Báo Đồng Nai điện tử
En

Tàng trữ, lưu hành tiền giả, đi tù thật

10:01, 03/01/2022

Hiện nay, tình trạng làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả đang diễn biến phức tạp. Nhiều người dân trở thành nạn nhân của các đối tượng với số tiền thiệt hại từ vài trăm ngàn đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

Hiện nay, tình trạng làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả đang diễn biến phức tạp. Nhiều người dân trở thành nạn nhân của các đối tượng với số tiền thiệt hại từ vài trăm ngàn đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

Lý Văn Lợi cùng đồng phạm lãnh mức án nặng vì tàng trữ, lưu hành tiền giả. Ảnh: T.Tâm
Lý Văn Lợi cùng đồng phạm lãnh mức án nặng vì tàng trữ, lưu hành tiền giả. Ảnh: T.Tâm

Theo cơ quan chức năng, thay vì tiền giả được đưa vào Việt Nam từ nước ngoài như trước đây thì hiện nay đã xuất hiện một số “lò” sản xuất tiền giả trong nước với trang thiết bị hiện đại và lượng tiêu thụ rất lớn. Điều này ít nhiều tác động đến nền kinh tế, tiền tệ và gây mất an ninh trật tự.

* Ngăn chặn nạn tiền giả

Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “mua bán tiền giả” sẽ cho ra hàng triệu kết quả chủ yếu là các địa chỉ trang web quảng cáo mua tiền giả với lời rao bán “có cánh” như: không nhận cọc, sản phẩm uy tín, chất lượng, không phai màu khi sử dụng, giống tiền thật đến 99%, bảo mật thông tin khách hàng tuyệt đối, nhận hàng nhanh gọn… kèm theo là tỷ lệ quy đổi 1 triệu đồng tiền thật được 12 triệu đồng tiền giả hoặc nhiều hơn…

Trước diễn biến phức tạp về tình trạng mua bán, sử dụng tiền giả, lực lượng công an các địa phương đã vào cuộc và phát hiện trong nước xuất hiện các “lò” làm tiền giả rất tinh vi. Mới đây, ngày 27-12, Công an TP.HCM bắt giữ 4 đối tượng đang tiến hành làm tiền giả tại một căn nhà thuê thuộc Q.12 (TP.HCM). Lực lượng công an đã thu giữ 25 triệu đồng tiền giả của các đối tượng và các dụng cụ làm tiền giả để điều tra, xử lý.

Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị phạt từ 3 năm tù đến chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản.

Tại Đồng Nai, hiện chưa phát hiện tình trạng làm tiền giả nhưng nhiều đối tượng vì lợi nhuận đã mua tiền giả về rồi đem đi tiêu thụ ở các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ hoặc mua hàng ở chợ và phải lãnh hậu quả nghiêm trọng bằng những bản án nghiêm khắc.

Điển hình, vào ngày 24-12, TAND tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo: Lý Chính Quang (40 tuổi, ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) 5 năm tù; Trần Đình Hùng (34 tuổi, ngụ xã Thanh Sơn) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Văn Phong (21 tuổi, ngụ H.Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) 4 năm tù cùng về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả.

Theo nội dung vụ án, ngày 22-11-2020, Quang đã 2 lần đưa cho Phong 4,5 triệu đồng tiền thật để mua 17 triệu đồng tiền giả đem về cất giấu tại phòng thuê tại H.Tân Phú. Đến ngày 25-11-2020, Quang đưa 9 triệu đồng nhờ Hùng, Phong đi tiêu thụ tiền giả tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Vào ngày 1-12-2020, Hùng và Phong mua 10,8 triệu đồng tiền giả, đi tiêu thụ tại 2 huyện Trảng Bom, Thống Nhất thì bị bắt giữ.

