Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái luật thì người lao động (NLĐ) sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc. Đồng thời, NLĐ phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước, hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo.
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái luật thì người lao động (NLĐ) sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc. Đồng thời, NLĐ phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước, hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) tư vấn pháp luật cho công nhân. Ảnh: Đoàn Phú |
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho hay, để không bị mất quyền lợi khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ phải tuân thủ nghĩa vụ báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian nhất định. Tuy vậy, cũng có trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần phải báo trước vẫn đúng luật.
* Trường hợp cần báo trước và không cần báo trước
Được công ty ký HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng, với công việc là may công nghiệp, chị Lê Thị Thắm (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cảm thấy công việc không phù hợp với sức khỏe. Do đó, sau 4 tháng làm việc, chị muốn xin nghỉ làm để tìm công việc mới phù hợp với sức khỏe của mình nhưng sợ công ty không đồng ý. Vì vậy, chị Thắm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh gặp luật sư Vũ Ngọc Hà nhờ tư vấn.
Luật sư Vũ Ngọc Hà hướng dẫn, do chị không thuộc trường hợp NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước theo Khoản 2, Điều 35, Bộ luật Lao động năm 2019, nên khi nghỉ việc chị phải tuân thủ thời gian báo trước cho người sử dụng lao động theo Khoản 1, Điều 35 của Bộ luật này. Còn khi chị không thực hiện đúng quy định này nghĩa là chị chấm dứt HĐLĐ trái luật nên không được pháp luật bảo vệ.
Luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết, theo quy định của pháp luật về lao động, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ
12-36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù như: thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài thì thời hạn báo trước ít nhất 120 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên; ít nhất bằng 1/4 thời hạn của HĐLĐ đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.
“NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước trong trường hợp: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ…” - luật sư Vũ Ngọc Hà lưu ý.
* Trái luật, phải bồi thường
Trong quá trình tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho NLĐ, luật sư Vũ Ngọc Hà nhận thấy, vì không nắm, không hiểu đúng các quy định pháp luật về lao động nên không ít NLĐ cho rằng, pháp luật chỉ “nắm kẻ có tóc chứ không ai nắm kẻ trọc đầu”. Nghĩa là pháp luật chỉ xử lý người sử dụng lao động, doanh nghiệp khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật vì họ là ông chủ, có tiền; còn NLĐ thì không, vì họ là người nghèo, nhất là NLĐ thuộc trường hợp mới làm việc được vài tháng, ngoài tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số.
Chẳng hạn như trường hợp NLĐ P.V.B. (tỉnh Trà Vinh), Đ.K. (dân tộc Chơro, xã Phú An, H.Tân Phú) đơn phương chấm dứt HĐLĐ không đúng luật (thuộc trường hợp phải báo trước nhưng không báo, tự nghỉ việc ngang) nên bị công ty bắt bồi thường kinh phí đào tạo, không chi trả nửa tháng tiền lương trợ cấp thôi việc.
Trong năm 2020, Hội Luật gia TP.Biên Hòa nhận tư vấn, hỗ trợ pháp luật về lao động cho trên 100 trường hợp. Trong số đó, có gần 10 trường hợp chấm dứt HĐLĐ không đúng luật nên bị công ty, người sử dụng lao động không chi trả trợ cấp thôi việc, bắt bồi thường HĐLĐ.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho biết, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, NLĐ không được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc; mà còn phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước. Đồng thời, luật còn quy định, NLĐ phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo như: nâng tay nghề, các chi phí hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp NLĐ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm: chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo…
“Thủ tục báo trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp luật quy định phải báo trước tuy thủ tục đơn giản nhưng vẫn còn một bộ phận NLĐ không tuân thủ, xem nhẹ. Cho nên khi bị người sử dụng lao động sa thải vì vi phạm HĐLĐ nên mất quyền lợi, lại còn bị bồi thường vật chất” - luật gia Phạm Đình Đức nói.
Đoàn Phú