Qua 4 năm triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), số vụ vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh có hơn 1,3 triệu vụ.
Qua 4 năm triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), số vụ vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh có hơn 1,3 triệu vụ.
Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện đổ trộm rác thải tại huyện Long Thành. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, các hành vi vi phạm hành chính đa dạng, diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung ở một số lĩnh vực, như: xây dựng, đất đai, môi trường, an toàn thực phẩm, công thương, lao động, bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ trên 94% số vụ vi phạm hành chính trên toàn tỉnh). Số vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự là 11vụ. Các vụ việc vi phạm hành chính xảy ra tập trung trên địa bàn các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, TP.Biên Hòa và TX.Long Khánh…
Vi phạm trên nhiều lĩnh vực
6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 5.493 vụ vi phạm hành chính, xử phạt 5.471 vụ; số còn lại chưa xử phạt do một số quyết định xử phạt đang trong thời hạn thi hành, một số vụ việc vi phạm chưa có đầy đủ tài liệu, chưa xác minh đầy đủ đối tượng, hành vi vi phạm, hết thời hiệu xử phạt hoặc đối tượng vi phạm trốn tránh, trì hoãn thực hiện.
Ông Nguyễn Tấn Khương, Phó trưởng phòng Quản lý xây dựng văn bản hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp) cho hay các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính là cá nhân chiếm tỷ lệ hơn 85% (có 238 đối tượng vi phạm là trẻ vị thành niên); việc áp dụng các hình thức xử phạt tiền được áp dụng phổ biến với 5.241 quyết định (chiếm tỷ lệ hơn 95,2%).
Tuy nhiên trong một số lĩnh vực, như: môi trường, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, giao thông đường thủy nội địa..., mức phạt chưa đủ tính răn đe nên việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền hiệu quả vẫn chưa cao.
Cũng theo ông Khương, cùng với hình thức phạt tiền, luật còn quy định các hình thức khác, như: trục xuất (đối với người nước ngoài); khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính (tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề)…
Bất cập từ thực tiễn
Theo các chuyên gia pháp lý, trong quá trình thực thi Luật Xử phạt vi phạm hành chính đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do một số quy định của luật chưa rõ ràng, còn chồng chéo; nhiều chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Chẳng hạn, một hành vi vi phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau mà chưa bị phát hiện, đến khi phát hiện hành vi vi phạm luật vẫn còn bất nhất khi quy định: cơ quan chức năng sẽ xử phạt 1 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng (điểm b, Khoản 1, Điều 10), hoặc xử phạt hành vi vi phạm theo từng thời điểm xảy ra vi phạm (điểm d, Khoản 1, Điều 3).
Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, luật sư Lê Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh) cho hay các vi phạm hành chính xảy ra và được phát hiện tại các cơ sở nhưng một số nghị định, như: Nghị định 119/2013/NĐ-CP, Nghị định 178/2013/NĐ-CP, Nghị định 121/2013/NĐ-CP không giao thẩm quyền lập biên bản cho công chức, viên chức cấp xã. Ngược lại, có nghị định mở rộng thẩm quyền lập biên bản cho công chức cấp xã (Nghị định 155/2016/NĐ-CP). Như vậy, chưa có sự thống nhất, chưa đảm bảo nhu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan.
Còn ông Nguyễn Tấn Khương cho biết, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản chuyên ngành còn nhiều bất cập cần được khắc phục, như: khi áp dụng tình tiết tăng nặng vẫn chưa hướng dẫn cụ thể: thế nào là quy mô lớn, thế nào là phức tạp trong trường hợp gia hạn. Luật quy định thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hành chính (Điều 66) sẽ không đảm bảo thời gian để chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định xử phạt.
Khoản 1, Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách Nhà nước”. Luật sư Lê Hồng Khanh nhấn mạnh, trong thực tế các phương tiện vận tải hầu hết có giá trị lớn, người lái xe đa số làm thuê, thu nhập thấp nên không có khoản tiền tương đương để nộp. Thậm chí, người vi phạm không phải lái xe, chủ xe mà là phụ xe nên không có khả năng nộp phạt, cho nên điều luật này rất khó áp dụng vào thực tế. |
Đoàn Phú