Thậm chí, có những đối tượng sử dụng tiền giả để thực hiện trong các giao dịch mua bán ma túy, chất kích thích với số tiền “khủng”. Điển hình, giữa tháng 3-2021, Lý Văn Lợi (32 tuổi, ngụ H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) đến TP.Thủ Đức (TP.HCM) mua 113,5 triệu đồng tiền giả (giá 30 triệu đồng) mang về giấu tại tỉnh Bình Thuận. Để tiêu thụ số tiền giả này, ngày 4-4-2021, Lợi đặt mua ma túy của Huỳnh Tấn Phát (30 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) với tổng số tiền 114 triệu đồng. Tối cùng ngày, Phát và Dương Thị Cẩm Thu (26 tuổi, ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) cùng đi giao ma túy cho Lợi và được trả tổng số tiền 115,2 triệu đồng (gồm 113,5 triệu đồng tiền giả và 1,7 triệu đồng tiền thật).

Sau khi biết là tiền giả, Phát và Thu đã tiêu thụ 33,5 triệu đồng tiền giả. Qua điều tra, cơ quan công an đã bắt giữ Thu, Phát, Lợi và các đối tượng bị xử mức án từ 12-15 năm tù/người.

* Cẩn trọng hơn trong các giao dịch bằng tiền mặt

Theo Công an tỉnh, tội phạm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả gây ra nhiều hệ lụy phức tạp, làm giảm giá trị đồng tiền, gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và gây xáo trộn về tình hình an ninh trật tự địa bàn. Thời gian qua, mặc dù lực lượng công an đã có nhiều hoạt động quyết liệt nhằm kiểm soát và đẩy lùi loại tội phạm này nhưng tình hình vẫn đang diễn ra khá phức tạp. Đặc biệt, trong dịp cuối năm, khi người dân đi mua sắm nhiều, các loại tội phạm này lại hoạt động mạnh hơn.

Hoạt động mua bán tiền giả được quảng cáo nhộn nhịp trên mạng xã hội
Hoạt động mua bán tiền giả được quảng cáo nhộn nhịp trên mạng xã hội

Một cán bộ Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh khuyến cáo, để tránh là nạn nhân của các loại tội phạm này, người dân cần biết cách nhận dạng đặc điểm các loại tiền giả và tiền thật. Cụ thể, các loại tiền giả thường có đặc điểm dễ nhận biết như: hình ảnh hoa văn không sắc nét, không làm giả được hình bóng chìm hoặc có nhưng khi soi ngược ánh sáng sẽ không nhìn thấy, chỉ nhìn thấy mờ nhạt trên hai mặt, hình định vị không khớp, mực đổi màu được in cùng với hình ảnh, hoa văn mặt trước và không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; những ký tự rất nhỏ sẽ bị nhòe mực; cửa sổ lớn và nhỏ trên tờ tiền được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy và sẽ được phủ một lớp ny-lông trên toàn bộ tờ tiền; khi soi dưới đèn cực tím thì nền giấy phát quang, series dọc và ngang không phát quang.

“Tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao nên khi nắm gọn tiền trong tay và mở ra thì tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái cũ, khi kéo nhẹ mép tờ tiền sẽ khó bị giãn. Còn tiền giả do in trên giấy có chất ny-lông nên không có độ đàn hồi và dễ bị giãn, rách” - vị cán bộ này cho biết.

Theo bà Trần Thị Hương Sen, Phó trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh, kinh tế, ma túy, chức vụ Viện KSND tỉnh, hiện nay các đối tượng thường mua bán tiền giả qua mạng và giao dịch tinh vi nên khó phát hiện. Trong khi đó, nhiều người dân chưa hiểu rõ cách phân biệt tiền thật, giả hoặc chưa chú trọng đến việc kiểm tra kỹ từng tờ tiền khi thực hiện giao dịch. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều đối tượng thường dùng tiền giả thực hiện các giao dịch phạm pháp như: mua bán ma túy, chất kích thích… nên một lượng tiền giả lớn bị tuồn ra ngoài xã hội.

Do đó, bà Trần Thị Hương Sen cho rằng, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi phạm pháp liên quan đến tiền giả, các tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân cũng cần cẩn trọng hơn trong các giao dịch bằng tiền mặt, tránh thất thoát tài sản. Đồng thời, người dân cần tích cực tố giác các đối tượng gạ gẫm lưu hành tiền giả, không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn xã hội.     

Tố Tâm

Tin xem nhiều