Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ "Khai thác đất, đá "chui" tràn lan": Địa phương còn buông lỏng quản lý

07:12, 30/12/2017

Báo Đồng Nai ra ngày 26 và 28-12 có loạt bài phản ánh về việc khai thác đất, đá "chui" tràn lan tại huyện Trảng Bom gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của người dân địa phương, đồng thời làm thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Báo Đồng Nai ra ngày 26 và 28-12 có loạt bài phản ánh về việc khai thác đất, đá “chui” tràn lan tại huyện Trảng Bom gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của người dân địa phương, đồng thời làm thất thoát tài nguyên khoáng sản. Đáng nói là trình trạng này còn xảy ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh và diễn ra khá thường xuyên.

Ông Nguyễn Cảnh Tiến, Trưởng phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên - môi trường.
Ông Nguyễn Cảnh Tiến, Trưởng phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên - môi trường.

Theo Trưởng phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Cảnh Tiến, để xảy ra tình trạng này một phần do một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên cho đội phản ứng nhanh của huyện nắm bắt thông tin, kiểm tra và xử lý. Các vụ khai thác khoáng sản trái phép kéo dài làm biến dạng địa hình, dẫn đến không canh tác được đất nông nghiệp tại các huyện: Tân Phú, Long Thành và Trảng Bom.

 Thưa ông, việc khai thác đất, đá trái phép trên địa bàn tỉnh diễn ra như thế nào sau khi UBND tỉnh cho biết không giải quyết cải tạo đất nông nghiệp?

Từ ngày 1-1 đến 30-11, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 248 vụ, 194 đối tượng khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép. Qua đó, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 226 vụ với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng, tịch thu 1 xe cuốc, 74 ghe bơm hút cát và nhiều phương tiện, thiết bị khác; số còn lại hiện đang tiếp tục xác minh và xử lý.

- Thời gian qua, việc khai thác các loại vật liệu san lấp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, nhất là việc cải tạo đất nông nghiệp có thu hồi đất làm vật liệu san lấp, bùn trấp, đá bazan bọt dạng tảng lăn (đá nằm rải rác trên đất). Tình trạng này có biểu hiện lợi dụng việc cải tạo đất nông nghiệp để kinh doanh đất làm vật liệu san lấp trái phép, làm biến dạng địa hình, giảm chất lượng hoặc mất khả năng sử dụng đất.

Sau khi UBND tỉnh ban hành Văn bản số 6943/UBND-CNN về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong hoạt động cải tạo đất nông nghiệp, lâm nghiệp..., qua số liệu kiểm tra về tình hình khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép của ngành công an cho thấy tình hình khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Từ 109 vụ trong 6 tháng đầu năm, đến ngày 30-11 đã tăng lên 248 vụ.

 Những trường hợp bị phát hiện, xử lý thời gian qua có phải lợi dụng san lấp mặt bằng để mua bán nhằm trục lợi không, thưa ông?

- Thực tế cho thấy nhu cầu lấy đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn các huyện là có và cần thiết để phục vụ cấp thiết các công trình nông thôn. Sở Tài nguyên - môi trường nhận và giải quyết hồ sơ xin cải tạo kết hợp thu hồi đất làm vật liệu san lấp theo đề nghị của các địa phương và các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản nhằm phục vụ các công trình giao thông nông thôn theo chương trình nông thôn mới. Đa số các nguồn đất dôi dư này phần nào đáp ứng nhu cầu sử dụng các công trình giao thông nông thôn.

Tuy nhiên, qua rà soát thực tế đã có một số đơn vị lợi dụng thi công công trình giao thông nông thôn lấy đất làm vật liệu san lấp cung cấp cho các công trình khác, như: cải tạo đất tại xã Phú Cường (huyện Định Quán) hay tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất). Hiện cơ quan chức năng đã đình chỉ, ngừng cải tạo tại 2 vị trí này.

Ngoài ra, trường hợp lợi dụng lấy danh nghĩa cải tạo mặt bằng xây dựng công trình quốc phòng tại ấp Bàu Chim (xã Phú Xuân, huyện Tân Phú); dự án chống sạt lở ở xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú); cải tạo mặt bằng chống sạt lở tại chùa Linh Phú, xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) và khai thác đất trái phép ở ấp Hưng Bình (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom), UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành, hiện đang kết luận thanh tra để báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định.

 Chính quyền địa phương hay các đơn vị quản lý cấp huyện cho rằng lực lượng mỏng nên không nắm bắt hết những hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, như vậy có đúng không, thưa ông?

- Nhân lực quản lý nhà nước về khoáng sản ở nhiều địa phương còn mỏng về số lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như chuyên ngành địa chất khoáng sản. Ngoài ra, trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở địa phương nơi có khoáng sản vẫn còn buông lỏng; UBND huyện thiếu sự chỉ đạo các ban, ngành của địa phương cùng phối hợp nhằm thực hiện công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn.

 Theo ông, tình trạng khai thác đất, đá trái phép và tràn lan sẽ gây ra hậu quả như thế nào?

- Khai thác đất, đá trái phép không chỉ làm biến dạng địa hình, giảm hiệu quả sử dụng đất theo mục đích đã ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà còn làm ảnh hưởng đến các thửa đất xung quanh, như: sạt lở đất, đất không giữ nước, đất bị rửa trôi bạc màu.

Máy cuốc múc đất đưa lên xe chở đi tiêu thụ tại một điểm khai thác đất trái phép ở ấp Hưng Bình (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom).
Máy cuốc múc đất đưa lên xe chở đi tiêu thụ tại một điểm khai thác đất trái phép ở ấp Hưng Bình (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom).

Ngoài ra, khai thác đất đá trái phép còn gây thất thoát tài nguyên, thất thoát nguồn thu ngân sách của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự và làm hư hại đường giao thông trong khu vực, gây bức xúc cho người dân…

 Để xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp chấn chỉnh như thế nào, thưa ông?

- Các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 14-CT/TU ngày 20-12-2016 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, địa phương cấp huyện phải đẩy mạnh hoạt động của đội phản ứng nhanh về kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Nếu làm quyết liệt và có trách nhiệm thì sẽ xử lý nghiêm tình trạng khai thác đất, đá tràn lan.

 Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải (thực hiện)

Tin xem nhiều