Thời gian vừa qua, tình trạng đánh nhau gây thương tích trên địa bàn tỉnh diễn ra không ít và phức tạp. Điều này không chỉ xâm phạm đến nhân thân được pháp luật bảo vệ mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự chung.
Thời gian vừa qua, tình trạng đánh nhau gây thương tích trên địa bàn tỉnh diễn ra không ít và phức tạp. Điều này không chỉ xâm phạm đến nhân thân được pháp luật bảo vệ mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự chung.
Một số hung khí các nhóm chuẩn bị đi đánh nhau được Công an TP.Biên Hòa thu giữ. Ảnh: T. Tâm |
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 9 tháng của năm 2019, toàn tỉnh xảy ra hơn 150 vụ cố ý gây thương tích, giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, các vụ ẩu đả gây thương tích thường có tính chất phức tạp hơn với nhiều vụ sử dụng hung khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn.
* Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực
Theo công an các địa phương, hầu hết các vụ cố ý gây thương tích đều xuất phát từ việc ăn nhậu, gây mâu thuẫn, hiềm khích nhau rồi rủ rê bạn bè sử dụng hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho đối phương.
Theo Công an tỉnh, để ngăn ngừa giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, công an các địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm tra số nhân khẩu tạm trú, nhất là địa bàn có nhiều khu nhà trọ; hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: karaoke, bar, nhà hàng, quán nhậu… Qua đó kịp thời chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhằm hạn chế những nguyên nhân, điều kiện gây nên tình trạng đánh nhau sau những cuộc nhậu. |
Điển hình như vào cuối tháng 4-2019, Hoàng Thành Tùng (25 tuổi, quê tỉnh Lạng Sơn) cùng 3 người bạn hát tại quán karaoke H.B (phường Hóa An, TP.Biên Hòa). Trong lúc đi vệ sinh thì Tùng gặp 2 anh Phạm Quốc Thắng (30 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất) và Võ Văn Tiến (26 tuổi, ngụ phường Hóa An). Cho rằng 2 anh Tiến và Thắng nhìn “đểu” mình nên Tùng đã rủ đồng bọn dùng gậy sắt đánh Thắng và Tiến gây thương tích nặng. Ngay sau đó, Công an TP.Biên Hòa đã bắt giữ Tùng cùng đồng bọn để xử lý hình sự.
Thậm chí có những vụ việc, sau khi cơ quan công an khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích, nhưng sau một thời gian điều tra, xác định hành vi của đối tượng có tính chất nghiêm trọng nên đã thay đổi quyết định khởi tố về hành vi giết người để răn đe và xử lý nghiêm các đối tượng có “máu côn đồ”.
Cụ thể như giữa năm 2019, do mâu thuẫn cá nhân trong sinh hoạt nên Lê Văn Mạnh (37 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) dùng dao tự chế chém 2 anh Trần Hữu Nghĩa (28 tuổi) và Trần Đức Tình (26 tuổi), cùng ngụ xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) bị đứt gân tay. Công an huyện đã khởi tố Mạnh về hành vi cố ý gây thương tích. Nhưng đến cuối tháng 9-2019, Công an huyện Vĩnh Cửu đã thay đổi quyết định khởi tố bị can Mạnh từ hành vi cố ý gây thương tích thành giết người và chuyển lên Công an tỉnh để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Nổi lên trong thời gian qua vẫn còn những vụ án cố ý gây thương tích do mâu thuẫn gia đình, trong đó chủ yếu là tình trạng chồng bạo hành vợ. Đơn cử như vào ngày 18-9, tại xã Cẩm Đường (huyện Long Thành), do trong quá trình sinh sống vợ chồng xảy ra mâu thuẫn nên Vũ Văn Phong (56 tuổi, ngụ xã Cẩm Đường) đã dùng dao chém nhiều nhát vào người vợ là bà H.T.L. (41 tuổi) gây thương tích nặng. Ngay sau đó, Công an huyện Long Thành đã bắt giữ Phong để xử lý.
* Cần giải quyết sớm mâu thuẫn từ cơ sở
Trung tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy Công an huyện Vĩnh Cửu cho biết, các vụ cố ý gây thương tích xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: mâu thuẫn do lời qua tiếng lại trên bàn nhậu dẫn đến đánh nhau; xô xát do tranh chấp đất đai, tranh chấp trong làm ăn, mâu thuẫn trong sinh hoạt, bạo lực gia đình...
Theo Trung tá Đức, hầu hết các vụ cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu diễn ra ở các khu nhà trọ có đông công nhân lao động sinh sống. Một phần là do dân nhập cư đến thuê trọ mang theo phong tục tập quán, lối sống khác nhau, phần nữa là do một số người dân thiếu hiểu biết và nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Điều này dễ phát sinh những những va chạm trong đời sống chung và thường giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Trung tá Đoàn Khả Hưng, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Thống Nhất thì cho rằng, hiện nay, trong một số vụ cố ý gây thương tích, nhiều đối tượng thường manh động và kéo bè kết nhóm để giải quyết mâu thuẫn, nhất là trong giới trẻ; một số trường hợp đánh nhau gây thương tích giữa những người thân trong gia đình...
Do đó, để ngăn ngừa giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, Trung tá Đoàn Khả Hưng cho rằng cần phải sớm phát hiện, giải quyết mâu thuẫn từ cơ sở. Trong đó, đòi hỏi các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương phải đi sát với đời sống nhân dân để sớm phát hiện và giải quyết mâu thuẫn bằng công tác hòa giải từ cơ sở. Mặt khác, để phòng ngừa bạo lực trong giới trẻ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường trong các trường học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh từ trong gia đình, nhà trường để các em có cách hành xử đúng đắn, phòng tránh được những mâu thuẫn dẫn đến xô xát, bạo lực.
Tố Tâm