Báo Đồng Nai điện tử
En

Mô hình thiết thực giúp người hoàn lương

Thư Ngọc
07:25, 11/07/2024

Một trong những giải pháp hữu hiệu, thiết thực để giúp những người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng là hỗ trợ nguồn vốn vay, giúp họ có việc làm, ổn định cuộc sống, ngăn ngừa nguy cơ tái phạm.

Xác định được tầm trọng của việc này, những năm qua, nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ vốn vay, tạo việc làm cho những người hoàn lương được Đồng Nai triển khai hiệu quả bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, đậm tính nhân văn. Nổi bật trong đó là tỉnh đã nỗ lực duy trì hoạt động của Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự (ANTT) tỉnh gần 14 năm, đã giải quyết cho gần 1,3 ngàn lượt người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với tổng số tiền xoay vòng hơn 35 tỷ đồng. Việc này đồng nghĩa với nhiều người lầm lỡ có điều kiện sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đang quan tâm triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt là Quyết định số 22). Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Đặc biệt, Quyết định số 22 không chỉ quy định đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù, mà còn có cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia giải quyết, tạo việc làm cho người hoàn lương.

Với điều kiện, phương thức vay vốn được quy định rõ ràng, Quyết định số 22 được xem là một chính sách tín dụng quan trọng trong hỗ trợ nguồn vốn vay cho những người hoàn lương có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Không chỉ đơn thuần là việc cho vay vốn, các hoạt động, chính sách nêu trên còn là sự quan tâm, động viên, chia sẻ của các doanh nghiệp, cộng đồng, ngành chức năng đối với những người hoàn lương, giúp họ vượt lên mặc cảm, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Trên thực tế, nhu cầu hỗ trợ vốn vay và tạo việc làm của những người hoàn lương trên địa bàn tỉnh còn nhiều nên trong thời gian tới, cần xây dựng thêm nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong hỗ trợ vốn vay và tạo việc làm cho người hoàn lương; đẩy mạnh tuyên truyền gương cá nhân, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để người hoàn lương học tập, noi theo.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, tránh tái phạm và vi phạm pháp luật, trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn.              

Thư Ngọc

Tin xem nhiều