Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

10:03, 26/03/2021

Theo đánh giá của Sở LĐ-TBXH, trong thời gian qua, tệ nạn ma túy trên địa bàn Đồng Nai còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ ngày càng tăng.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TBXH, trong thời gian qua, tệ nạn ma túy trên địa bàn Đồng Nai còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ ngày càng tăng.

Người nghiện ma túy được lao động và học nghề tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: T.Tâm
Người nghiện ma túy được lao động và học nghề tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: T.Tâm

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh (Sở LĐ-TBXH) cho biết, tính đến cuối năm 2020, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là gần 4,7 ngàn người (tăng gần 300 người so với năm 2019).

* Người nghiện ma túy tăng cao

Điều đáng quan tâm là độ tuổi của đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ (từ 16-30 tuổi, chiếm gần 60% số người nghiện). Ngoài sử dụng heroin, đa phần các đối tượng đều sử dụng ma túy tổng hợp (thuốc lắc, ma túy đá, chiếm trên 80% số người nghiện). Cách thức sử dụng ma túy cũng có nhiều thay đổi, không chỉ tiêm, hút mà còn hít, nuốt, uống… Các đối tượng thường tụ tập trong các vũ trường, quán bar, nhà nghỉ… để “bay”, lắc.

Trong năm 2020, toàn tỉnh tổ chức cai nghiện cho gần 1,4 ngàn người, quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú cho gần 350 người, hỗ trợ vốn và cho vay vốn 16 người (gần 450 triệu đồng), giải quyết việc làm cho gần 100 người.

Điển hình như ngày 21-2, tổ công tác của Công an P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) kiểm tra quán karaoke Ngọc Linh (thuộc P.Long Bình Tân), phát hiện tại đây có nhiều thanh niên tụ tập hát hò và sử dụng ma túy thâu đêm. Lực lượng công an đã kiểm tra nhanh và phát hiện 17 đối tượng dưới 30 tuổi dương tính với ma túy.

Đặc biệt, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các điểm kinh doanh dịch vụ như: karaoke, bar… phải đóng cửa thì nhiều đối tượng lại tự mở phòng karaoke để “bay”, lắc lại nhà. Cuối năm 2020, Công an H.Thống Nhất bắt giữ Đỗ Phi Hồ (25 tuổi, ngụ xã Quang Trung, H.Thống Nhất) cùng đồng phạm vì hành vi tổ chức sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy. Quá trình điều tra, đối tượng khai nhận sau khi các điểm ăn chơi trên địa bàn tỉnh bị đóng cửa, Hồ đã về H.Thống Nhất thuê căn biệt thự và sửa sang lại thành 2 phòng karaoke cho hàng chục người sử dụng ma túy thuê để “bay”, lắc trong thời gian dài.

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, nguyên nhân chính dẫn đến nghiện ma túy là do thanh thiếu niên sớm ăn chơi đua đòi, muốn chứng tỏ bản thân sành điệu, tò mò với ma túy và tâm lý bị kích động bởi các cú sốc do  chuyện tình cảm, công việc không ổn định hoặc do gia đình bỏ bê nên muốn tìm tới ma túy để xoa dịu nỗi buồn. Trong thời điểm bản thân dễ dao động rất dễ bị bạn bè, đối tượng xấu lôi kéo sử dụng ma túy.

* Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai

Theo ông Đặng Xuân Hòa, để kéo giảm người nghiện ma túy, thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Ngoài việc xây dựng mới Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh với quy mô 1 ngàn học viên tại xã Suối Cao (H.Xuân Lộc), tỉnh cũng đã xây dựng được 6 sơ sở cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng tập trung tại TP.Biên Hòa và các huyện: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán, Thống Nhất. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được gần 100 điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy.

Người nghiện ma túy uống methadone điều trị cai nghiện tại H.Định Quán
Người nghiện ma túy uống methadone điều trị cai nghiện tại H.Định Quán

Công tác quản lý sau cai cũng được quan tâm, tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh và nhiều địa phương cũng đã phối hợp tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, việc cai nghiện và quản lý sau cai vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Bởi lẽ, công tác thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy ở các cấp cơ sở còn nhiều thiếu sót, hạn chế, chưa phản ánh đúng thực trạng người nghiện trên địa bàn.

 “Lực lượng tham gia tham vấn, giám sát, vận động, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy chủ yếu kiêm nhiệm hoặc tự nguyện nên họ chưa thật sự mặn mà với công tác” - ông Hòa cho biết.

Liên quan đến nội dung này, trung tá Bùi Bá Tiền, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy, Công an H.Xuân Lộc cho hay, công tác quản lý sau cai nghiện còn nhiều bất cập, việc hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện có làm nhưng hiệu quả chưa cao. “Người sau cai thường rất khó để đi xin việc tại các doanh nghiệp, họ thường đến địa phương khác để sinh sống nên khó gọi kiểm danh, kiểm diện. Trong khi đó, một số gia đình còn bỏ bê, kỳ thị người nghiện; công tác đào tạo nghề chưa thiết thực… nên tỷ lệ người nghiện bị thất nghiệp và tái nghiện còn cao” - trung tá Bùi Bá Tiền cho hay.

Nhằm phát huy hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Hồ Văn Lộc cho biết, thời gian tới cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan để thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh, thiếu niên tránh xa ma túy; tập trung vào các đối tượng bỏ học, lêu lỏng, không có việc làm trên địa bàn; huy động mọi nguồn lực cho công tác cai nghiện phục hồi, xã hội hóa để huy động sự đóng góp của nhân dân cho công tác này (tạo điều kiện cho cơ sở cai nghiện ma túy dân lập đủ điều kiện đi vào hoạt động); tổ chức tư vấn, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người sau cai trên địa bàn tỉnh một cách có hiệu quả, thiết thực.

Tố Tâm

Tin xem nhiều