Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các hành vi làm, sử dụng giấy tờ giả đang diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, giấy tờ giả được làm ngày càng tinh vi, dễ qua mặt các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các hành vi làm, sử dụng giấy tờ giả đang diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, giấy tờ giả được làm ngày càng tinh vi, dễ qua mặt các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.
Nhiều giấy tờ tùy thân giả bị Công an H.Trảng Bom phát hiện trong một vụ án trong năm 2021. Ảnh: T.Tâm |
Việc tìm kiếm trên mạng xã hội các dịch vụ làm giả giấy tờ khá đơn giản. Theo đó, nhiều loại giấy tờ có thể được làm giả, kể cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ tùy thân hoặc các loại bằng cấp… với đủ mức phí từ 500 ngàn đến 10 triệu đồng (tùy loại).
* Triệt phá nhiều đường dây làm giả giấy tờ
Thời gian qua, nhiều đường dây làm giả giấy tờ với quy mô lớn đã được công an các tỉnh, thành trên cả nước phát hiện, xử lý. Điển hình, vào cuối tháng 12-2021, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bộ Công an triệt phá đường dây, bắt giữ 6 đối tượng tham gia làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo lời khai của các đối tượng, tính từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, đường dây này đã có 30 đối tượng tham gia, làm giả hơn 20 ngàn giấy tờ, tài liệu các loại cho hơn 10 ngàn khách hàng đặt mua trên toàn quốc, với số tiền thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng. Các đối tượng đã sử dụng hơn 100 con dấu các loại của các cơ quan, tổ chức, trong đó có các cơ quan, tổ chức tại Đồng Nai.
“Để ngăn chặn triệt để tình trạng làm, sử dụng giấy tờ giả thì bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không vì cái lợi trước mắt mà cổ súy, tiếp tay cho các đối tượng làm giả, sử dụng các loại giấy tờ giả. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn, kéo giảm tình trạng này. Đồng thời, khi phát hiện các cơ sở làm giấy tờ giả cần trình báo cơ quan chức năng để có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm” - một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho hay. |
Riêng tại Đồng Nai, biết được nhu cầu về các loại giấy tờ như: giấy khám sức khỏe, bằng cấp để đi làm… ngày càng nhiều nên các đối tượng đã nghiên cứu cách làm giả để đem bán, thu lợi bất chính. Gần nhất, vào cuối tháng 11-2021, Công an TP.Biên Hòa bắt giữ Kiều Đình Thông (35 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân) và Trần Thị Mỹ Hòa (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cả hai khai nhận, biết được nhu cầu của người lao động nên đã dùng máy photocopy làm giả nhiều hồ sơ xin việc, giấy tờ tùy thân, bằng cấp để bán lại.
Cũng có nhiều đối tượng táo bạo hơn khi sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả trong quá trình giao dịch dân sự. Mới đây, Viện KSND H.Trảng Bom đã truy tố Nguyễn Như Khoa (42 tuổi, ngụ xã Đông Hòa, H.Trảng Bom) về hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Cụ thể, vào cuối năm 2020, Khoa có vay của bà V. (41 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) 1,4 tỷ đồng. Khi đến hạn trả nợ, do không có tiền nên Khoa đã lên mạng xã hội đặt làm một “sổ đỏ” đứng tên Khoa đưa cho bà V. làm tin. Khoa tiếp tục dùng “sổ đỏ” giả vay thêm 1,3 tỷ đồng của bà V. Đến tháng 3-2021, bà V. mang giấy tờ đi sang tên thì phát hiện sổ giả và Khoa bị bắt giữ.
Trong khi đó, cũng có nhiều đối tượng sử dụng giấy tờ giả với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải lãnh mức án nặng. Điển hình, vào ngày 1-3-2022, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Võ Văn Thảo (43 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 5 năm tù về tội sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức. Nội dung vụ án xác định, thông qua các loại giấy tờ giả công văn, tài liệu của UBND tỉnh, bị cáo Thảo đã lừa chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của ông Yap Wee Chong (56 tuổi, quốc tịch Malaysia, ngụ tại Q.5, TP.HCM).
* Cần xử lý nghiêm khắc
Theo thẩm phán Nguyễn Thành Lượng, Phó chánh tòa hình sự TAND tỉnh, hành vi làm giả, sao kê các loại giấy tờ đang ngày càng phổ biến và dễ dàng, thậm chí có nhiều đối tượng công khai rao bán, quảng cáo về việc làm giả các loại giấy tờ, bằng cấp… Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm và gây bất bình trong xã hội.
Trong khi đó, có nhiều người cũng vì muốn hợp thức hóa các thủ tục giấy tờ, bằng cấp mà dù biết việc làm là trái pháp luật vẫn cố tình mua văn bằng, chứng chỉ giả. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, dịch vụ làm giả giấy tờ, bằng cấp đang ngày càng tràn lan, dễ dàng, hơn nữa chi phí rất rẻ, chỉ khoảng từ 500 ngàn đến 10 triệu đồng tùy loại giấy tờ khác nhau. Bằng mắt thường, hầu hết các loại giấy tờ giả hiện nay rất khó nhận biết được thật giả. Có nhiều đối tượng còn tinh vi sử dụng công nghệ thông tin để tạo ra giấy tờ giả đến cả máy quét cũng khó phát hiện.
Theo Công an tỉnh, trong những năm gần đây, nhiều đường dây buôn bán, làm giả, sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức được triệt xóa, nhưng một phần do hình phạt chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe nên nhiều đối tượng vẫn công khai thực hiện hành vi phạm pháp, gây bất an trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của nhiều cơ quan chức năng, gây nhiễu loạn xã hội. Nhiều người vì lợi ích trước mắt mà quên đi nguy hại lâu dài khi làm và sử dụng các loại giấy tờ giả. Hơn nữa, mọi hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ giả đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể vướng vào vòng lao lý.
Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù lên đến 7 năm tù giam. Đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác được quy định tại điều 208 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể bị phạt 20 năm tù giam.
Do đó, theo các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần cẩn trọng hơn trước những loại giấy tờ giả, kiểm tra kỹ các loại giấy tờ hoặc nhờ đến các cơ quan chức năng kiểm tra tính thật - giả để tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tố Tâm