Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật Xử phạt vi phạm hành chính: Vướng mắc trong thực thi

09:07, 22/07/2013

Luật Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. Nhưng khi áp dụng các điều, khoản của luật để xử lý các trường hợp vi phạm trên thực tế, các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Trường hợp xảy ra tại xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) là ví dụ.

Luật Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. Nhưng khi áp dụng các điều, khoản của luật để xử lý các trường hợp vi phạm trên thực tế, các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Trường hợp xảy ra tại xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) là ví dụ.

* Nhiều lần vi phạm

Theo hồ sơ của Công an xã Tam Phước, Trần Tiến Lên (16 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) là đối tượng sống lang thang, chuyên trộm cắp tài sản để kiếm sống. Ngày 25-5, Lên cùng đồng bọn lấy trộm tài sản của người dân, bị Công an xã Tam Phước phát hiện và bắt giữ.

Qua điều tra, Công an xã Tam Phước xác định hành vi của Lên chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nên đã lập hồ sơ đề nghị xử phạt VPHC đối tượng này 750 ngàn đồng và cho về. Nhưng chưa đầy một tháng sau, Trần Tiến Lên lại tiếp tục cùng đồng bọn đột nhập nhà dân trộm cắp tài sản và bị người dân phát hiện, bắt giao công an xã xử lý.

Với tập hồ sơ lần trước chưa kịp ráo mực, lần này Lên lại tiếp tục bị bắt về hành vi trộm cắp nên Công an xã Tam Phước đã tham mưu cho chính quyền xã lập hồ sơ đề nghị đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng để quản lý.

Đồng ý với phương án này, UBND xã Tam Phước đã thống nhất chuyển hồ sơ cho Công an TP.Biên Hòa. Trên cơ sở đó, Hội đồng tư vấn TP.Biên Hòa sẽ họp thống nhất, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định đưa đối tượng Trần Tiến Lên vào trường giáo dưỡng.

* Vướng mắc trong thực thi

Qua nghiên cứu hồ sơ, Hội đồng tư vấn TP.Biên Hòa xác định, theo điểm c, khoản 2, Điều 24 Pháp lệnh Xử phạt VPHC, trường hợp của Trần Tiến Lên sẽ được lập hồ sơ đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, Điều 90 của Luật Xử phạt VPHC lại quy định: “…Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu 2 lần trở lên trong 6 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng không có nơi cư trú ổn định, thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Công an xã Tam Phước cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn xã có nhiều trường hợp bị xử phạt VPHC nhiều lần như trường hợp của Trần Tiến Lên, nhưng không thể đưa họ vào cơ sở giáo dục, nuôi dưỡng, vì không đúng đối tượng. Chính vì vậy, nhiều đối tượng, dù cơ quan chức năng đã lập hồ sơ đầy đủ, nhưng đành để họ lang thang ngoài xã hội”.

Bên cạnh đó, Điều 2 Nghị quyết 24/2012/QH13 ngày 20-6-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xác định, các trường hợp: “…Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu 2 lần trở lên trong 6 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...”, đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng, thì chuyển cho chủ tịch UBND xã xem xét quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã (phường, thị trấn); đối với người không có nơi cư trú ổn định thì giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã (phường, thị trấn).

Dựa trên những quy định đó, Hội đồng tư vấn TP.Biên Hòa đề nghị UBND xã Tam Phước xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã và giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em quản lý, giáo dục theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, theo Công an xã Tam Phước, trường hợp của Trần Tiến Lên sẽ không được cơ sở bảo trợ xã hội (cô nhi viện) tiếp nhận. Bởi đây là đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật, trong khi cơ sở bảo trợ xã hội chỉ nhận nuôi những trường hợp trẻ em cơ nhỡ, trẻ bị bỏ rơi… Và như vậy, từ quy định của các văn bản pháp lý đến thực tế thực thi đã có những vướng mắc khó giải quyết, nên những trường hợp vi phạm như Trần Tiến Lên vẫn phải để bên ngoài xã hội, mà không được quản lý, giáo dục.

Trần Danh

 

 

 

Tin xem nhiều