Gần đây, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục bám vào những đối tượng được đặt cho cái tên rất kêu là "tù nhân lương tâm" để chống phá Việt Nam thông qua vấn đề dân chủ, nhân quyền. Song, ngẫm lại thì thấy các chiêu bài chống phá ấy cuối cùng vẫn chỉ xoay quanh việc đưa ra những luận điệu xuyên tạc, cùng với đó là những đòi hỏi đi ngược với luật pháp và thực tế nhằm đánh lừa dư luận về tình hình bảo đảm quyền con người ở nước ta.
Gần đây, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục bám vào những đối tượng được đặt cho cái tên rất kêu là “tù nhân lương tâm” để chống phá Việt Nam thông qua vấn đề dân chủ, nhân quyền. Song, ngẫm lại thì thấy các chiêu bài chống phá ấy cuối cùng vẫn chỉ xoay quanh việc đưa ra những luận điệu xuyên tạc, cùng với đó là những đòi hỏi đi ngược với luật pháp và thực tế nhằm đánh lừa dư luận về tình hình bảo đảm quyền con người ở nước ta.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong và ngoài nước tổ chức hàng trăm chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Ảnh: TTXVN |
* Sự thật vẫn cố tình bị bóp méo
Trong báo cáo công bố vào giữa tháng 1 vừa qua, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) cho rằng, trong năm 2020, chính quyền Việt Nam đã gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và quyền lập hội...
Một quan chức của tổ chức này thậm chí còn khẳng định như đinh đóng cột rằng, năm 2020 “lại là một năm đen tối nữa” cho nhân quyền ở Việt Nam. Cũng theo báo cáo của HRW, năm qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ hoặc truy tố hàng chục người do vi phạm các tội về an ninh quốc gia mà theo họ được định nghĩa quá rộng và mơ hồ, chẳng hạn như “tuyên truyền chống Nhà nước” hoặc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước”...
Để chứng minh cho lập luận xuyên tạc ấy, HRW đã liệt kê một số bản án dành cho các đối tượng vi phạm pháp luật thời gian qua. Trong đó có những cái tên đã vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam như: Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Phạm Đoan Trang... Tất cả những người này đều bị cáo buộc tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Càng nực cười hơn khi HRW vô tư phán rằng, công an Việt Nam bắt giam nhiều “nhà bất đồng chính kiến” chỉ vì họ "thực hiện quyền tự do ngôn luận cơ bản". Trong khi đó, thực tế cho thấy, các đối tượng như Phạm Đoan Trang hay Phạm Chí Dũng đều nhận sự tài trợ, cổ xúy của các tổ chức nhân quyền cực đoan và các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam, sử dụng chiêu trò “phản biện xã hội” để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kích động các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất ổn định trật tự xã hội, bị dư luận trong nước lên án kịch liệt.
Gần đây, một số người thiếu thiện chí với Việt Nam lại đưa ra luận điệu cho rằng, vì sợ sứt mẻ lợi ích kinh tế, vì sự thành bại của các hiệp định thương mại mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác đang phớt lờ các vụ việc vi phạm nhân quyền đối với các “tù nhân lương tâm” tại Việt Nam. Trong khi đó, ai cũng thừa biết rằng, thông qua các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên, Việt Nam đã cùng Mỹ hay EU trao đổi thẳng thắn, cởi mở và xây dựng về tình hình thực tế cũng như các thách thức của mỗi bên trong việc thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này cũng đã được cộng đồng quốc tế và các đối tác ghi nhận.
* Đòi hỏi phi lý
Bằng cách rêu rao rằng, các “tù nhân lương tâm” tại Việt Nam hiện như “cá nằm trên thớt”, thời gian qua, các cá nhân, tổ chức có quan điểm thù địch với Việt Nam liên tục kêu gọi phải thả các tù nhân này ngay lập tức. Liệu đó có phải là đòi hỏi chính đáng?
Năm qua, không ít lần trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin đại loại như: Các tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam thường xuyên bị ngược đãi, đe dọa, thậm chí bị đánh đập, thiếu đồ ăn thức uống... Dường như chưa đủ để bẻ lái dư luận, các thế lực thù địch giở thêm “bài cùn” bằng lập luận rằng đại dịch Covid-19 đang gây nhiều tác động mạnh tới sức khỏe cộng đồng, trong đó có cả tác động và nguy cơ lây lan tới các nhà tù, trại giam, trại tạm giam ở Việt Nam và do đó, "chính quyền Việt Nam phải đặc xá, thả tất cả các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm".
Họ cố tình quên rằng, đặc xá là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện và lao động để hoàn lương. Nếu như các bản án là minh chứng cho tội danh của các phạm nhân, thì việc đặc xá, tha tù trước thời hạn là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy trại giam của phạm nhân. Mỗi đợt đặc xá là dịp để các phạm nhân nhìn nhận, suy xét lại những lỗi lầm đã phạm phải, tự mỗi người đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ và sẵn sàng phấn đấu để tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Đặc xá năm 2007, những năm qua, Chủ tịch nước đã quyết định nhiều đợt đặc xá, tha tù trước thời hạn cho nhiều người bị kết án phạt tù có thời hạn. Thường thì các đợt đặc xá diễn ra nhân các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Hiệu quả của công tác đặc xá cũng được chứng minh bằng tỷ lệ tái phạm thấp, đại đa số phạm nhân được đặc xá sau khi ra tù đều nhận thấy và đi theo con đường hướng thiện, thậm chí nhiều người còn trở thành những tấm gương người tốt, việc tốt. Qua đó càng chứng minh rằng, đặc xá là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta và trên thực tế đã được cộng đồng trong nước, dư luận quốc tế và những người quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam thừa nhận, đồng tình.
Tuy nhiên, đặc xá thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, song không phải với mọi đối tượng. Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, các phạm nhân chỉ có thể được đặc xá, trả tự do sớm nếu họ thừa nhận những sai phạm của mình và chứng minh quyết tâm hướng thiện bằng cách cải tạo tốt, chấp hành nghiêm các nội quy của trại giam. Nói cách khác, việc đặc xá phụ thuộc vào quá trình tu dưỡng, rèn luyện bản thân của các phạm nhân, chứ không thể phụ thuộc vào những lời kêu gọi hay đòi hỏi phi lý từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.
Từ đó cũng dễ dàng nhận thấy rằng, các thế lực phản động, cơ hội chính trị không hề sẵn lòng thừa nhận những thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, mà trái lại chỉ nhăm nhe xỉa xói, tận dụng mọi cơ hội và mánh khóe để phủ nhận các thành tựu ấy. Với riêng những người trót bị gắn cho cái mác “tù nhân lương tâm”, họ thực chất chỉ là một công cụ nhất thời trong tay những kẻ đang âm mưu chơi ván bài nhân quyền nhằm vào Việt Nam.
Theo qdnd.vn