Trong thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh liên tục kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển heo không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn...
Trong thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh liên tục kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển heo không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Công an TP.Biên Hòa phát hiện một cơ sở giết mổ heo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại phường Long Bình. |
Mới nhất là vào chiều 21-9, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gồm: Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai và Công an phường Long Bình (TP.Biên Hòa) kiểm tra cơ sở tập kết và trung chuyển heo ở KP.7, phường Long Bình, phát hiện gần 300 con heo nghi bị bơm nước trước khi tiêu thụ.
* Phát hiện nhiều vụ bơm nước vào heo
Tại cơ sở nói trên, lực lượng chức năng ghi nhận hàng trăm con heo đang trong tình trạng say ngủ, miệng sùi bọt mép, bụng phình to... Đặc biệt, đoàn kiểm tra còn phát hiện tại đây có 2 lọ thuốc (nghi thuốc an thần), 10 vòi bơm nước được gắn trong các chuồng nhốt heo. Cơ sở này được 3 thương lái ở TP.Hồ Chí Minh thuê lại làm địa điểm trung chuyển heo từ các trại chăn nuôi trước khi đưa vào các lò giết mổ ở tỉnh Long An và TP.Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng quản lý thị trường cùng các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra phát hiện 139 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt hơn 500 triệu đồng. Trong đó vi phạm về giết mổ 25 vụ, phạt hơn 166 triệu đồng. |
Trước đó, chiều 10-5, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và Công an huyện Xuân Lộc bắt quả tang bà Lương Thị Ngọc Thủy (ngụ huyện Xuân Lộc) đang thuê người bơm nước vào heo tại tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). Theo đó, trước khi đưa heo vào lò mổ, bà Thủy cho người bơm nước vào heo để tăng trọng lượng. Việc này thực hiện hơn chục ngày thì bị phát hiện.
Đặc biệt, ngày 20-3, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra cơ sở trung chuyển heo tại KP.7, phường Long Bình do ông Phạm Mạnh Công làm chủ phát hiện đang bơm nước vào hàng chục con heo. Tại cơ sở này, lực lượng công an còn phát hiện và thu giữ nhiều vỏ chai thuốc an thần, kim tiêm.
Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng phát hiện một số trường hợp mua heo bệnh, heo chết về giết thịt bán ra thị trường. Cụ thể như ngày 28-8, Đội Kiểm tra thú y, kiểm dịch động vật huyện Thống Nhất phát hiện lò mổ của ông Tống Thành Công (ngụ xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) có 1 con heo có dấu hiệu bị bệnh, tím tái và khoảng 1,5 tạ thịt và nội tạng đã bốc mùi hôi thối. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Công thừa nhận chuyên mua heo bệnh, heo chết ở các trại heo đem về làm thịt rồi mang đến các chợ ở TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương tiêu thụ.
* Kiên quyết xử lý
Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, các thương lái sau khi nhận heo muốn tăng trọng lượng heo nên đưa đến điểm trung chuyển bơm nước vào heo trước khi nhập vào lò mổ. Để bơm được nhiều nước, họ thường tiêm thuốc an thần cho heo ngủ yên không phản ứng. Trong khi đó theo quy định, nếu đã sử dụng loại thuốc này thì ít nhất phải sau 7 ngày mới được đưa heo đi giết mổ. Thế nhưng vì lợi nhuận, các thương lái sẵn sàng mang heo đến lò mổ ngay sau khi tiêm thuốc, bơm nước để trọng lượng heo không bị giảm.
Theo cơ quan chức năng, việc làm này không chỉ đơn thuần là mua bán thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn trực tiếp đưa mầm bệnh đến với người tiêu dùng. Đối với các vụ phát hiện bơm nước vào heo, theo các cơ quan chức năng đây là hành vi gian lận thương mại.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng cho biết, trong những tháng cuối năm 2018, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ tiếp tục mạnh tay với tình trạng giết mổ động vật nói chung và heo nói riêng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, các lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra khâu lưu thông, nơi tập trung mua bán, giết mổ heo… Đây chính là những công đoạn mà các thương lái thường lợi dụng để “phù phép” heo bẩn thành sản phẩm mang đi tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng chú trọng việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối và các điểm kinh doanh thịt heo không đúng quy định.
Trần Danh