Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 770/QĐ-TTg ngày 5-6-2020 phê duyệt Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam, trong đó nêu rõ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam là tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội; không vì mục đích lợi nhuận.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 770/QĐ-TTg ngày 5-6-2020 phê duyệt Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam, trong đó nêu rõ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam là tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội; không vì mục đích lợi nhuận.
Luật sư Cao Sơn Hà (bìa phải, Hội Luật gia tỉnh) phát tài liệu truyên truyền pháp luật cho người dân xã Suối Cao (H.Xuân Lộc). Ảnh: Đ.Phú |
* Tập hợp, đoàn kết các luật gia
Ông Phan Văn Châu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, theo Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tôn chỉ, mục đích của Hội Luật gia Việt Nam là tập hợp, đoàn kết các luật gia đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tự nguyện hoạt động nhằm góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, xây dựng nền khoa học, pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngoài ra, Hội Luật gia Việt Nam còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; tham gia và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức luật gia trên thế giới và các tổ chức khác theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước vì mục đích chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Theo Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam, thẻ hội viên do Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cấp cho hội viên trong phạm vi toàn quốc và bị thu hồi trong những trường hợp sau: hội viên bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Hội; hội viên có quyết định cho ra khỏi Hội; hội viên không tham gia sinh hoạt, không đóng hội phí liên tục từ 2 năm trở lên. |
Theo Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam có các quyền sau: tuyên truyền rộng rãi tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của Hội. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Hội và lĩnh vực hoạt động của Hội; về xây dựng và thi hành pháp luật và những vấn đề khác có liên quan.
Ngoài ra, Hội Luật gia Việt Nam còn có quyền phản ánh tâm tư nguyện vọng của giới luật gia Việt Nam với Đảng, Nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; động viên tinh thần và quan tâm đến lợi ích của hội viên; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
Hội Luật gia Việt Nam cũng có quyền cung cấp dịch vụ về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật; thành lập tổ chức, đơn vị thuộc Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội; được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật.
* Luật gia không được nhân danh Hội Luật gia Việt Nam trong các quan hệ giao dịch...
Cũng theo ông Phan Văn Châu, tiêu chuẩn được kết nạp là hội viên Hội Luật gia Việt Nam được quy định như sau: Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành khác nhưng có thời gian làm công tác pháp luật từ 3 năm trở lên, tán thành Điều lệ Hội đều có thể được gia nhập Hội.
Công dân Việt Nam không có điều kiện hoặc không đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức, tán thành Điều lệ Hội, có công đóng góp cho Hội và tự nguyện xin gia nhập Hội có thể được công nhận là hội viên danh dự của Hội. Hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức của Hội, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hội và quyền bầu cử, ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo Hội, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội.
“Nhiệm vụ của hội viên được quy định rõ tại Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam như sau: Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ, quy định của Hội. Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hội; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để xây dựng Hội phát triển vững mạnh. Bảo vệ uy tín của Hội. Đặc biệt, luật gia không được nhân danh Hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được lãnh đạo Hội phân công bằng văn bản” - ông Phan Văn Châu nhấn mạnh.
Theo đó, khi tham gia là hội viên Hội Luật gia Việt Nam sẽ có các quyền sau: được cấp thẻ hội viên; được cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội, được tham gia các hoạt động do Hội tổ chức; được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp; tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của Hội theo quy định của Hội; dự đại hội, ứng cử, đề cử, bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo Hội, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội theo quy định của điều lệ này...
Đoàn Phú