Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh được kiềm chế giảm về cả số vụ lẫn số người chết so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, chỉ trong một vụ cháy phương tiện đường thủy đã làm 3 người chết.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh được kiềm chế giảm về cả số vụ lẫn số người chết so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, chỉ trong một vụ cháy phương tiện đường thủy đã làm 3 người chết.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh tham gia chữa cháy tàu chở xăng LA-073.86 ngày 23-3. Ảnh: CTV |
Theo các cơ quan chức năng, trong những năm qua, dù số vụ cháy, nổ phương tiện giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh xảy ra không nhiều nhưng đều gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Qua đó cho thấy, nguy cơ cháy, nổ ở các phương tiện đường thủy vẫn luôn tiềm ẩn.
* Hậu quả lớn
Gần nhất là vào chiều tối 23-3, tàu chở xăng LA-073.86 đang di chuyển trên sông Đồng Nai, đoạn qua bến cảng ICD (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, P.An Bình, TP.Biên Hòa) thì bốc cháy dữ dội, làm 3 người thiệt mạng. Trước đó, vào ngày 4-5-2014, tàu Sông Tiền 26 cũng cháy lớn trên sông Đồng Nai (thuộc P.An Bình) làm 2 người thiệt mạng và 2 người bị thương.
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, qua điều tra, xử lý các vụ cháy, nổ tàu, thuyền xảy ra trên địa bàn tỉnh cho thấy, nguyên nhân chính của các vụ cháy là do người hoạt động trên tàu còn thiếu kiến thức an toàn về PCCC và chủ quan trong phòng chống cháy, nổ. Cụ thể là hút thuốc, nấu ăn gần các nơi dễ cháy, nổ, chứa nhiên liệu; không cử người trực trên tàu; sử dụng điện không đảm bảo quy định an toàn cháy, nổ...
Để đảm bảo an toàn PCCC cho các phương tiện đường thủy, từ đầu năm 2020, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã được trang bị thêm 3 ca nô giúp tăng cường hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở môi trường sông nước. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn giao thông và PCCC; mở các lớp tập huấn, hướng dẫn xử lý tình huống cháy, nổ, cách thức báo tin, định vị phương tiện vì phương tiện di chuyển trên sông nước... |
Không chỉ vậy, qua quá trình kiểm tra liên ngành, điều tra vụ cháy, lực lượng chức năng nhận thấy nhiều chủ tàu, thuyền trưởng còn chủ quan hoặc muốn cắt giảm chi phí nên chưa đầu tư, bảo dưỡng tốt các phương tiện PCCC.
Bên cạnh đó, nhiều phương tiện có kích thước nhỏ (dài dưới 20m) theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 72: 2013/BGTVT (về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa do Bộ GT-VT ban hành ngày 31-12-2013) là không cần trang bị hệ thống chữa cháy cố định mà chỉ cần có máy bơm, bình chữa cháy xách tay, nên nhiều chủ phương tiện cũng “lơ” luôn.
Ông T.V.Q. (chủ một phương tiện vận tải hành khách trên sông Cái) cho hay: “Nhiều người điều khiển phương tiện nhỏ như chúng tôi đôi khi không để ý tới các quy định về PCCC. Tôi cho rằng cơ quan chức năng nên có các đợt tập huấn cho các chủ làng bè, làng chài, các chủ phương tiện cỡ nhỏ để chúng tôi hiểu hơn”.
* Không chủ quan với cháy, nổ dù ở trên sông nước
Thiếu tá Phạm Đức Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh giải thích: “Tàu, thuyền, sà lan... di chuyển, neo đậu trên sông, kênh rạch luôn là nơi có gió, không bị che chắn nên khi xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ lan nhanh, dễ mất kiểm soát và gây cháy lớn. Bên cạnh đó, các phương tiện đường thủy di chuyển, neo đậu trên sông nước, khi xảy ra cháy, nổ, lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để tiếp cận chữa cháy nên hậu quả thường rất nghiêm trọng”.
Ngoài ra, chính lượng nhiên liệu chứa trong các phương tiện đường thủy cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ cháy, nổ tàu, thuyền thường rất lớn. Vì khi phương tiện gặp sự cố (chìm, cháy, nổ), nhiên liệu rất dễ tràn ra ngoài sông, kênh; nếu gặp lửa sẽ nhanh chóng bùng cháy lớn. Việc xử lý, thấm hút các loại xăng, dầu khi phương tiện đường thủy xảy ra sự cố tốn nhiều thời gian và công sức.
Cụ thể như ngày 21-6-2018, lực lượng cảnh sát PCCC của tỉnh đã phối hợp với các lực lượng cảnh sát giao thông, Cảng vụ Đồng Nai... mất gần 7 giờ để quây phao, thấm hút lượng dầu loang trên sông Đồng Tranh (một nhánh thuộc sông Đồng Nai) do một thuyền vận tải gặp sự cố khi đi qua đây. Hay tối 30-11-2016, một sà lan chìm làm tràn khoảng 100 lít dầu ra khu vực sông Đồng Nai (đoạn qua P.An Bình, TP.Biên Hòa) khiến lực lượng chức năng phải mất hơn 1 ngày để xử lý...
Trung tá Lê Trí Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết: “Nguy cơ dễ dẫn tới cháy, nổ còn đến từ các nguồn nhiệt, nguồn điện trên phương tiện giao thông đường thủy. Nhiều phương tiện còn chở theo bếp, tủ lạnh, máy phát điện chạy dầu... để sử dụng. Bên cạnh đó, không gian trên các phương tiện này không lớn nên vật dụng, hàng hóa, thiết bị dùng điện thường để gần nhau, chồng chéo lên nhau dễ gây chập cháy”.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cảnh báo, sự cố cháy, nổ trên các phương tiện đường thủy thường xảy ra rất nhanh nên ngay cả các phương tiện gần đó, dù thấy nhưng cũng rất khó tiếp cận và hỗ trợ để chữa cháy. Vì vậy, nhân viên, thuyền viên cần phải tăng cường cảnh giác nguy cơ cháy, nổ, chấp hành đầy đủ các quy định an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong quá trình làm việc.
Đăng Tùng