Báo Đồng Nai điện tử
En

Mua "đồ chơi" trên mạng xã hội, quá dễ…

07:05, 10/05/2016

Việc mua bán các công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm đang diễn ra hết sức dễ dàng trên mạng xã hội. Chỉ vài thao tác đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể tra cứu thông tin và tham gia mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội.

Việc mua bán các công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm đang diễn ra hết sức dễ dàng trên mạng xã hội. Chỉ vài thao tác đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể tra cứu thông tin và tham gia mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội.

Thông tin rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ rất dễ tìm thấy trên mạng xã hội.
Thông tin rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ rất dễ tìm thấy trên mạng xã hội.

Trong khi đó, theo quy định, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ chỉ được trang bị cho lực lượng vũ trang, cơ quan chức năng.

* Thích là có

Chỉ cần vào internet gõ các từ khóa đơn giản, như: “mua bán công cụ hỗ trợ”, “hàng nóng tự vệ”, mọi người sẽ tìm thấy hàng chục trang rao bán mặt hàng nguy hiểm này. Theo thông tin đăng trên các trang mạng, mọi người có thể sở hữu một khẩu súng bắn đạn thật, súng hơi bắn đạn sắt hoặc súng điện với giá 5-10 triệu đồng. Sau khi để lại tin nhắn với nội dung muốn mua loại nào, giao dịch ở đâu, người bán sẽ để lại thông tin tài khoản, cách thức giao dịch và nơi giao hàng.

Điều 5, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (số 16/2011/UBTVQH12) quy định rõ: “Nghiêm cấm tổ chức và cá nhân sở hữu vũ khí; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”. Khoản 1, Điều 233, Bộ luật Hình sự cũng quy định: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Và tùy theo mức độ của vụ việc mà hình phạt tù cao nhất có thể đến chung thân và phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

Trung tá Chu Đức Kiên, Đội trưởng Đội Quản lý vũ khí, đặc doanh và con dấu, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết: “Hoạt động mua bán vũ khí trên mạng xã hội đang được tiến hành tương tự cách thức mua bán các loại hàng hóa khác. Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần đánh sập các trang liên quan đến việc mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ…, nhưng sau đó mọi việc đâu lại vào đấy vì việc tạo tài khoản mới quá dễ dàng. Từ việc mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ hết sức dễ dàng như vậy sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội”.

Như lúc 10 giờ 30 ngày 27-2-2015, trong lúc ngồi nhậu tại một phòng trọ ở KP.1, phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa), 4 đối tượng: Huỳnh Văn Linh (quê tỉnh Cà Mau), Huỳnh Văn Tú, Hoàng Thị Kim Tuyến và Hoàng Vũ Thanh Tài, đều ngụ huyện Định Quán, đã xách khẩu súng K54 mới mua ra khoe, rồi lỡ tay để súng cướp cò, làm trọng thương một thành viên trong nhóm.

Trước đó không lâu, khi kiểm tra hành chính xe máy do đối tượng Cao Văn Minh (ngụ huyện Định Quán) điều khiển chở Nguyễn Minh Đức (ngụ tỉnh Lâm Đồng) lưu thông từ huyện Tân Phú vào rừng La Ngà, lực lượng phối hợp giữa Phòng Cảnh sát cơ động và Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh đã phát hiện 2 đối tượng sử dụng súng AR15 và nhiều hộp tiếp đạn. Làm việc với công an, các đối tượng khai số vũ khí này được mua từ mạng xã hội.

* Siết chặt quản lý

Từ năm 2012-2015, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 25 vụ với 27 đối tượng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó, Công an tỉnh đã khởi tố 10 vụ, 11 đối tượng; tịch thu gần 3,1 ngàn tang vật, gồm: súng quân dụng, súng tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các loại…

Súng thu giữ của một đối tượng buôn bán ma túy ở Trảng Bom vào năm 2013
Súng thu giữ của một đối tượng buôn bán ma túy ở Trảng Bom vào năm 2013

Theo đánh giá của Công an tỉnh, hầu hết các vụ việc vi phạm về mua bán, tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ đều do các đối tượng, nhóm đối tượng manh động, có thái độ bất hợp tác với lực lượng chức năng gây ra.

Hàng năm, Công an tỉnh đều có văn bản chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Trong đó, tập trung quản lý các cơ sở lò rèn thông qua quản lý cư trú, địa bàn để tổ chức kiểm tra, rà soát, phục vụ công tác nghiệp vụ. 3 năm qua, Công an tỉnh đã tổ chức răn đe 39 đối tượng có tiền án, tiền sự về mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép, đồng thời yêu cầu 254 chủ cơ sở phế liệu, 175 cơ sở lò rèn ký cam kết không thu mua, chế tạo vũ khí thô sơ…, nhằm góp phần hạn chế tội phạm gây án.

Trung tá Chu Đức Kiên cho hay: “Về lâu dài chúng tôi đã phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động internet để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trang web có nội dung mua bán, hướng dẫn chế tạo vũ khí. Bởi xét cho cùng, việc mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ dù với bất cứ mục đích gì đều là phạm pháp. Để tránh tình huống đáng tiếc xảy ra, mọi người phải tuân thủ nguyên tắc: “Không mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ”.

Đăng Tùng

 

 

 

 

Tin xem nhiều