Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về lượng án, vụ việc phải giải quyết nhưng các cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, thi hành án dân sự) tại Đồng Nai đã nỗ lực vượt khó thực hiện nhiệm vụ, đề ra nhiều giải pháp đảm bảo công tác thực thi pháp luật đúng tiến độ, đúng quy định pháp luật.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức cưỡng chế, kê biên tài sản của ông V.V.N. tại phường Tân Hòa (thành phố Biên Hòa) vào tháng 9-2024. Ảnh: T.Tâm |
Tuy nhiên, quá trình thực thi pháp luật, các cơ quan tư pháp còn gặp phải nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án, vụ việc và kiện toàn đội ngũ, bộ máy.
Giải quyết vụ án bị kéo dài, hủy, sửa
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong năm 2024, công tác truy tố, xét xử, thi hành án nhìn chung đã đạt được những kết quả khả quan, đảm bảo sự nghiêm minh, kịp thời trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án kéo dài, phải trả hồ sơ, hủy bản án hoặc việc thi hành án dân sự phải thực hiện cưỡng chế kê biên… Trong đó có một số vụ án kéo dài do bị hủy, sửa do lỗi khách quan của vụ án.
Đơn cử như trường hợp bà N.L. (ngụ thành phố Biên Hòa) khởi kiện bà K.T. (ngụ thành phố Biên Hòa) đòi lại tài sản. Nội dung vụ án xác định, vào năm 2016, bà L. và T. thỏa thuận chuyển nhượng 2,1 ngàn m2 đất tại thành phố Biên Hòa với giá 6,4 tỷ đồng. Do chuyển nhượng không thực hiện được nên bà L. yêu cầu bà T. trả lại số tiền còn nợ là 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà T. không thừa nhận việc còn nợ của đôi bên. Bà cho rằng, hai bên đã giải quyết dứt điểm việc mua bán từ năm 2018 và không còn liên quan gì nhau.
Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Biên Hòa tuyên buộc bà T. phải trả lại cho bà L. số tiền 3,4 tỷ đồng nên bà T. đã làm đơn kháng cáo. Tại cấp phúc thẩm vào tháng 10-2024, bà L. cung cấp tài liệu mới thể hiện bà có chồng đã chết và 2 người con. Việc tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất của gia đình bà L. là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chồng và con. Xét thấy tại phiên tòa phúc thẩm có tình tiết mới, cần làm rõ giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên và bổ sung người tham gia tố tụng mới có thể giải quyết vụ án nên TAND cấp phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
Liên quan đến công tác thi hành án dân sự, có nhiều vụ án phức tạp buộc cơ quan thi hành án phải thực hiện biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản. Điển hình, vào tháng 9-2024, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã tiến hành cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của ông V.V.N. (ngụ phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa) vì liên quan đến sai phạm tại một số quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.
Bản án của TAND tỉnh vào năm 2019 buộc ông N. phải bồi thường cho các quỹ tín dụng nhân dân: Thanh Bình, Tân Tiến, Dầu Giây số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Quá trình giải quyết vụ án, ông N. không nộp đủ tiền thi hành án và gia đình ông không hợp tác trong việc bàn giao tài sản nên Cục THADS tỉnh đã tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản của ông N. tại phường Tân Hòa (thành phố Biên Hòa).
Nỗ lực gỡ khó trong thực thi pháp luật
Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước cho hay, trong năm 2024, ngành tòa án đã nỗ lực rất lớn trong các mặt công tác nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về mặt giải quyết án. Mặc dù TAND tối cao rất quan tâm và cho phép TAND tỉnh tự tổ chức thi tuyển công chức để đảm bảo biên chế được giao nhưng số án ngày càng tăng cao và phức tạp nên tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ công chức ngành tòa án.
Theo quy định, hiện 2 thẩm phán sẽ có 1 thư ký giúp việc để thực hiện các công việc tố tụng. Tuy nhiên, hiện mỗi thư ký phải giúp việc cho 3-4 thẩm phán nên dẫn đến việc các thẩm phán phải tự thực hiện các công việc của thư ký. Điều này ảnh hưởng đến thời gian nghiên cứu hồ sơ, giải quyết án của thẩm phán.
Do đó, thời gian tới, lãnh đạo ngành tòa án sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo giải quyết án tại TAND 2 cấp. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra đối với thẩm phán, thư ký phân công giải quyết án; nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, thư ký đối với từng vụ việc cụ thể. Đồng thời, ngành tòa án cũng tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ, giám sát tiến độ giải quyết án của các thẩm phán; xây dựng kế hoạch chuyên đề án tồn, án quá hạn, án tạm đình chỉ… để kịp thời phát hiện sai phạm và khắc phục, giải quyết dứt điểm.
Đối với công tác THADS, tại buổi làm việc về những khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo Tỉnh ủy ngày 17-10, Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh Nguyễn Hoàng Trung cho hay, công tác thi hành án vẫn còn một số vụ việc chậm thi hành án kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân là do tổ chức bộ máy THADS tỉnh còn thiếu, trong khi số lượng án ngày càng tăng và tính chất phức tạp. Mặt khác, một số quy định pháp luật liên quan còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều vụ án người phải thi hành án không có khả năng thi hành, không tự nguyện thi hành, thậm chí là chống đối, né tránh…
Ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết, thời gian tới, lãnh đạo ngành thi hành án sẽ chỉ đạo chấp hành viên bám sát hồ sơ, xây dựng kế hoạch chi tiết để giải quyết các vụ việc, nhất là những vụ việc còn tồn đọng, kéo dài. Mặt khác, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ban, ngành liên quan tại địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các vụ việc; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc kê biên, xử lý tài sản hiệu quả…
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin