Báo Đồng Nai điện tử
En

Bỏ tử hình một số tội danh: Còn nhiều tranh cãi

09:09, 15/09/2015

Một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi lần này là việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh hay quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp. Đã có rất nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề này.

Một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi lần này là việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh hay quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp. Đã có rất nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề này.

BLHS hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với 22 tội danh. Tuy nhiên, dự thảo BLHS sửa đổi dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh (lần lượt các Điều 164, 314, 404, 410, 433, 434 và 435). Ngoài ra, dự thảo còn dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (quy định tại Điều 194 BLHS hiện hành). Về vấn đề này, đã có nhiều ý kiến trái chiều.

* Bỏ hình phạt tử hình 7 tội danh

Ý kiến tán thành với dự thảo cho rằng việc bỏ hình phạt tử hình các tội danh nói trên nhằm hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, góp phần thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Trong khi đó, một số tội danh, như: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người và tội phạm chiến tranh..., từ năm 1985 đến nay chưa có trường hợp vi phạm.

Đối với tội cướp tài sản, nhiều ý kiến cho rằng, bản chất của tội này là tước đoạt quyền sở hữu của người khác bằng vũ lực hoặc bằng các hành động khác. Mục đích của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, chứ không phải là xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Việc gây thương tích hoặc làm chết người khi thực hiện hành vi cướp không nằm trong ý định chủ quan của người phạm tội.

Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch MTTQ tỉnh, cho rằng hình phạt tử hình thể hiện ý chí nghiêm khắc của pháp luật áp dụng cho những hành vi đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng xét về góc độ nhân quyền, nên bỏ dần các hình phạt tử hình. Theo ông Ngôn, việc bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh nêu trên là hợp lý.

Cùng quan điểm, ông Trần Huy Hùng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho rằng bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh là xu hướng chung của thế giới, là xu thế văn minh của nhân loại. Nhưng với thực tế hiện nay, một số tội phạm (như tội phạm ma túy) mà bỏ hình phạt tử hình thì phải xem xét lại.

* Sản xuất thuốc chữa bệnh giả, có nên tử hình?

Một trong những nội dung mới được đưa ra trong dự thảo BLHS sửa đổi là bổ sung quy định: “Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” (Điều 39 dự thảo BLHS). Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này vì cho rằng, điều này ở khía cạnh nào đó sẽ dễ dẫn đến cách hiểu dùng tiền để thoát án tử hình.

Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho rằng việc áp dụng hình phạt tử hình đối với một số loại tội phạm, như: tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; tội sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh... cần phải cân nhắc kỹ, bởi thực tế những loại tội phạm này đều là các loại tội phạm rất nguy hiểm cho xã hội. Ông Vở phân tích: “Trước đây, việc buôn bán vài bánh ma túy là hiếm, còn hiện nay buôn bán vài chục bánh là chuyện thường thấy”.

Về ý kiến không thi hành án tử hình đối với tội tham ô tài sản, theo Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Trần Huy Hùng, hầu hết các vụ tham ô tài sản xảy ra 10 phần thì chỉ xử lý được 1-2 phần. Tài sản trong các vụ án tham ô không thu hồi được, sau đó đối tượng dùng chính tài sản tham ô để bồi thường nhằm tránh tội chết là không hợp lý.

Đối với tội sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo ông Vở, việc không thi hành án tử hình đối với loại tội phạm này là không được. “Thuốc chữa bệnh là sản phẩm có liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người. Việc sản xuất thuốc giả sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, thậm chí dẫn đến hậu quả chết người với số lượng lớn” - ông Vở nói.

Cùng quan điểm này, ông Trần Huy Hùng cho rằng, nếu không thi hành án tử hình đối với tội sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh sẽ để lại hậu quả khôn lường cho xã hội. Nếu vin vào lý do sản xuất thuốc chữa bệnh giả chỉ vì lòng tham vật chất thì chưa thỏa đáng, vì đây là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

Luật sư Trương Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng việc tử hình hay không tử hình đối với tội sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. “Ngay trong gia đình tôi, vợ tôi cương quyết bảo tội sản xuất thuốc giả phải bắn. Nhưng theo tôi, các đối tượng sản xuất hàng giả nói chung, trong đó có cả thuốc chữa bệnh, đều vì mục đích kinh tế. Hậu quả nếu có thể xảy ra nằm ngoài ý muốn chủ quan của những đối tượng đó” - luật sư Dũng nêu ví dụ.

Danh Trường

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều