Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiến nghị lùi thời hạn phạt xe vận tải không lắp camera

10:06, 16/06/2021

Thời gian qua, tác động của đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn nên Bộ GT-VT đã kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn xử phạt xe khách, xe đầu kéo chưa lắp camera ghi hình ảnh trong xe từ ngày 1-7-2021.

Thời gian qua, tác động của đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn nên Bộ GT-VT đã kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn xử phạt xe khách, xe đầu kéo chưa lắp camera ghi hình ảnh trong xe từ ngày 1-7-2021.

Một xe buýt tuyến 604 (Bến xe Hố Nai - Bến xe Miền Đông) đã lắp camera giám sát, ghi lại hình ảnh trong xe. (Ảnh chụp trước thời điểm các tuyến xe buýt liên tỉnh từ Đồng Nai đi TP.HCM tạm dừng hoạt động). Ảnh: T.Hải
Một xe buýt tuyến 604 (Bến xe Hố Nai - Bến xe Miền Đông) đã lắp camera giám sát, ghi lại hình ảnh trong xe. (Ảnh chụp trước thời điểm các tuyến xe buýt liên tỉnh từ Đồng Nai đi TP.HCM tạm dừng hoạt động). Ảnh: T.Hải

Nghị định 10/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 10) ngày 17-1-2020 của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014 quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô quy định, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

* Đề xuất thời gian hoãn phạt

Ngày 14-6, Bộ GT-VT có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép từ ngày 1-7 đến hết ngày 31-12-2021 chưa xử lý vi phạm hành chính đối với xe container, xe đầu kéo chưa lắp đặt camera ghi, lưu trữ hình ảnh lái xe mà dời đến ngày 1-1-2022 mới xử lý vi phạm hành chính đối với xe chưa lắp camera. Chưa xử lý vi phạm hành chính đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên chưa lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022. Từ ngày 1-7-2022 mới bắt đầu xử lý vi phạm đối với xe chưa lắp camera.

Theo quy định của Nghị định 10, việc lắp camera trên xe kinh doanh vận tải là để tăng cường theo dõi, giám sát tài xế, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tài xế đề nghị các cơ quan quản lý về giao thông cho phép lùi thời hạn lắp đặt camera hoặc tạm thời chưa xử lý vi phạm với xe chưa lắp camera theo quy định trên do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân chính là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhất là hoạt động vận tải hành khách nhiều nơi bị dừng hoạt động hoặc được phép hoạt động nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của xe để phòng, chống dịch.

Đặc biệt, trong đợt dịch bùng phát từ ngày 27-4 đến nay, xe chở khách tại nhiều địa phương phải dừng hoạt động. Việc này khiến số lượng khách, hàng hóa, doanh thu vận tải bị giảm sút nghiêm trọng. Các địa phương, khu vực có dịch phải thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt camera của chính các đơn vị vận tải và đơn vị cung cấp camera.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có nhiều văn bản đôn đốc việc triển khai thực hiện lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải theo đúng lộ trình quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, nhận được kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô tại một số địa phương về việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có hoãn thời hạn xử phạt với xe không lắp camera ghi hình ảnh trong xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ GT-VT có văn bản gửi Chính phủ hoãn việc xử phạt này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải.

* Hỗ trợ doanh nghiệp vận tải gặp khó

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm về trang bị thiết bị giám sát hành trình đối với lái xe và doanh nghiệp. Cụ thể, đối với lái xe sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

Đối với cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5-6 triệu đồng, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông; không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung buộc phải lắp đặt camera trên xe theo đúng quy định; cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera lắp trên xe ô tô theo quy định. Có thể nói, việc lùi thời gian xử phạt trong bối cảnh ngành Vận tải gặp nhiều khó khăn sẽ giảm áp lực cho các doanh nghiệp.

Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện (Sở GT-VT) Lê Văn Đức cho biết, Đồng Nai là địa phương có hoạt động vận tải diễn ra nhộn nhịp, vì thế số lượng phương tiện nằm trong diện phải thực hiện lắp camera ghi hình ảnh trong xe khá lớn. Thống kê cho thấy, đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên có khoảng 5,6 ngàn xe; xe đầu kéo và xe container khoảng 3,9 ngàn xe, số lượng camera dự kiến lắp trên xe bình quân là 2 chiếc/xe.

Cũng theo ông Đức, việc lắp camera có tác dụng lớn trong việc giám sát hoạt động của lái xe, nhất là trong điều kiện dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, dữ liệu hình ảnh truyền về cũng kiểm soát được hành trình xe, tình trạng nhà xe nhồi nhét khách trên đường, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự.

Thanh Hải

Tin xem nhiều