Báo Đồng Nai điện tử
En

"Bóng cười" được quản lý như thế nào?

10:09, 29/09/2018

Trước thực trạng thanh thiếu niên vô tư sử dụng "bóng cười" ở một số tỉnh, thành trong cả nước như một thú tiêu khiển, dư luận đặt ra vấn đề kinh doanh, sử dụng "bóng cười" có vi phạm pháp luật hay không?

Trước thực trạng thanh thiếu niên vô tư sử dụng “bóng cười” ở một số tỉnh, thành trong cả nước như một thú tiêu khiển, dư luận đặt ra vấn đề kinh doanh, sử dụng “bóng cười” có vi phạm pháp luật hay không?

“Bóng cười” là dụng cụ chứa khí cười (N2O) có tên khoa học là Nitrous Oxide. Khí cười được quy định là một trong các loại hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh, cụ thể là được liệt vào mục số 120 thuộc phụ lục II, Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 9-10-2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Theo đó, các chất quy định tại Phụ lục II đều là: “Hóa chất nguy hiểm cần được kiểm soát đặc biệt về kỹ thuật an toàn, phạm vi, loại hình, quy mô, thời hạn sản xuất, kinh doanh để bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe con người, tài sản, môi trường”.

Như vậy, việc sản xuất, kinh doanh khí cười cũng phải đảm bảo các quy định của pháp luật. Điểm b, Khoản 2, Điều 15, Luật Hóa chất 2007 quy định việc động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Điều 43 Luật Hóa chất 2007 quy định: tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải khai báo hóa chất với Bộ Công thương; tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải khai báo hóa chất với cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động hóa chất của UBND cấp tỉnh.

Luật pháp nước ta hiện nay không cấm các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh khí cười nhưng việc sản xuất, kinh doanh phải được đăng ký ngành nghề có điều kiện, có giấy phép kinh doanh và tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về thủ tục pháp lý cũng như quy định về an toàn.

Luật gia Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết theo Công ước quốc tế về ma túy, chất N2O được bơm trong “bóng cười” chưa xếp vào danh mục tiền chất hay chất gây nghiện tương tự ma túy, cho nên việc xử lý là chưa có quy định. Song trên thực tế, việc sử dụng loại khí này cũng có thể gây ảo giác, có dấu hiệu tương tự sử dụng ma túy tổng hợp, việc hít bóng cười hay khí cười ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất nếu lạm dụng là dẫn tới trầm cảm hoặc thiệt mạng. Hiện nay, khí cười được tiêu dùng như một loại chất kích thích, đựng trong bóng bay để tạo cảm giác hưng phấn, thường được cung cấp tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke. Đây là mục đích sử dụng không được ủng hộ, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn của Chính phủ điều chỉnh hiện tượng này.

Tuy nhiên, một số địa phương như Hà Nội đã có động thái cấm và xử phạt hành chính các hành vi sử dụng khí cười với mục đích tiêu khiển.

N2O còn gọi là khí cười bởi vì nó có thể gây cảm giác hưng cảm (Euphoria); Khi Beddoes đầu tiên chế tạo thiết bị thở N2O  vào năm 1794 để chữa các bệnh phổi thì tình cờ phát hiện có tính chất gây phấn chấn và muốn cười. Do đó khí này được gọi là Laughing Gas. Năm 1799 giới quý tộc ở Anh quốc sử dụng tính chất này của N2O  cho mục đích giải trí, vui chơi.

Mặc dù được quảng cáo rằng loại “bóng cười” này không gây bất kỳ một ảnh hưởng bất lợi nào, nhưng các chuyên gia y tế thế giới cảnh báo nếu lạm dụng chất N2O rất dễ dẫn tới co giật, ngất, mất kiểm soát, trầm cảm. Ngay cả nếu sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác. Đặc biệt những người mắc bệnh hen suyễn và tim mạch và những bệnh liên quan đến đường hô hấp không được sử dụng hoặc tiếp xúc với khí N2O, bởi sẽ nguy hiểm thậm chí dẫn đến ngừng thở. Vì khí này giống như ma túy và cocain dạng nhẹ, tạo sự phấn khích, gây ảo giác và đáng sợ hơn N2O cũng gây nghiện như mọi loại ma túy khác.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều