Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Bộ GT-VT bổ sung nhiều điểm mới. Trong đó có đề xuất người điều khiển xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề về lái xe kinh doanh vận tải. Theo đó, lái xe phải học chuyên sâu và được cấp chứng chỉ hành nghề để phân biệt với lái xe không kinh doanh vận tải.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Bộ GT-VT bổ sung nhiều điểm mới. Trong đó có đề xuất người điều khiển xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề về lái xe kinh doanh vận tải. Theo đó, lái xe phải học chuyên sâu và được cấp chứng chỉ hành nghề để phân biệt với lái xe không kinh doanh vận tải.
Một tài xế taxi ở TP.Biên Hòa lo lắng trước yêu cầu phải có thêm chứng chỉ hành nghề trong hoạt động vận tải. Ảnh: V.Nguyên |
Theo quy định về đào tạo, thi sát hạch lái xe ô tô hiện hành, giấy phép lái xe hạng B1 không tham gia lái xe kinh doanh vận tải, từ hạng B2 trở lên được học thêm môn nghiệp vụ vận tải, sau đó được lái xe kinh doanh. Người học giấy phép lái xe các hạng chỉ là học kỹ năng điều khiển phương tiện phù hợp với hạng xe đó, còn các kỹ năng nghiệp vụ vận tải thì hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
* Thêm thủ tục “kép”
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Bộ GT-VT bổ sung nhiều điểm mới. Tại Điều 103 dự thảo luật quy định, chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chỉ cấp cho người có giấy phép lái xe (các hạng B, C, D…) để lái xe kinh doanh vận tải.
Cụ thể, người có nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định. Nếu đạt yêu cầu thì sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.
Bên cạnh đó, chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp và không còn giá trị sử dụng trong thời gian chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải bị thu hồi hoặc tước quyền sử dụng. Việc kiểm tra để cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe.
Tài xế Đỗ Minh Long (lái xe chở thức ăn chăn nuôi cho một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa) cho biết, khi học và thi sát hạch giấy phép lái xe, người học đã được học về kinh doanh vận tải. Dự thảo luật mới yêu cầu phải có thêm chứng chỉ này thì sẽ thừa khi lái xe phải trải qua 2 lần đào tạo.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hà (chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở H.Trảng Bom) cho hay, doanh nghiệp tham gia vận tải hàng hóa trước khi nhận lái xe vào làm việc đã tổ chức các khóa tập huấn về nghiệp vụ kinh doanh vận tải cho tài xế. Do đó, quy định mới yêu cầu lái xe phải có thêm chứng chỉ này tạo thêm “gánh nặng” về thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp.
“Mỗi doanh nghiệp sẽ có tiêu chuẩn của một người lái xe riêng. Nếu đào tạo tại các trường xong nhưng tài xế vẫn phải học một khóa khác tại các đơn vị sử dụng lao động rồi phải cấp thêm chứng chỉ theo đúng quy định thì mất thời gian tài xế cũng như doanh nghiệp” - ông Hà nói.
* Thuận lợi hơn trong quản lý
Theo Bộ GT-VT, kinh doanh vận tải là ngành nghề có điều kiện, nhất là điều kiện về phương tiện và người lái, nên sẽ phải có giấy phép hành nghề. Quy định hiện nay đối với lái xe kinh doanh vận tải là chỉ cần bằng lái từ hạng B2 trở lên và được tập huấn vận tải. Thực tế đã bộc lộ lỗ hổng là mới chỉ cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp mà chưa có giấy phép hành nghề cho lái xe. Người học bằng lái các hạng chỉ là học kỹ năng điều khiển phương tiện phù hợp với hạng xe đó, còn các kỹ năng nghiệp vụ vận tải thì hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
Để lấp lỗ hổng đó, Bộ GT-VT cho rằng cần tăng cường quản lý bằng việc cấp giấy phép hành nghề để phân biệt rõ lái xe cá nhân và lái xe kinh doanh vận tải. Ngoài ra, kinh doanh vận tải yêu cầu điều kiện khó hơn và phức tạp hơn rất nhiều so với lái xe cá nhân thông thường như về thời gian lái xe trên đường nhiều hơn, chở nhiều người hơn, cần có một số kỹ năng và nghiệp vụ riêng.
Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam lý giải, muốn có giấy phép kinh doanh vận tải, lái xe phải học các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh vận tải, nghiệp vụ vận tải, quy trình đảm bảo an toàn giao thông. Các nội dung này không chỉ doanh nghiệp thực hiện mà còn gắn chặt với người điều khiển phương tiện. Giấy chứng chỉ hành nghề sẽ do cơ quan có thẩm quyền cấp cùng với cơ sở dữ liệu quản lý người lái sẽ theo dõi được suốt vòng đời của người lái xe.
Quy định mới cho phép học ở tất cả các hạng lái xe, khi nào người học muốn lái xe kinh doanh vận tải sẽ được học chương trình riêng và được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải chỉ tước chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải mà không ảnh hưởng đến giấy phép lái xe và vẫn được lái xe cá nhân.
Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện Sở GT-VT cho biết, trước những thay đổi, quy định mới liên quan đến lĩnh vực vận tải, Sở GT-VT đã có đề nghị với Sở LĐ-TBXH bổ sung một số nội dung đào tạo về chứng chỉ, bằng cấp kinh doanh vận tải tại các các cơ sở, trường dạy nghề trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, lái xe được đào tạo, cấp chứng chỉ, bằng cấp về kinh doanh vận tải để đáp ứng tốt công việc.
Trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GT-VT đề xuất Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải; đồng thời, Chính phủ cũng quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. |
Võ Nguyên