Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành vi phá rừng, săn bắt động vật rừng có thể bị xử lý hình sự

09:07, 19/07/2020

Luật Lâm nghiệp năm 2017 nghiêm cấm hành vi chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng; hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng...

Luật Lâm nghiệp năm 2017 nghiêm cấm hành vi chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng; hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng...

Lực lượng chức năng lấy mẫu đuôi và chân bò tót tại Vườn quốc gia Cát Tiên bị sát hại để đưa đi giám định làm cơ sở điều tra vụ án. Ảnh: Bích Liên
Lực lượng chức năng lấy mẫu đuôi và chân bò tót tại Vườn quốc gia Cát Tiên bị sát hại để đưa đi giám định làm cơ sở điều tra vụ án. Ảnh: Bích Liên

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết, rừng là tài nguyên, lá phổi xanh của quốc gia. Mọi hành vi xâm hại, hủy hoại, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật rừng... không chỉ bị dư luận lên án mà còn bị pháp luật chế tài nghiêm khắc.

* Cấm gây hại cho rừng

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng. Gần nhất vào ngày 13 và 14-7, Tổ Tuần tra cơ động số 3, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) trong lúc tuần tra tại khu vực Núi Tượng phát hiện 1 cá thể bò tót nặng khoảng 200kg bị sát hại và xẻ thịt. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh và huyện đang phối hợp điều tra, truy bắt thủ phạm.

Liên quan đến các vụ việc sát hại cá thể bò tót, trước đó, vào tháng 2-2016, một con bò tót đực nặng khoảng 200kg sinh sống trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu) cũng bị bắn chết và xẻ thịt. Qua điều tra, cơ quan công an đã bắt giữ 3 nghi can L.N.A.H., L.T.S., L.M.T. (đều ngụ tại xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu).

Sau đó, 3 đối tượng trên đã bị TAND H.Vĩnh Cửu tuyên xử về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Mức hình phạt dành cho H. về 2 tội danh trên là 5 năm tù giam; S.1 năm tù, T. 9 tháng tù.      

Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Vườn quốc gia Cát Tiên, hiện tại các khu vực rừng do 2 đơn vị này quản lý có khoảng 110 cá thể bò tót. Bò tót là động vật được xếp vào nhóm 1B (nhóm động vật quý hiếm, cần được bảo tồn nghiêm ngặt). Do đó, hành vi sát hại động vật rừng và xâm hại rừng là vi phạm pháp luật luôn được các đơn vị chú trọng tuyên truyền để người dân biết và phối hợp ngăn chặn.

* Chế tài xử lý nghiêm

Luật sư Nguyễn Đức cho hay, các hành vi xâm hại rừng, động vật rừng tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt hành chính hay hình sự. Luật Lâm nghiệp năm 2017 nghiêm cấm các hành vi trong hoạt động lâm nghiệp như: chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật. Đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng.

Đồng thời, pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật;  hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng; vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng...

Theo luật sư Nguyễn Đức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp bị xử phạt hành chính tới 500 triệu đồng, tổ chức vi phạm thì bị phạt tới 1 tỷ đồng. Mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính...

“Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật; buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính...” - luật sư Nguyễn Đức nói.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, khi hành vi xâm hại rừng, thú rừng cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) thì hành vi đó nếu thuộc tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (Điều 232) thì cá nhân bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù giam đến 10 năm. Cá nhân phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 12 năm.

“Người có hành vi hủy hoại rừng, săn bẫy động vật rừng, giết thú rừng ngoài bị pháp luật xử lý nghiêm còn bị dư luận và xã hội lên án, cho dù họ biện minh cho hành vi của mình xuất phát do nghèo khó, không hiểu biết pháp luật, lạc hậu” - luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều