Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh xảy ra tranh chấp di sản thừa kế

09:05, 21/05/2021

Tranh chấp thừa kế tài sản là loại án chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số án tòa án thụ lý nhưng lại thuộc các loại án phức tạp, khó giải quyết và thường kéo dài nhất bởi chủ thể tham gia quan hệ và tranh chấp thừa kế thường liên quan đến nhiều người trong gia đình, họ tộc.

Tranh chấp thừa kế tài sản là loại án chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số án tòa án thụ lý nhưng lại thuộc các loại án phức tạp, khó giải quyết và thường kéo dài nhất bởi chủ thể tham gia quan hệ và tranh chấp thừa kế thường liên quan đến nhiều người trong gia đình, họ tộc.

TAND tỉnh xét xử một vụ tranh chấp di sản thừa kế
TAND tỉnh xét xử một vụ tranh chấp di sản thừa kế

Hiện nay, do kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đất đai ngày càng có giá trị nên tình trạng tranh chấp nói chung, trong đó có tranh chấp đất đai diễn ra rất phổ biến. Nhiều vụ việc phát sinh tranh chấp giữa những người thân ruột thịt căng thẳng kéo dài và cũng gây nhiều tổn thương cho người trong cuộc. Khi tranh chấp phát sinh rất dễ dẫn đến sự phá vỡ tình cảm gia đình, người thân.

 * “Giọt máu đào hơn ao nước lã”

Có những trường hợp tranh chấp thừa kế tài sản dù đã được tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không thành nên anh em đành kiện nhau ra tòa và thường kéo dài nhiều năm liền.

Ngồi tại ghế chờ phiên tòa xét xử, bà T.T. (ngụ H.Thống Nhất) buồn rầu kể lại, bà và em gái không lập gia đình và sống chung trong căn nhà cha mẹ để lại. Thế nhưng vào năm 2016, bà phát hiện cả hai chị em đều mắc căn bệnh ung thư và tuổi già sức yếu không thể làm việc kiếm tiền được nữa.

Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh, việc lập di chúc rõ ràng khi để lại tài sản thừa kế là điều rất cần thiết để tránh xung đột và tranh chấp về sau. Mặc dù có một số trường hợp có lập di chúc vẫn tranh chấp nhưng thường không quá căng thẳng và việc giải quyết cũng sẽ dễ dàng hơn. Điều quan trọng nhất là khi xảy ra tranh chấp, các đương sự nên hợp tác, có thiện chí trong quá trình giải quyết để vụ việc được giải quyết nhanh chóng hơn và đỡ căng thẳng, tốn kém.

 Từ đó bà T.T. có ý định chia nhà đất cha mẹ để lại rồi phân thành từng lô đất nhỏ cho anh em trong nhà. Sau đó, bà sẽ bán phần đất của mình nhằm có tiền chữa bệnh. Nhưng việc này lại bị em trai ngăn cản do việc chia đất chưa thỏa đáng. Từ đó, giữa chị em với nhau ngoài việc tranh chấp tại các phiên tòa từ sơ thẩm đến phúc thẩm thì họ cũng thường xuyên lớn tiếng khi sống cạnh nhau.

Không chỉ tranh chấp giữa anh em với nhau mà có những vụ việc xảy ra tranh chấp thừa kế giữa các thế hệ khác nhau nên rất khó khi giải quyết. Điển hình như vào đầu năm 2021, TAND tỉnh đã tuyên một bản án phúc thẩm về tranh chấp tài sản thừa kế đã kéo dài từ năm 2015 đến nay. Trong đó, ngoài nguyên đơn và bị đơn thì có hơn 20 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án ở nhiều thế hệ khác nhau.

Theo trình bày của nguyên đơn là bà T.P. (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cha mẹ bà có 6 người con và được đồn điền cao su thời Pháp cấp cho căn nhà để ở. Từ đó bà sống chung với cha mẹ và em là ông V.C. (ngụ H.Cẩm Mỹ) đến khi lấy chồng. Vào năm 2015, mẹ bà mất, vì không thương lượng được với ông C. việc chia căn nhà nên bà làm đơn khởi kiện.

Tuy nhiên, trong phiên tòa phúc thẩm,  Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P. vì số tài sản nhà đất này không phải là di sản thừa kế. Năm 2006, ông C. đã sang tên nhà đất cho con là ông M.P. (ngụ H.Cẩm Mỹ). Do ông P. làm công nhân Nông trường Cao su Cẩm Mỹ nên được mua hóa giá nhà đất và là chủ hợp pháp của tài sản trên.

* Tranh chấp di sản thừa kế kéo dài

Theo đánh giá của TAND tỉnh, việc giải quyết, xét xử các vụ án liên quan đến tranh chấp thừa kế tài sản không nhiều nhưng ngày càng tăng, có tính chất phức tạp, gay gắt. Theo thống kê, trong năm 2020, tòa án 2 cấp đã giải quyết hơn 80 vụ/hơn 350 vụ thụ lý (năm 2019 đã giải quyết 69 vụ/hơn 220 vụ).

Theo thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp về thừa kế tài sản tăng là do người dân không lập di chúc hoặc thiếu rạch ròi khi lập di chúc. Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005, thời hiệu khởi kiện chỉ 10 năm) nên nhiều người làm đơn khởi kiện; giá trị tài sản tăng cao dẫn đến tranh chấp.

Cũng theo thẩm phán Tuyến, việc giải quyết các vụ án liên quan đến phân chia di sản thường kéo dài và rất khó giải quyết do quá trình thu thập chứng cứ khó khăn. Cụ thể, các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng con cái sẽ yêu thương, đùm bọc nhau và không lường trước được những tranh chấp xảy ra nên khi còn sống để lại tài sản cho con cái bằng miệng mà không có giấy tờ rõ ràng. Tài sản thường ở nhiều nơi, do nhiều người quản lý nên việc thu thập hồ sơ, chứng cứ liên quan thường khó khăn, thậm chí có những người không chịu hợp tác. Đặc biệt, chính sách pháp luật có nhiều sự thay đổi, thời hiệu khởi kiện kéo dài 30 năm nên nhiều chứng cứ, giấy tờ bị thất lạc, thay đổi và tài sản thuộc quyền quản lý có nhiều thế hệ khác nhau.

Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, việc tranh chấp tài sản thừa kế thường liên quan đến nhiều người, nhiều thế hệ khác nhau trong gia tộc. Do đó, đối với loại án này đòi hỏi người thực thi pháp luật phải nắm vững các chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự và chính sách của Nhà nước qua nhiều thời kỳ, các văn bản hướng dẫn, các văn bản pháp luật liên quan (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Đất đai năm 2013…).

Do đó, theo luật sư Vũ Văn Tăng, để tránh tranh chấp giữa người thân thì những người để lại di sản cần phải làm các giấy tờ rõ ràng, đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp người dân không nắm rõ các quy định pháp luật thì có thể liên hệ các trung tâm trợ giúp pháp lý, các văn phòng luật sư… để nhờ tư vấn và giải quyết.

Tố Tâm

Tin xem nhiều