Với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vấn đề tốc độ di chuyển ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lưu thông. Vì vậy, việc điều chỉnh tốc độ nhanh, chậm cần được thực hiện đồng bộ và rõ ràng, nếu không sẽ sinh ra nhiều bất cập giữa người điều khiển phương tiện và cơ quan chức năng.
Với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vấn đề tốc độ di chuyển ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lưu thông. Vì vậy, việc điều chỉnh tốc độ nhanh, chậm cần được thực hiện đồng bộ và rõ ràng, nếu không sẽ sinh ra nhiều bất cập giữa người điều khiển phương tiện và cơ quan chức năng.
Tại Đồng Nai, việc lắp đặt biển phân làn tốc độ theo quy định chỉ được thực hiện duy nhất trên tuyến quốc lộ 51, đoạn tránh thị trấn Long Thành (huyện Long Thành). |
Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) quy định về việc thay đổi tốc độ tối đa cho phép của các phương tiện giao thông lưu thông trên đường (có hiệu lực từ ngày 1-3), quy định: vận tốc tối đa cho phép của xe cơ giới khi lưu thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc) ngoài khu vực đông dân cư hay ở đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên có mức tối đa 90km/giờ. Nhưng đến nay, việc phân làn tốc độ với các loại xe vẫn chưa được thực hiện ở Đồng Nai.
* Không biết chạy thế nào?
Theo quan sát của phóng viên, trên địa bàn Đồng Nai, hầu như biển báo quy định tốc độ cho các loại đã có sự điều chỉnh, nâng tốc độ lên 50 km/giờ cho toàn hệ thống đường bộ theo quy định của Tổng cục đường bộ Việt Nam. Nhưng khi chiếu theo Thông tư 91/2015 thì việc thay đổi này vẫn giậm chân tại chỗ, việc cắm biển báo còn theo kiểu đối phó. Đa số biển báo 412 (phân tốc độ theo làn xe) chỉ được cơ quan chức năng xóa quy định tốc độ cũ rồi bỏ trống, không hề có sự điều chỉnh nào. Người điều khiển phương tiện có thể bắt gặp tình trạng này trên nhiều tuyến đường, từ quốc lộ, đường tỉnh đến đường trong khu vực đô thị. Các tài xế thắc mắc liệu đây có phải là những tuyến đường quy định chạy tốc độ hạn chế hay công tác tháo gỡ biển báo chưa hoàn tất? Nếu bắt buộc phải chạy tốc độ hạn chế thì cần phân làn tốc độ cụ thể vì đường có nhiều làn xe quy định phương tiện di chuyển khác nhau, không thể gắn biển báo theo kiểu chung chung như hiện nay.
Nhiều tài xế kinh nghiệm kiến nghị, khi lắp đặt các biển phân làn tốc độ cho các phương tiện cơ giới, ngành chức năng nên quy định cụ thể số lượng biển báo trước khi đến mục tiêu cần báo, nhằm tạo sự chủ động cho người tham gia giao thông. Việc làm này sẽ hạn chế trường hợp cùng một đoạn đường nhưng có đến 2 biển báo về tốc độ, từ chỗ tốc độ từ 60-80km/giờ xuống còn 50km/giờ chỉ cách nhau 50m khiến lái xe phải hãm phanh đột ngột, dễ gây tai nạn giao thông. |
Ngoài ra, ngay khi Thông tư 91/2015 bắt đầu có hiệu lực, Sở GTVT cần phải nhanh chóng thực hiện, nếu không sẽ sinh ra nhiều bất cập giữa người điều khiển phương tiện với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ xử lý vi phạm pháp luật về giao thông.
“Tôi thấy khi Thông tư 91/2015 ra đời, đồng loạt nhiều tuyến đường ở TP.Hồ Chí Minh đều cắm bảng phân làn tốc độ rõ ràng. Mỗi lần di chuyển trên các tuyến đường phân rõ quy định, người cầm lái luôn yên tâm và kịp thời điều chỉnh tốc độ để vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa không bị tuýt còi xử lý vi phạm” - tài xế Nguyễn Nguyên Bảo cho biết.
Theo các tài xế, điều chỉnh tốc độ di chuyển với các phương tiện cơ giới là điều cần phải làm bởi nhiều tuyến đường ở Đồng Nai, như: đường tỉnh 769, quốc lộ 20, quốc lộ 1… hiện được nâng cấp chất lượng khá tốt. Trước tình thế “đánh đố” người đi đường, đa phần lái xe cho biết buộc chọn cách di chuyển là phải ưu tiên tuân thủ biển báo hạn chế tốc độ được gắn trên đường. Ngay sau đó, nếu biển báo tốc độ không lặp lại thì họ được quyền chạy tốc độ theo quy định mới của Thông tư 91/2015.
“Anh em tài xế kiến nghị Đồng Nai nên sớm cắm hoàn chỉnh biển báo tốc độ trên các cung đường trong tỉnh để người lái xe dễ chạy. Không có biển báo tốc độ, chúng tôi dễ bị cảnh sát giao thông phạt vì sự “mập mờ tốc độ” kiểu này” - một tài xế lái xe khách đưa rước công nhân bức xúc.
* Sẽ sớm cắm biển báo phân làn tốc độ
Đến nay, sau hơn 2 tháng Thông tư 91/2015 có hiệu lực, hầu như các tuyến đường ở Đồng Nai vẫn chưa có bảng phân làn tốc độ khiến cánh tài xế băn khoăn nên điều khiển phương tiện ở tốc độ như thế nào là đúng?
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, những phản ánh này hoàn toàn chính xác. Việc chậm thay biển báo tốc độ rất dễ gây hiểu lầm và khó hiểu đối với nhiều người. Những bất hợp lý về biển báo rất cần được các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho việc lưu thông của các phương tiện giao thông.
Tốc độ di chuyển với các phương tiện giao thông theo quy định của Thông tư 91/2015/TT-BGTVT. |
Theo thống kê của Sở GTVT, nếu thực hiện theo quy định, Đồng Nai sẽ có khoảng 120 vị trí được cắm biển phân làn tốc độ cụ thể đối với từng loại phương tiện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh biển báo đến nay vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân do một số tuyến đường (đặc biệt là đường cấp xã, đường giao thông nông thôn) chưa đạt chuẩn về chất lượng để phù hợp với tốc độ cho phép điều khiển. Hiện tại, để khắc phục tình trạng này, ngành chức năng sẽ tiến hành cắm các biển hướng dẫn, biển báo phụ nhằm đảm bảo việc lưu thông trên đường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Từ Nam Thành, Trưởng phòng Quản lý giao thông Sở GTVT, lý giải nguyên nhân không phải do chậm lắp đặt biển phân làn tốc độ, mà cần phải có thời gian để các ngành liên quan phối hợp đồng bộ với nhau. Dự kiến, trong tháng 5-2016 sẽ hoàn tất lắp đặt, nhưng việc điều chỉnh này không thực hiện ở các tuyến đường cấp xã, những “điểm đen” xảy ra tai nạn giao thông.
“Ngay khi có quy định của Tổng cục đường bộ Việt Nam, tiếp đó là Thông tư 91 của Bộ GTVT, Sở GTVT đã khẩn trương điều chỉnh tốc độ trên tất cả các tuyến đường. Riêng các tuyến đường không thuộc quyền quản lý của Đồng Nai, chúng tôi đã kiến nghị Cục Quản lý đường bộ IV có thay đổi, nhưng đến nay chỉ có quốc lộ 51, đoạn tránh thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) điều chỉnh” - ông Từ Nam Thành cho biết.
Thanh Hải