Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt quản lý dịch vụ cầm đồ

10:07, 22/07/2020

Thời gian gần đây, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phát triển mạnh, trong đó có nhiều cửa hàng cầm đồ hoạt động "biến tướng" nảy sinh nhiều yếu tố pháp lý phức tạp. Người cầm đồ luôn đối mặt với nguy cơ rủi ro bị mất tài sản vì phải trả lãi quá cao, không có tiền chuộc lại.

Thời gian gần đây, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phát triển mạnh, trong đó có nhiều cửa hàng cầm đồ hoạt động “biến tướng” nảy sinh nhiều yếu tố pháp lý phức tạp. Người cầm đồ luôn đối mặt với nguy cơ rủi ro bị mất tài sản vì phải trả lãi quá cao, không có tiền chuộc lại.

Trên đường Bùi Văn Hòa (đoạn qua chợ K8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) có rất nhiều tiệm cầm đồ “mọc” lên. Ảnh: V.Nguyên
Trên đường Bùi Văn Hòa (đoạn qua chợ K8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) có rất nhiều tiệm cầm đồ “mọc” lên. Ảnh: V.Nguyên

* Vay dễ, trả khó

Trên địa bàn tỉnh, loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ hiện phát triển rất đa dạng. Chỉ riêng tại TP.Biên Hòa, trên các tuyến phố, con hẻm, các khu vực dân cư dễ dàng bắt gặp những biển hiệu bắt mắt mang dòng chữ cầm đồ uy tín, lãi suất thấp, thủ tục đơn giản… Các mặt hàng đem đến cầm cố hết sức đa dạng từ điện thoại di động, máy tính xách tay cho đến xe máy, ô tô, giấy tờ nhà đất...

Nhiều người tìm đến đây cầm cố tài sản lấy “tín dụng” tạm thời để giải quyết công việc cá nhân. Không ít trường hợp quá hạn trả mà người vay không có đủ cả vốn lẫn lãi, chủ cửa hiệu cầm đồ sẽ tính lãi với mức cao hơn nhiều. Đến khi không có khả năng trả nợ để “chuộc” lại tài sản thì coi như bị mất trắng. Điều đáng nói, những giao kèo, ký kết hợp đồng giữa hai bên chỉ là thỏa thuận, có khi thủ tục rất đơn giản, chỉ là một tờ giấy viết tay nên khi gặp chuyện nhiều người lâm cảnh “thiệt đơn thiệt kép”.

Theo Công an TP.Biên Hòa, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1,1 ngàn cơ sở kinh doanh có điều kiện. Riêng dịch vụ cầm đồ có gần 400 tiệm đang hoạt động. Nhiều vụ án liên quan đến trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra có sự che giấu, tiếp tay và không tố giác tội phạm của một số chủ hiệu cầm đồ.

Ông Đ.N.L. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc kinh doanh của ông không thuận lợi. Giữa tháng 4-2020, ông mang chiếc xe ô tô 7 chỗ đến một tiệm cầm đồ trên đường Bùi Văn Hòa thuộc P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cầm cố với lãi suất 350 ngàn đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày với thời hạn 45 ngày. Hết thời gian này, ông vẫn không xoay được tiền nên tiếp tục cầm tài sản trên, tiền lãi tăng lên 500 ngàn đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày.

Đến thời điểm hiện tại, cả tiền lãi lẫn gốc đi vay vượt quá khả năng chi trả nên ông bị tiệm cầm đồ “siết” tài sản. Chiếc xe ô tô giá trị gần 1 tỷ đồng được chuyển sang tay cho chủ tiệm. Dù bị mất tài sản, nhưng ông L. đành ngậm ngùi chấp nhận vì đã xoay xở khắp nơi cũng không kiếm đủ số tiền để trả nợ.

Ông L.Đ.Đ. (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết, bản thân cũng gặp hoàn cảnh tương tự khi tìm đến các tiệm cầm đồ “thế chấp” tài sản. Tháng 5-2020, ông Đ. mang giấy tờ nhà đất đến một tiệm cầm đồ gần nhà để vay tiền. Do số tiền vay lớn và tài sản có giá trị nên ông phải làm giấy xác nhận chuyển chủ sở hữu mảnh đất cho chủ tiệm cầm đồ đề phòng trường hợp không thanh toán tiền đúng thời hạn.

“Tôi trễ hạn đóng nợ 5 ngày nên chủ tiệm không đồng ý, buộc phải sang nhượng miếng đất cho họ. Nhiều lần tìm cách giải quyết để chuộc lại nhưng không được, bởi lúc vay tiền tôi đã đồng ý sang nhượng phần đất trên. Nhiều chủ hiệu cầm đồ thường đưa ra lãi suất cao hoặc hạ giá tài sản cầm cố nên nếu không đủ khả năng trả nợ thì dễ bị mất tài sản” - ông Đ. nói.

* Cẩn trọng khi cầm cố tài sản

Theo luật sư Lê Văn Nhân, Đoàn Luật sư Đồng Nai, cầm cố hay cầm đồ tài sản là một giải pháp tài chính có hợp đồng và có kỳ hạn, qua việc thế chấp tài sản để nhận tiền mặt. Khi cầm đồ, quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó vẫn thuộc người đi cầm đồ. Đến kỳ hạn thanh toán, người đi cầm đồ phải trả cho chủ nợ cả vốn và lãi để chuộc lại tài sản của mình, nếu không, tài sản sẽ thuộc về người nhận cầm đồ.

Khách hàng đến “thế chấp” tài sản vay tiền tại một tiệm cầm đồ ở P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa)
Khách hàng đến “thế chấp” tài sản vay tiền tại một tiệm cầm đồ ở P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa)

Thực chất, hoạt động này là một dạng của “tín dụng đen”. Do lãi suất cao nên chỉ sau một thời gian ngắn số tiền lãi của những người đi cầm cố phải trả đã bằng trị giá của tài sản thế chấp. Không có tiền trả lãi, đương nhiên người vay tiền phải chấp nhận mất tài sản. Trong khi việc ký kết hợp đồng giữa hai bên chỉ là thỏa thuận, thủ tục rất đơn giản và thường không thể hiện trên hợp đồng nên khi xảy ra sự cố, người đi cầm tài sản dễ bị thiệt thòi nhất.

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó, đối với những tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy sở hữu. Cơ sở kinh doanh phải giữ lại bản chính của các loại giấy đó trong thời gian cầm cố tài sản. Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015…

Trường hợp cơ sở cầm đồ vi phạm sẽ được áp dụng chế tài xử lý hành chính được quy định tại Điều 11 Nghị định 167/2013 ngày 12-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. Nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay bị phạt 5-15 triệu đồng; phạt 20-30 triệu đồng khi cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có. Hành vi cho vay lãi nặng (lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015) còn có thể cấu thành tội phạm hình sự với mức hình phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Nhân nhấn mạnh, nhằm tránh những “biến tướng” liên quan đến dịch vụ này, người dân đi cầm đồ để vay tiền cần cẩn trọng trong khi làm hợp đồng. Các ngành chức năng cũng tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các tiệm cầm đồ vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh.          

Võ Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Kết quả XSMB chủ nhật hàng tuần