Báo Đồng Nai điện tử
En

Có hay không việc bắt buộc trả lương tháng 13 cho người lao động?

11:02, 04/02/2021

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên một số doanh nghiệp không có khả năng thưởng lương tháng 13 cho người lao động (NLĐ) khiến không ít NLĐ thắc mắc và cho rằng, công ty vi phạm pháp luật lao động.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên một số doanh nghiệp không có khả năng thưởng lương tháng 13 cho người lao động (NLĐ) khiến không ít NLĐ thắc mắc và cho rằng, công ty vi phạm pháp luật lao động.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) tư vấn về vấn đề lương, thưởng cho người lao động. Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) tư vấn về vấn đề lương, thưởng cho người lao động. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho hay, lương tháng 13 là một khoản tiền thưởng vào cuối năm (thường vào tháng 12 dương lịch). Tiền lương tháng 13 không phải là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho NLĐ để thực hiện công việc thỏa thuận theo hợp đồng lao động. Nếu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thua lỗ hoặc NLĐ không hoàn thành công việc của mình có thể sẽ không nhận được lương tháng 13.

* Không phải là khoản tiền bắt buộc

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Bộ luật Lao động năm 2019 thì không có khái niệm lương tháng thứ 13 mà chỉ quy định về khái niệm tiền thưởng.Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.

Luật sư Hà lưu ý, tiền lương tháng 13 không phải là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho NLĐ để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Nghĩa là, thưởng lương tháng 13 không phải tiền lương theo công việc hay chức danh của NLĐ. Nếu doanh nghiệp thua lỗ hoặc NLĐ không hoàn thành công việc của mình có thể sẽ không nhận được tiền lương tháng 13. Đồng thời, NLĐ sẽ chỉ nhận được tiền thưởng lương tháng 13 nếu giữa NLĐ và người sử dụng lao động có thỏa thuận về thưởng lương tháng 13 trong hợp đồng lao động hoặc ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể thì doanh nghiệp bắt buộc phải chi trả khoản tiền trên.

“Do đó, tùy theo tình hình sản xuất, kinh doanh của từng công ty mà người sử dụng lao động quyết định thưởng cuối năm, thưởng tết cho NLĐ bằng tiền hay hiện vật, vật chất khác. Tuy nhiên, tâm lý NLĐ bao giờ cũng thích thưởng bằng tiền mặt hơn là hiện vật (như: chuyến du lịch, vé tàu xe, quà, tặng phẩm khác…) vì để tiện sử dụng và trang trải đời sống theo nhu cầu của từng người” - luật sư Hà nói.

* Mức thưởng không nhất thiết giống nhau

Liên quan đến vấn đề thưởng tết, ông Lưu Văn Bách (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cũng thắc mắc: “Tiền thưởng cuối năm tại công ty ông làm việc có sự chênh lệch rất lớn giữa từng vị trí công việc. Như vậy có đúng không và cách tính thưởng ra sao mới công bằng?”.

Hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức (Sở LĐ-TBXH tỉnh) cho biết, tiền thưởng cho NLĐ không nhất thiết giống nhau giữa các vị trí việc làm vì còn phụ thuộc vào mức độ hoàn thành công việc của NLĐ nên sẽ được công ty trả theo kết quả đóng góp. Người sử dụng lao động phải căn cứ, đánh giá kết quả công việc sau một năm của NLĐ sau đó mới có thể quyết định mức tiền thưởng tháng lương thứ 13 của NLĐ đó. Nếu người sử dụng lao động chi trả thưởng tháng lương thứ 13 cho tất cả NLĐ như nhau sẽ không trở thành động lực thúc đẩy để NLĐ tích cực làm việc, phát huy sáng kiến, tuân thủ kỷ luật lao động.

“Thông thường các doanh nghiệp áp dụng cách tính tiền thưởng lương tháng thứ 13 theo công thức sau: làm đủ 12 tháng (bao gồm cả thời gian thử việc) thì sẽ được hưởng 1 tháng lương hoặc hơn. Còn nếu không làm đủ 12 tháng thì có thể từ 0,5 đến dưới 1 tháng lương (tùy theo thời gian làm việc). Do tiền thưởng lương tháng 13  không phải là khoản tiền bắt buộc doanh nghiệp phải chi trả cho NLĐ theo quy định của pháp luật nên mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tính, cách xác định khác nhau. Việc tính lương thưởng tháng 13 phụ thuộc vào tình hình sản xuất của doanh nghiệp và số lượng NLĐ trong đơn vị” - hòa giải viên Phạm Đình Đức phân tích.

Cũng theo hòa giải viên Phạm Đình Đức, trong quá trình tư vấn pháp luật cho NLĐ, nhiều người thắc mắc: tiền thưởng lương tháng thứ 13 có phải chịu thuế thu nhập cá nhân, đóng bảo hiểm xã hội không?

Vấn đề này hòa giải viên Phạm Đình Đức lý giải, theo Khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15-8-2013  của Bộ Tài chính, tiền thưởng được xem là khoản thu nhập chịu thuế (bị tính thuế thu nhập cá nhân). Do đó, khi được nhận tiền thưởng lương tháng 13, NLĐ phải chịu tiền thuế thu nhập cá nhân. Riêng tiền thưởng lương tháng 13 nếu trong hợp đồng lao động ghi thưởng lương tháng thứ 13 ở một mục riêng, không gộp chung với khoản tiền lương hàng tháng thì sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội. Ngược lại, nếu gộp chung với khoản tiền lương hằng tháng thì phải đóng bảo hiểm xã hội.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh lưu ý, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định nhưng vẫn phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Đồng thời, doanh nghiệp phải công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc, nếu không công khai sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1-3-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều