Bỏ lại sau lưng 3 bản án tù về tội trộm cắp tài sản, Nguyễn Đình Cường (29 tuổi) rời quê nhà Nghệ An vào huyện Long Thành làm công nhân. Tại đây, Cường tiếp tục phạm tội mới...
Bỏ lại sau lưng 3 bản án tù về tội trộm cắp tài sản, Nguyễn Đình Cường (29 tuổi) rời quê nhà Nghệ An vào huyện Long Thành làm công nhân. Tại đây, Cường tiếp tục phạm tội mới...
* Chứng nào tật nấy
Tốt nghiệp lớp 12, Cường vẫn là cậu thư sinh rỗi nghề, lắm tật xấu, thường xuyên tụ tập với đám thanh niên hư hỏng trong làng quậy phá. Năm 2002, Cường đã bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An xử phạt 9 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản.
Sau khi mãn hạn tù, Cường tỏ ra ngoan hiền, đề xuất với cha mẹ cho phép lên thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) tìm việc làm. Tưởng con biết tu tâm dưỡng tính, cha mẹ Cường vui vẻ đồng ý. Nào ngờ, tháng 4-2004, ông bà lại nhận tin Cường bị TAND thành phố Vinh xử phạt 12 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Đến tháng 12-2005, Cường lại vào trại giam thụ án 30 tháng tù vì tội làm “đạo chích”.
Thêm một lần nữa ra tù, Cường trở nên ương ngạnh trước những lời khuyên răn từ gia đình. Cho rằng mọi người không có thiện chí với mình, Cường đã bỏ nhà vào Đồng Nai làm công nhân. Tại đây, Cường vẫn ngổ ngáo như ở quê nhà, giao du với những thanh niên cùng tâm tính để nhậu nhẹt, quậy phá. Theo những người ở cùng khu trọ, hết giờ làm việc, Cường thường hay tụ tập bạn bè tại phòng trọ, hoặc la cà nơi hàng quán để nhậu nhẹt.
Ngày 21-4-2011, Cường bị Công an Khu công nghiệp Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, sau khi có hành vi “xưng hùng, xưng bá” với nhóm công nhân khác. Khoảng đầu năm 2012, trong một lần xích mích với các công nhân Trưởng và Lâm, Cường đã bị các anh này đánh...
Ngày 16-2, Cường rủ một số thanh niên (chưa rõ lai lịch) vác hung khí đến khu ở trọ của các anh Trưởng, Lâm (ở xã Long An, huyện Long Thành) để đánh trả thù. Khi thấy anh Trưởng đi xe máy cùng anh Khanh về phòng trọ, Cường cùng một thanh niên trong nhóm đuổi theo. Hoảng sợ, anh Trưởng vội chạy vào phòng trọ đóng cửa lại để trốn. Lúc này, nhóm của Cường bắt giữ anh Khanh, chở về một quán cà phê ở xã Phước Thái (huyện Long Thành). Tại đây, Cường buộc anh Khanh gọi điện thoại cho anh Trưởng đến xin lỗi và bồi thường tiền thuốc men vì đã đánh Cường. Do không biết số điện thoại của anh Trưởng, anh Khanh gọi cho anh Phong (bạn của Trưởng) nhờ báo cho anh Trưởng biết chuyện để đem tiền đến chuộc mình về. Nhận được điện thoại của Khanh, anh Phong đã báo Công an xã Phước Thái đến bắt giữ Cường. Riêng số thanh niên đi cùng Cường đã nhanh chân chạy thoát.
* Hối cải... lần thứ 4
Trước vành móng ngựa, với vẻ mặt phờ phạc, bị cáo Cường tỏ ra ăn năn, hối cải về hành vi bắt giữ người trái pháp luật của mình. Khi vị chủ tọa phiên tòa giải thích việc bắt giữ người của bị cáo là xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do cá nhân của công dân, thì bị cáo Cường mới lí nhí nói: “Bị cáo biết mình sai, bị cáo xin nhận tội. Mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
Bị mọi người tố mình trước tòa, Cường lầm lì cúi đầu. Vị chủ tọa phiên tòa liền chất vấn: “Với trình độ học vấn tương đối, là con em lao động nghèo và đã có 4 tiền án, tiền sự, tại sao bị cáo không biết tu tỉnh làm ăn. Trong khi đó, cùng lứa tuổi với bị cáo, bao thanh niên khác cố gắng lao động để kiếm tiền phụ giúp gia đình ở quê nhà. Bị cáo nghĩ sao về hành vi của mình, về trách nhiệm làm con với cha mẹ?” - vị chủ tọa hỏi bị cáo Cường.
Như đứa trẻ không thuộc bài đạo đức trước câu hỏi của thầy giáo, Cường im lặng đến khó hiểu. Trước thái độ đó của Cường, vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề xuất Hội đồng xét xử cần xử bị cáo mức án thật nghiêm, tương xứng với hành vi phạm tội, nhất là bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.
Sau khi cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, định khung tăng nặng, TAND huyện Long Thành đã tuyên phạt bị cáo Cường 2 năm tù về tội bắt giữ người trái pháp luật. Riêng các đồng phạm với Cường, tòa đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh và xử lý sau khi xác định được lai lịch.
Thành Nhân