Thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục và đặc biệt là các đợt ra quân kiểm tra, xử lý những đối tượng vi phạm liên quan đến pháo đã được lực lượng chức năng đẩy mạnh nhưng tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục và đặc biệt là các đợt ra quân kiểm tra, xử lý những đối tượng vi phạm liên quan đến pháo đã được lực lượng chức năng đẩy mạnh nhưng tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Tang vật trong các vụ vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép bị Công an TP.Biên Hòa thu giữ |
Thực tế này đã và đang đặt ra trách nhiệm đối với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và chính mỗi người dân trong ngăn chặn, phòng ngừa việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo khi thời điểm Tết Nguyên đán 2021 cận kề.
* Đốt pháo bất chấp quy định cấm, thách thức pháp luật
Hiện nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh, tình trạng đốt pháo vẫn diễn ra. Điều này cho thấy, nhiều đối tượng vẫn bất chấp quy định của pháp luật để đốt pháo “mua vui” trong những ngày nghỉ, lễ, Tết.
Xác định được thực trạng đó, ngay từ những tháng cuối năm 2020, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương vào cuộc mạnh mẽ để kịp thời ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm. Trong những ngày qua, công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vi phạm có liên quan đến pháo, bắt xử lý nhiều đối tượng vi phạm.
Theo thống kê của Công an tỉnh, chỉ trong đêm giao thừa Tết Dương lịch 2021, công an các địa phương đã bắt, xử lý 143 vụ đốt pháo. Trong đó, TP.Biên Hòa là một trong những địa phương triển khai mạnh mẽ các giải pháp và đã xử lý nhiều đối tượng vi phạm. Trong đêm 1-1, các đội nghiệp vụ Công an TP.Biên Hòa phối hợp với công an các phường, xã phát hiện, xử lý 11 vụ, 12 đối tượng đốt pháo trái phép, thu giữ nhiều tang vật liên quan.
Không chỉ ở các đô thị mà tại các vùng nông thôn, tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép cũng diễn biến phức tạp. Đơn cử như tại địa bàn H.Cẩm Mỹ, chiều 2-1, qua công tác tuần tra, lực lượng Công an huyện phát hiện, bắt giữ Trần Hữu Tâm (23 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) khi đối tượng này vừa nhận một thùng pháo gồm 5 giàn pháo nổ và 2 bịch pháo banh, tổng trọng lượng gần 10kg.
Thượng tá Huỳnh Yên Nam, Trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, để phòng ngừa nạn đốt pháo trái phép, Công an thành phố đã chỉ đạo công an các phường, xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai rà soát, nắm đối tượng đã từng vi phạm trên lĩnh vực này để tuyên truyền nhắc nhở, viết cam kết không tái phạm. Ngoài ra, Công an thành phố đã huy động các lực lượng nghiệp vụ phối hợp với công an các phường, xã tổ chức tuần tra tại các địa bàn trọng điểm. Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
* Đừng vi phạm vì thiếu hiểu biết
Trước tình trạng mua bán và sử dụng pháo diễn ra ngày càng phức tạp, ngày 27-11-2020, Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt Nghị định 137) có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021.
Theo Công an tỉnh, việc Nghị định 137 ra đời vào thời điểm này được rất nhiều người dân quan tâm, tìm hiểu và chia sẻ trên các kênh thông tin. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu đúng về các quy định được nêu ra trong nghị định. Trong đó phần lớn có sự nhầm lẫn giữa quy định về pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa.
Điểm a, Khoản 1, Điều 3, Nghị định 137 quy định, pháo nổ bao gồm: pháo nổ và pháo hoa nổ. Trong đó pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (bao gồm pháo banh, pháo quả…). Còn pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng sẽ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa nổ thường do lực lượng quân đội sử dụng để bắn vào các ngày lễ, Tết, sự kiện lớn của đất nước và được Chính phủ cho phép.
Ngoài ra, trên thực tế hiện nay còn xuất hiện các loại pháo hoa nổ (pháo dàn) do một số đối tượng nhập lậu từ bên ngoài vào khi sử dụng cũng gây ra tiếng nổ, tiếng rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Các loại pháo nổ và pháo hoa nổ hiện nay đang bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng... Nội dung này được quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 137.
Trong khi đó, loại pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm… thì tại điểm b, Khoản 1, Điều 3, Nghị định 137 quy định: “Là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.
Như vậy, với quy định này thì pháo hoa được sử dụng là sản phẩm mà khi sử dụng chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt không gây ra tiếng nổ. Các sản phẩm đó bao gồm: que, nến… khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện thì phụt ra các tia sáng đủ màu sắc.
Nói về tình trạng vi phạm về pháo thời gian qua, trung tá Đào Tiến Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.Biên Hòa cho biết, hoạt động tuyên truyền của lực lượng chức năng thời gian qua đã được triển khai rộng khắp. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều đối tượng cố tình vi phạm chỉ để “mua vui”. Trong số này chủ yếu là các thanh thiếu niên thích thể hiện bản thân nên đã vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân cũng còn ngộ nhận về việc quy định của Chính phủ cho phép sử dụng pháo hoa trong ngày lễ, Tết.
Theo trung tá Đào Tiến Hùng, trên thị trường hiện nay, các bánh pháo hoa được công an phát hiện mua bán, tàng trữ và sử dụng đều là pháo nhập lậu từ nước ngoài. Hiện trên cả nước chưa có đơn vị nào sản xuất loại pháo này được cấp phép.
Như vậy, việc người dân tự tiện mua pháo nhập lậu để sử dụng là hành vi phạm pháp. Các hành vi vi phạm như: đốt, tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo nổ, pháo hoa nổ sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự được quy định tại các Điều 190, 191, Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm với mức phạt từ 6 tháng đến 15 năm tù.
Tại buổi làm việc với Công an tỉnh mới đây, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã đề nghị, thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Công an tỉnh phải tập trung chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân, làm cho người dân hiểu được thế nào là pháo hoa và pháo hoa nổ để chấp hành đúng pháp luật. |
Trần Danh