Trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, tại các huyện: Xuân Lộc, Long Thành, Tân Phú, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa vẫn còn gia tăng TNGT.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tốt.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại khu vực ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) ngày 1-6 làm 1 người chết. |
Toàn tỉnh xảy ra 187 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 154 người và 134 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2016, TNGT giảm 12 vụ, giảm 5 người chết do tai nạn. Tuy nhiên, vẫn còn các huyện: Xuân Lộc, Long Thành, Tân Phú, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa để gia tăng TNGT.
Giải tỏa những vấn đề “nóng”
TNGT đường sắt cũng có những diễn biến phức tạp khi xảy ra 5 vụ (giảm 1 vụ), làm chết 6 người (tăng 5 người), bị thương 8 người (tăng 7 người).
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc tổ chức giao thông, hạn chế ô tô tải trên 5 tấn quay đầu xe vào giờ cao điểm tại nút giao Amata đã kéo theo ùn tắc tại khu vực cầu Sập. Tổ chức hoạt động, phân luồng giao thông tại ngã tư Vũng Tàu chưa khoa học, gây phiền toái cho xe 2 bánh. Hậu quả, thời gian qua đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông giữa ô tô tải và xe máy khiến 2 người chết, 2 người bị thương. |
Sau những vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh và Sở Giao thông - vận tải đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, đặc biệt tại các đường ngang dân sinh.
Sau thời gian ra quân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, trong 66 đường ngang dân sinh, cơ quan chức năng đã rào xóa bỏ 26 vị trí, rào thu hẹp 28 vị trí, tổ chức cảnh giới tại 12 vị trí; đồng thời đầu tư kinh phí xây dựng 12 chòi gác để tạo thuận lợi cho người làm nhiệm vụ cảnh giới.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn được coi là phức tạp ở Đồng Nai. Đến nay đã có 43 hộ dân tự tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc lấn chiếm hành lang đường sắt với chiều dài hơn 2km thuộc huyện Trảng Bom.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tác động lâu dài, Ban An toàn giao thông tỉnh lắp đặt hàng rào cách ly trên phạm vi hành lang an toàn đường sắt nhằm ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm và trong tháng 6-2017 hoàn thành việc lắp đặt.
Đại diện Tổng công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn cho biết, ngoài việc bổ sung cọc tiêu, sửa chữa mặt đường tại các vị trí giao cắt với đường bộ quan trọng, ngành đường sắt còn tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp đầy đủ dụng cụ cho lực lượng làm nhiệm vụ cảnh giới, chốt gác.
Trên lĩnh vực xử lý xe quá tải, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm cho hay vi phạm chở quá tải trọng đã “hạ nhiệt” đến 97%. Các lực lượng chức năng luôn tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý các phương tiện chở hàng vượt quá tải trọng cho phép, quá khổ giới hạn cầu đường trên các tuyến đường bộ.
Cụ thể, Sở Giao thông - vận tải đã xử lý 1.560 trường hợp vi phạm quá tải và chở hàng rơi vãi trên đường. Trong đó, trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây xử lý 837 trường hợp, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động xử lý 428 vụ, phối hợp lực lượng liên ngành sử dụng cân xách tay xử phạt 195 trường hợp.
Lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã lập biên bản xử lý gần 715 trường hợp vi phạm các lỗi, như: quá tải, chở hàng vượt quá kích thước, tự cơi nới thành thùng xe và chở hàng rơi vãi.
Đến nay, Ban An toàn giao thông tỉnh đã hoàn thành lắp đặt kết nối internet đến 9/23 mỏ vật liệu. Dự kiến trong quý III-2017 sẽ hoàn tất việc lắp đặt hệ thống camera cho toàn bộ 23 mỏ vật liệu để truyền nhận dữ liệu và quản lý tải trọng phương tiện tại các mỏ trên địa bàn tỉnh.
“Tình trạng vi phạm về tải trọng trên các quyến quốc lộ, đường tỉnh trọng điểm cơ bản không còn. Tuy nhiên, các vi phạm về quá tải vẫn còn xảy ra chủ yếu ở các công trường, dự án xây dựng, nơi tập kết hàng hóa, bến thủy nội địa, các tuyến đường nông thôn…” - ông Liêm cho hay.
Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2017 có chuyển biến tốt (giảm cả số vụ, số người chết do TNGT), nhưng vấn đề xử lý tại các “điểm đen” tai nạn, kẹt xe vẫn chưa hiệu quả. Vì vậy, cần phải kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý tại các nút giao; hoàn chỉnh hệ thống biển báo hiệu đường bộ theo Quy chuẩn 41:2016 của Bộ Giao thông - vận tải.
Sau khi điều chỉnh giao thông tại nút giao Amata, lại xảy ra kẹt xe ở khu vực cầu Sập (TP.Biên Hòa). |
Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra lưu động, tập trung tại các đoạn đường nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn giao thông cao, xảy ra nhiều vụ TNGT. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dễ dẫn đến tai nạn, như: đi sai làn đường, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, xe cơ giới chở hàng cồng kềnh…
TNGT đường bộ xảy ra chủ yếu vẫn trên các tuyến quốc lộ (chiếm hơn 48% số vụ, hơn 52% người chết và 33,3% người bị thương); địa bàn nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao so với khu vực thành thị. Trong các nguyên nhân dẫn đến TNGT, ý thức của người tham gia thông vẫn là chủ yếu.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, cần vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh, muốn kéo giảm tai nạn thì cán bộ, công chức phải gương mẫu và tự nghiêm khắc với chính mình. Dư luận rất đồng tình, ủng hộ việc ghi hình cán bộ, công chức vi phạm pháp luật giao thông để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu và xử lý thế nào đến nay chưa được các ngành chức năng báo cáo.
“Đây không chỉ là trách nhiệm phải tự giác chấp hành mà còn làm gương, luôn đề cao ý thức thượng tôn pháp luật cho những ai đang trực tiếp tham gia giao thông trên đường” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Thanh Hải