm lý của trẻ dẫn đến trẻ có suy nghĩ lệch lạc và hành động thiếu suy nghĩ.
Về mặt pháp lý, luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư Đồng Nai, phân tích sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.
Thông thường, vợ chồng sẽ tự thỏa thuận nuôi con, nhưng nếu xảy ra tranh chấp thì theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi xử ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ nuôi dưỡng, ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc người mẹ không có khả năng nuôi dưỡng. Con từ 36 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi thì xét theo nguyện vọng và điều kiện kinh tế, môi trường sống của cha hoặc mẹ có lợi cho đứa trẻ. Còn đối với con từ 7 tuổi trở lên thì phải hỏi ý kiến của con, kết hợp với điều kiện của cha, mẹ để đảm bảo cho con phát triển tốt nhất. Còn sau ly hôn thì cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom con cái mà không ai được cản trở.
Tố Tâm