Hằng năm, những đối tượng phải thi hành án treo, cải tạo không giam giữ vẫn được giao về cho địa phương quản lý, giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế việc giám sát, theo dõi những đối tượng này của các cấp chính quyền chưa thực sự chặt chẽ.
Hằng năm, những đối tượng phải thi hành án treo, cải tạo không giam giữ vẫn được giao về cho địa phương quản lý, giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế việc giám sát, theo dõi những đối tượng này của các cấp chính quyền chưa thực sự chặt chẽ.
Việc quản lý tốt các đối tượng thi hành án treo, có tiền án tiền sự sẽ góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Trong ảnh: Cán bộ Công an huyện Long Thành làm việc với nghi can trong một vụ án xảy ra tại địa phương (hình minh họa). Ảnh: T. Danh |
Việc giao phó cho các đoàn thể quản lý, giám sát đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ nhưng thiếu kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng đang là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết.
* Án treo “treo” cho đoàn thể
Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, theo quy định sau khi bản án có hiệu lực những người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ được bàn giao về cho chính quyền địa phương để quản lý, giám sát và giáo dục. Mục đích của việc giám sát, theo dõi, giáo dục là để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thái độ chấp hành án của người chấp hành án, từ đó có biện pháp động viên, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của Cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh đang quản lý 821 đối tượng thi hành án treo và cải tạo không giam giữ (trong đó án treo 733 đối tượng, cải tạo không giam giữ 88 đối tượng), trong số này có 11 trường hợp tái phạm tội. |
Cũng theo Công an tỉnh, hiện nay, hoạt động giám sát, theo dõi người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ vẫn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, nhưng thực tế còn nhiều bất cập. Công tác này được giao cho các đoàn thể ở địa phương quản lý. Trong khi đó, những cán bộ, cá nhân trong các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… có thực sự làm hết trách nhiệm hay chỉ là đối phó thì chưa thực sự được kiểm soát.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Hoa, Phó trưởng Công an huyện Long Thành cho biết, việc nhận xét, đánh giá thái độ chấp hành án đối với đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ cơ bản được thực hiện theo đúng thời gian, nội dung quy định. Tuy nhiên, một số đoàn thể nhận xét chưa đúng theo yêu cầu, còn sơ sài, nhật xét chỉ mang tính hình thức. Một số trường hợp chấp hành án treo có ý thức chấp hành kém, thậm chí có trường hợp tái phạm tội.
Không những thế, theo các cơ quan chức năng, việc cấp kinh phí cho các hoạt động này lại không có nên chế tài xử lý đối với những trường hợp không làm hết trách nhiệm, để người thi hành án tái phạm tội vẫn phải bỏ trống. Thực tế này đang tạo ra những lỗ hổng trong công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ.
Chủ tịch UBND xã Phú Vinh (huyện Định Quán) Huỳnh Văn Nghĩa cho biết, sau khi tiếp nhận đối tượng chấp hành án, địa phương xem xét và phân công cho đại điện các đoàn thể để theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, đây phần lớn là những đối tượng cá biệt nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chế độ cho những người giám sát không có nên việc tiếp cận, giáo dục chưa thực sự có hiệu quả cao.
* Phải xác định đây là tội phạm để quản lý chặt chẽ
Theo quy định 3 tháng/lần, người được giao giám sát, giáo dục yêu cầu người chấp hành án phải đến trụ sở UBND xã, phường, thị trấn để trình diện và viết bản tự nhận xét quá trình chấp hành án của mình. Đồng thời, người trực tiếp giám sát, giáo dục phải viết bản nhận xét chấp hành án đối với người chấp hành án để báo cáo cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn biết để chỉ đạo. Tuy nhiên, hoạt động này có nơi còn buông lỏng, mang tính hình thức, chưa thực sự đi vào thực chất.
Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Tiến Ngọc cho biết, công tác quản lý các đối tượng chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ có nơi chưa thực hiện tốt, quản lý giám sát còn lỏng lẻo. Trong khi đó, cán bộ nhiệt tình không được ghi nhận hay cán bộ không nhiệt tình để đối tượng tái phạm thì cũng chưa có chế tài xử lý.
Thượng tá Trần Văn Trường, Phó Công an huyện Định Quán kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với những người được phân công quản lý, giám sát, giáo dục các đối tượng được hưởng án treo. Vì hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về việc hỗ trợ kinh phí, chế độ cho cán bộ được phân công quản lý, giám sát, giáo dục những đối tượng này. Trong khi đó, đây là những người có vai trò rất quan trọng trong hoạt động giám sát, giáo dục những người chấp hành án tại địa phương.
Mới đây, tại buổi giám sát của HĐND tỉnh về công tác quản lý, giám sát người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ trên địa bàn tỉnh, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Lưu Thị Hà cho rằng, việc quản lý đối tượng chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn phải có trách nhiệm quản lý theo dõi. Khi có quyết định thì cả chủ tịch và công an xã phải cùng có mặt để bàn giao cho người theo dõi. Nếu trong 2 lần mà đối tượng không thực hiện nghĩa vụ chấp hành án thì sẽ kiến nghị chuyển thành án giam. Phải làm cho những người được chấp hành án thấy được nghĩa vụ của mình.
Trước những tồn tại bất cập này, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, phải xác định những người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ là tội phạm, nếu không quản lý tốt sẽ gây những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Đối với chính quyền địa phương cần phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp để tìm giải pháp trong việc quản lý, giám sát đối với công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ. Khi gặp những trường hợp khó khăn, vướng mắc thì chính quyền các cấp phải kịp thời kiến nghị cho cơ quan có thẩm quyền để có những giải pháp phù hợp. Có như vậy mới góp phần đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Trần Danh