Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: "Giải bài toán" đấu tranh, triệt xóa tội phạm công nghệ

04:05, 31/05/2022

Không riêng H.Nhơn Trạch mà tình trạng lừa đảo qua mạng đang diễn ra tại nhiều địa bàn trên phạm vi cả nước. Nạn nhân thường là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, người đang gặp khó khăn về tài chính…

[links()]Không riêng H.Nhơn Trạch mà tình trạng lừa đảo qua mạng đang diễn ra tại nhiều địa bàn trên phạm vi cả nước. Nạn nhân thường là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, người đang gặp khó khăn về tài chính…

 Chiến sĩ công an Đội CSHS, Công an huyện lấy lời khai của đối tượng trong diện tình nghi
Chiến sĩ công an Đội CSHS, Công an huyện lấy lời khai của đối tượng trong diện tình nghi

Lợi dụng nhu cầu cần tiền, tận dụng thông tin sơ hở của khách hàng, các đối tượng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã gây nên nhiều vụ lừa đảo từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Hành vi này cần tiếp tục lên án, đấu tranh, triệt xoá để xây dựng môi trường mạng lành mạnh.

* Quản lý, phối hợp chưa chặt chẽ

Thiếu tá Đặng Quang Hùng, Đội trưởng Đội CSHS, Công an H.Nhơn Trạch trao đổi: hiện nay việc đăng ký sim điện thoại, cấp thẻ ATM của nhà cung cấp dịch vụ  rất nhanh, thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, điều đó đã vô tình làm cho các đối tượng có ý định lừa đảo dễ dàng đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng, sim rác để hành động. Khi khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, các đơn vị không có động thái phối hợp với công an địa phương xác minh danh tính.

Thực tế cho thấy, khách hàng chỉ cần mang chứng minh nhân dân (CMND) hoặc CCCD đến cửa hàng của nhà mạng là dễ dàng đăng ký sim mà không phải xác minh của cơ quan công an. Đối tượng có thể mua nhiều sim rác hoặc mua lại sim từ người khác để phục vụ cho mục đích lừa đảo. Từ các số điện thoại, bọn chúng sẽ tạo các tài khoản trên Zalo, Facebook... Mạng xã hội lúc này trở thành “mảnh đất màu mỡ” để tội phạm khai thác.

Tương tự với tài khoản ngân hàng, đối tượng dùng CMND để lập thẻ ATM hoặc mua bán thẻ ATM từ người khác. Những trường hợp này, mặc dù bị hại cung cấp đầy đủ họ tên, năm sinh, thậm chí số CMND nhưng công an rất khó tìm ra “người thật” để xử lý.

Theo Thiếu tá Hùng, tội phạm hiện nắm rất rõ thông tin của “con mồi” từ nghề nghiệp, địa chỉ nhà đến các mối quan hệ. Điều này có thể do nội bộ nhà cung cấp dịch vụ cho khách hàng bán thông tin cho bên thứ 3, doanh nghiệp bị hacker tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu khách hàng. Người dân bị dụ dỗ điền thông tin cá nhân để được nhận voucher khuyến mãi, quà tặng… Cũng có thể người dùng mạng xã hội vô tình công khai thông tin mà không biết. Người dùng đăng ký nhiều loại hình dịch vụ: ví điện tử, internet banking để thanh toán, chuyển tiền online mà không chú ý đến vấn để bảo mật.

“Công tác quản lý, phối hợp phòng chống tội phạm mạng giữa các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ chưa chặt chẽ, không đồng bộ dẫn đến tội phạm công nghệ cao dễ hoạt động. Điều này gây nhiều khó khăn cho lực lượng công an trong việc xác minh, truy bắt tội phạm” - Thiếu tá Hùng cho hay.

Trung tá Nguyễn Đức Tuấn, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an H.Nhơn Trạch cho rằng, tội phạm mạng hoạt động mạnh một phần là do sự cả tin và dễ dãi của người dùng mạng. Trung tá Tuấn cảnh báo, người dân phải cẩn trọng khi giao dịch ngân hàng, ví điện tử qua mạng. Không tiết lộ thông tin tài khoản, mã OTP, thông tin cá nhân cho người lạ. Việc chọn lựa các dịch vụ có tính bảo mật cao cũng là điều cần chú ý.

* Khó truy vết nhưng dễ phòng bị

Tội phạm mạng thường thông thạo về công nghệ, hoạt động theo nhóm, có kế hoạch bàn bản đối phó, tiêu huỷ chứng cứ khi bị công an phát hiện. Điều này là một trong những khó khăn trong công tác truy vết. Tuy nhiên, người dùng hoàn toàn có thể phòng bị để không trở thành “con mồi” cho tội phạm.

Thiếu tá Đặng Quang Hùng chia sẻ, bên cạnh nỗ lực của ngành Công an, cần sự hợp tác, phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật về an ninh mạng và các nhà mạng, ngân hàng trong phòng chống tội phạm công nghệ cao. Đồng thời, các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng phải phối hợp với công an để bảo mật thông tin người dùng. Các đơn vị này có trách nhiệm tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn, phương thức lừa đảo qua mạng cho người dùng. “Ngành công an đang nỗ lực chuyển đổi CMND sang thẻ CCCD. Thẻ CCCD được đồng bộ dữ liệu dân cư quốc gia. Hy vọng sẽ hạn chế việc sử dụng thông tin để thực hiện hành vi phạm pháp” - Thiếu tá Hùng chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Thành Ngoan, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM và Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cho biết, Chương XVI, Luật Hình sự quy định: Tùy theo hành vi, mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ từ 3 năm hoặc cao nhất là chung thân.  Điều 290 cũng quy định: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm doạt tài sản, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là 6 tháng và cao nhất đến 20 năm tù giam…

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thành Ngoan, Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để xác minh chủ sở hữu và truy xuất thông tin người dùng có nội dung: tùy theo trường hợp cơ quan công an có quyền yêu cầu ngân hàng và ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin khách hàng.

Lừa đảo qua không gian mạng không phải là mới nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy”. Đấu tranh với tội phạm công nghệ quan trọng nhất phải từ phía người dùng mạng, đề cao cảnh giác với các lợi ích “không làm mà có” hoặc “làm ít hưởng nhiều”. Bên cạnh đó là sự phối hợp các cơ quan, ban ngành, các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trong cung cấp, xác minh, bảo mật thông tin người dùng. Việc thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của tỉnh Đồng Nai cũng là mũi nhọn để lực lượng công an triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, kéo giảm loại tội phạm này trong thời gian tới.

Xuân Mai

 

Tin xem nhiều