Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Đảm (37 tuổi, chủ Cơ sở sản xuất giày Mạnh Tuấn, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Đối tượng Nguyễn Thanh Đảm. |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Đảm (37 tuổi, chủ Cơ sở sản xuất giày Mạnh Tuấn, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Làm chủ cơ sở sản xuất giày, Đảm đã thu thập mẫu giày của các thương hiệu nổi tiếng rồi thuê người làm giả với số lượng lớn để tuồn ra thị trường nhằm thu lợi bất chính.
* Bắt quả tang cơ sở sản xuất giày giả
Ngày 9-12-2014, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh đã bất ngờ ập vào Cơ sở sản xuất giày Mạnh Tuấn và bắt quả tang một số công nhân đang sản xuất giày thể thao giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, như: Nike, Adidas, Puma. Ngay sau đó, lực lượng công an đã lập biên bản và bắt giữ chủ cơ sở Nguyễn Thanh Đảm để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Ngoài các giấy tờ liên quan, công an còn thu giữ máy móc dùng để sản xuất giày và hơn 2,8 ngàn đôi giày thể thao giả các thương hiệu nổi tiếng.
Mở rộng điều tra vụ án, PC46 đã tiến hành kiểm tra 2 cửa hàng bán giày thể thao (đều ở TP.Biên Hòa) do người nhà của Đảm quản lý và đã thu giữ hàng trăm đôi giày thể thao giả các thương hiệu nổi tiếng.
Quá trình thu thập hồ sơ và các chứng cứ liên quan đến vụ án, cơ quan công an xác định Cơ sở sản xuất giày Mạnh Tuấn có làm thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký nhãn hiệu giày Lan Nhi và Prosper. Nhưng trong quá trình sản xuất, Đảm đã không làm theo mẫu mã đã đăng ký với cơ quan chức năng mà thuê người làm giả giày các nhãn hiệu nổi tiếng để bán ra thị trường nhằm thu lợi lớn hơn.
Quá trình điều tra, xác định vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cấp huyện, PC46 đã chuyển vụ việc cho Công an TP.Biên Hòa tiếp tục thụ lý điều tra vụ án.
* Lập xưởng để làm hàng giả
Kết quả điều tra cho thấy, để sản xuất giày giả các thương hiệu nổi tiếng, Đảm đã mua các loại máy móc làm giày cũ, như: máy giập, máy gò mũi, máy gò gót, máy ép đế… làm phương tiện sản xuất. Đảm cũng tìm mua các loại vải, đế giày… là hàng trôi nổi trên thị trường để làm nguyên liệu sản xuất giày. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, nguyên vật liệu, Đảm đã tuyển hàng chục công nhân gia công giày cho mình.
Nhằm tạo ra các sản phẩm giày giả giống như hàng thật, Đảm đã mua một số giày mang các thương hiệu, như: Nike, Adidas, Puma đem về tháo rời từng bộ phận, sau đó dùng logo các mẫu giày này scan vào máy tính và in ra để sử dụng. Tất cả các công đoạn này, Đảm đều thuê người có kỹ năng sử dụng các phần mềm máy tính để làm giả.
Theo điều tra viên thụ lý vụ án, việc sản xuất giày giả của Đảm được thực hiện từ tháng 8-2013. Thời gian đầu, các sản phẩm giày của Đảm tung ra thị trường chưa có nhiều khách hàng mua. Mỗi tháng, Đảm chỉ tiêu thụ được khoảng 100 đôi giày thể thao. Đến tháng 6-2014, khi được nhiều người biết đến, Đảm đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh, thành khác nên đã bán được hơn 11 ngàn đôi giày thể thao các loại, với giá từ 90-270 ngàn đồng/đôi và thu lợi gần 2 tỷ đồng.
Qua mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã kiểm tra một số cửa hàng bán giày thể thao trên địa bàn TP.Biên Hòa và thu giữ một số đôi giày giả các thương hiệu nổi tiếng là sản phẩm do Đảm gửi bán. Kết quả điều tra xác định chủ các cửa hàng này có hành vi buôn bán hàng giả, nhưng chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên cơ quan điều tra đã đề nghị xử lý hành chính.
Đối với một số công nhân được Đảm thuê sản xuất giày giả, cơ quan điều tra xác định do họ có trình độ thấp, chỉ biết làm công ăn lương, xét thấy chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trần Danh