
Trong năm 2021, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cả chục ngàn lượt người lao động (NLĐ), trong đó phần lớn là tư vấn qua điện thoại, mạng xã hội.
Trong năm 2021, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cả chục ngàn lượt người lao động (NLĐ), trong đó phần lớn là tư vấn qua điện thoại, mạng xã hội.
![]() |
Công nhân Công ty TNHH K.A. (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, H.Nhơn Trạch) tới Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý. Ảnh: Đoàn Phú |
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số lượng NLĐ trực tiếp đến trung tâm nhờ tư vấn pháp luật hạn chế hơn so với năm 2020. Do đó, trung tâm đã chủ động chuyển sang hình thức tư vấn qua điện thoại, mạng xã hội (Facebook, Zalo) để hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật cho NLĐ.
* Đẩy mạnh tư vấn pháp luật qua điện thoại, mạng xã hội
Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh có 6 tư vấn viên và luật sư tham gia công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho NLĐ trên địa bàn tỉnh. Ngoài thế mạnh về lĩnh vực lao động, việc làm, các luật sư, tư vấn viên của trung tâm còn hỗ trợ NLĐ nhiều lĩnh vực khác như: dân sự, hôn nhân - gia đình, hành chính… khi họ có nhu cầu.
Luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết, tranh chấp lao động giữa NLĐ và người sử dụng lao động là điều khó tránh khỏi trong quan hệ lao động. Do đó, ngoài việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ, trung tâm còn chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật về lao động để NLĐ hiểu biết, thực hiện tốt và có thể tự mình giải quyết các tranh chấp, xung đột về quyền lợi trong quá trình làm việc để tránh bức xúc thái quá dẫn tới quyền lợi không được giải quyết thỏa đáng.
Hình thức tư vấn trực tiếp tại văn phòng Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh giảm nhiều so với năm 2020. Nguyên nhân do Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội nhiều tháng liền để phòng, chống dịch nên NLĐ không đến trực tiếp tại trung tâm. Cụ thể, trong năm 2021, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn pháp luật cho gần 12 ngàn lượt NLĐ. Trong đó, tư vấn pháp luật trực tiếp 824 lượt người; tư vấn qua điện thoại, mạng xã hội, báo, đài khoảng 11,2 ngàn lượt người (chiếm hơn 93,3% các cuộc tư vấn). Nội dung tư vấn chủ yếu là vấn đề doanh nghiệp không và chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương và sa thải NLĐ không đúng quy định của pháp luật, chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19...
* Bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ
Luật sư Vũ Ngọc Hà chia sẻ: “Dù đội ngũ tư vấn viên, luật sư không nhiều nhưng trung tâm vẫn nỗ lực hết mình, không ngại làm việc ngoài giờ hành chính để giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc của NLĐ. Thời điểm căng thẳng do dịch bệnh tác động, NLĐ bị mất việc, nghỉ việc nhiều, đời sống rất khó khăn và tâm lý NLĐ dễ bức xúc. Tuy vậy, khi được trung tâm đồng hành trong giải quyết các vấn đề pháp lý, không ít NLĐ đã bình tĩnh có cách giải quyết phù hợp”.
Đầu tháng 10-2021, 32 công nhân thuộc Công ty TNHH K.A. (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, H.Nhơn Trạch) đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý về việc công ty này thu tiền BHXH của NLĐ nhưng không đóng cho cơ quan BHXH, không chốt sổ BHXH dẫn tới quyền lợi của họ bị ảnh hưởng khi nghỉ việc.
Tư vấn viên Phan Thị Nga, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết, theo phản ảnh của 32 công nhân nói trên, việc công ty thu tiền mà không đóng BHXH cho NLĐ là không đúng quy định pháp luật. Điều này sẽ làm cho NLĐ thiệt đơn, thiệt kép như: không được hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số biện pháp hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; gói hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và nhiều quyền lợi khác. Cho nên, việc họ tìm tới trung tâm nhờ hỗ trợ pháp lý để đòi quyền lợi là chính đáng nên trung tâm đã hướng dẫn họ quy trình để yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định pháp luật.
Tháng 6-2021, 26 NLĐ làm việc tại Công ty CP H.V. (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) vỡ òa niềm vui khi đòi được tiền lương ngừng việc và đóng BHXH của công ty này với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Những lao động này cho biết, nhờ các luật sư, tư vấn viên của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh kiên trì đồng hành với họ suốt nhiều năm qua nên cuối cùng họ cũng đòi lại được quyền lợi của mình.
Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà cho biết, trong năm 2021, trung tâm đã hỗ trợ, thảo 759 đơn cho NLĐ gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tham gia bảo vệ quyền lợi và làm đại diện theo ủy quyền cho NLĐ trong 95 vụ án. Nhờ vậy, trong năm 2021, trung tâm vẫn hỗ trợ có kết quả cho 28 NLĐ khi họ được tòa án các cấp tuyên buộc người sử dụng lao động bồi thường tổng số tiền gần 2 tỷ đồng khi sa thải trái luật, nợ BHXH, tiền lương...
“Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các cơ quan nhà nước mà đặc biệt là tòa án thụ lý các vụ án lao động nhưng không thể xét xử làm cho vụ việc phải kéo dài, NLĐ mất nhiều thời gian tham gia tố tụng. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của NLĐ nên làm cho chúng tôi trăn trở” - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh VŨ NGỌC HÀ bày tỏ. |
Đoàn Phú