Việc lắp camera "phạt nguội" trên các tuyến đường giúp lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến giao thông, góp phần nâng cao ý thức tự giác nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đồng thời giúp cảnh sát giao thông bớt phải xử lý vi phạm tại chỗ.
Việc lắp camera “phạt nguội” trên các tuyến đường giúp lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến giao thông, góp phần nâng cao ý thức tự giác nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đồng thời giúp cảnh sát giao thông bớt phải xử lý vi phạm tại chỗ.
Camera giám sát giao thông trên đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Hải |
Tại Đồng Nai, nhiều năm qua một số địa phương, đơn vị cũng đã triển khai lắp đặt camera trên nhiều tuyến đường trọng điểm, nút giao thông phức tạp.
* Xây dựng hệ thống camera rộng khắp
Vào cuối tháng 5-2014, hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự gồm 58 trụ camera được lắp đặt tại 25 nút giao thông quan trọng và phức tạp trên địa bàn TP.Biên Hòa như: quốc lộ 1, quốc lộ 51 (đoạn qua TP.Biên Hòa), các tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Thị Sáu…
Theo Công an TP.Biên Hòa, ngay khi phát hiện có vi phạm, toàn bộ hình ảnh sẽ được chuyển trực tiếp về Trung tâm Kiểm soát giao thông đặt tại Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an TP.Biên Hòa). Tiếp theo, cán bộ trực tại trung tâm sẽ thông báo qua bộ đàm cho lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông trên đường xử phạt tại chỗ hoặc lập biên bản phạt “nguội” gửi về địa phương nơi chủ xe đăng ký sở hữu phương tiện. Với những trường hợp phương tiện vi phạm ngoài tỉnh, không thuộc thẩm quyền xử lý của Công an TP.Biên Hòa, đơn vị sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh để xử lý.
Cục Cảnh sát giao thông đề xuất Chính phủ nên quy định quá trình xây mới các tuyến quốc lộ, cao tốc Bắc - Nam thì phải lắp đặt hệ thống camera giám sát ngay từ đầu. Yêu cầu đặt ra là ngoài phục vụ xử “phạt nguội” đối với các lỗi vi phạm giao thông thì tất cả camera lắp đặt còn phải được kết nối sử dụng cho nhiều mục đích khác như: phát hiện tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự... Hướng tới việc xây dựng đồng bộ hệ thống camera từ Bộ Công an tới các địa phương, cùng chung một tiêu chuẩn, có thể sử dụng vào nhiều mục đích và nhiều cơ quan, ban, ngành cùng có thể khai thác. |
Đầu năm 2018, Phòng Cảnh sát giao thông đã tiếp nhận, đưa vào hoạt động hệ thống camera giám sát và xử phạt giao thông trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Nai. Tại đây, hệ thống sẽ tự mã hóa biển số xe, chủ sở hữu phương tiện, lỗi vi phạm như: chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lạng lách, lấn tuyến…
Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, hệ thống giám sát được kết nối trực tiếp với Trung tâm Giám sát giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) để trích xuất thông tin những trường hợp xe vi phạm làm căn cứ xử phạt hành chính các lỗi vi phạm. Qua đó, lực lượng chức năng đã “phạt nguội” có hiệu quả các hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Trong khi trên toàn tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hệ thống gồm 16 camera giám sát và 54 camera thăm dò được lắp đặt hiện đại từ năm 2016 đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, chủ yếu là phương tiện đón trả khách, dừng đậu tại các hàng quán tự phát, không duy trì khoảng cách an toàn giữa các phương tiện, chở quá tải…
Mới đây, từ phản ảnh của người dân và thông qua việc trích xuất dữ liệu camera giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt một trường hợp xe đầu kéo đi lùi trên đường cao tốc với số tiền 7 triệu đồng và tước bằng lái của người điều khiển 6 tháng.
* Giảm lực lượng xử phạt trên đường
Ngày 19-2-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; lập đề án đầu tư lắp đặt camera để đáp ứng nhiều mục tiêu gồm: giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông, tiến tới triển khai trên toàn quốc từ năm 2022.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Cục Cảnh sát giao thông đã đề xuất lắp camera “phạt nguội” trên toàn quốc với kỳ vọng đây là “liều thuốc” điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm giao thông đồng thời giúp lực lượng chức năng bớt phải ra đường. Theo đó, Cục Cảnh sát giao thông sẽ lắp đặt 2 loại gồm: camera giám sát an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm trên toàn quốc, bao phủ các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm. Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua, việc lắp đặt camera “phạt nguội” sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2021.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, việc tăng cường “phạt nguội”, hạn chế xử phạt thủ công sẽ đảm bảo được sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì lực lượng chức năng sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay. Từ đó, cảnh sát giao thông tập trung làm nhiệm vụ tuần tra, điều tiết giải quyết tai nạn giao thông.
Ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh cho hay, qua hệ thống camera giám sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông và Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện, xử phạt trực tiếp ngoài đường và gửi thông báo chiếm 80,6% tổng số vụ phát hiện. Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm giao thông được thực hiện quyết liệt, liên tục, việc tăng cường giám sát, xử lý “phạt nguội” qua camera đã mang lại hiệu quả trong phòng ngừa trực tiếp vi phạm và tai nạn giao thông.
Thanh Hải